Cần Thơ: Bánh tét Lá Cẩm hối hả vào siêu thị Tết

(Dân trí) - Bánh tét là món ăn truyền thống của người Nam bộ trong ngày tết cổ truyền. Để bánh tét được ngon hơn người dân Miền Tây đã sáng tạo chế biến món bánh tét Lá Cẩm nỗi tiếng đất Cần Thơ.

Bánh tét Chín Cẩm có vị ngon và màu sắc rất đẹp
Bánh tét Chín Cẩm có vị ngon và màu sắc rất đẹp

Với hương vị thơm ngon đặc sắc, được khách trong và ngoài nước thưởng thức khen ngợi, tháng 11 năm 2008 bánh tét của lò Chín Cẩm (TP. Cần Thơ) được Cục Sở hữu trí tuệ cấp thương hiệu độc quyền bánh tét IX Cẩm.

Nhà bà Chín Cẩm (tức Huỳnh Ngọc Thanh) ở tận phường Thới An Đông, quận Bình Thủy (TP Cần Thơ) những ngày này chất đầy các nguyên liệu để làm bánh như lá chuối, nếp, hột vịt muối, dừa…

Chị Chín Cẩm, vui vẻ cho biết, từ ngày đươc cấp thương hiệu độc quyền, mỗi ngày càng có nhiều khách đặt bánh hơn. Đang bận rộn chuẩn bị làm bánh nhưng chị Chín cũng nhiệt tình dành thời gian kể cho chúng tôi nghe nghề gói bánh tét gia truyền 4 đời của gia đình mình.

Bà Huỳnh Ngọc Thanh (Chín Cẩm) vừa làm bánh vừa kể về nghề thống của gia đình
Bà Huỳnh Ngọc Thanh (Chín Cẩm) vừa làm bánh vừa kể về nghề thống của gia đình

Gia đình chị Chín làm nghề gói bánh tét bán từ đời bà nội, rồi đến mẹ chị. 10 tuổi chị đã biết gói bánh và mang bánh bán chợ. Đến 22 tuổi chị lấy chồng tiếp tục nghề gia truyền, chị xây lò làm bánh riêng tại quê chồng. 3 đứa con của chị, trong đó có một đứa con trai đang học đại học đều là thợ gói bánh chính của gia đình.

Bánh tét của gia đình chị Chín cũng làm từ nếp, gói giống như bánh tét những nơi khác nhưng gia vị và cách làm thì khác biệt. Chính vì thế mấy chục năm qua người dân ở Cần Thơ vẫn thích ăn bánh tét của gia đình chị hơn và nghề gói bánh tét cứ thế truyền đến ngày nay trong gia đình.

Bánh tét IX Cẩm được làm theo quy trình riêng, trước khi tiến hành gói bánh phải qua một công đoạn rất công phu. Đó là chọn nếp thơm, loại ngon nhất; lá cẩm phải chọn lá tươi xanh, đem xay vắt lấy nước rồi ngâm với nếp cho thấm. Sau đó bắc nước cốt dừa lên chảo nấu sôi, nêm đường, muối cho vừa ăn rồi cho nếp vào xào.

Cả nhà đang làm bánh để phục vụ tết
Cả nhà đang làm bánh để phục vụ tết

Nhân bánh làm bằng đậu xanh, thịt nạc, trứng vịt muối cho bánh thập cẩm; chuối làm bánh nhân chuối và đậu, dừa cho bánh nhân ngọt. Bánh tết thì thêm lạp xưởng, tôm khô. Tất cả nguyên liệu phải tươi ngon và ướp gia vị cho thấm vài giờ trước khi gói.

“Để bánh ngon thì khâu xào nếp, nêm nếm là quan trọng nhất. Khi xào phải xào đến khi hạt nếp nứt dẻo cho nước dừa và gia vị thấm vào hạt nếp. Có như thế bánh mới có màu đẹp, mùi thơm, ngon và để ăn lâu được. Bánh gói xong luộc trên lửa 3 giờ, sau đó để bánh trong nước nóng thêm một giờ mới vớt ra. Đặc biệt nước luộc bánh không để bất kỳ hóa chất gì”- chị cho biết.

Với cách làm công phu như thế nên bánh tét Chín Cẩm có mùi vị thơm ngon đặc trưng riêng, khác với bánh tét lá cẩm của những lò bánh khác hay bánh đậu trắng, đậu đen nhân mở hành, nhân chuối truyền thống hay bánh tét làm bằng lá bồ ngót đặc sản của Trà Vinh. Bánh tét Chín Cẩm có màu tím tươi đẹp mắt, khi cắt khoanh bánh không bị rời. Thưởng thức bánh ta cảm nhận đồng thời chất dẻo của nếp, vị béo của nước cốt dừa, vị ngọt của thịt, mùi thơm của trứng muối… cùng kết hợp rất vừa miệng.

Những năm gần đây, ở Miền Tây bánh tét không còn là món ăn truyền thống đặc trưng dành riêng cho ngày tết cổ truyền, ngày đám giỗ mà nó đã trở thành món bánh thông dụng của nhiều gia đình, đặc biệt là bánh tét Chín Cẩm.

Năm nay có đến 10 nghìn đòn bánh tét lá cẩm vào siêu thị để phục vụ nhu cầu người tiêu dùng
Năm nay có đến 10 nghìn đòn bánh tét lá cẩm vào siêu thị để phục vụ nhu cầu người tiêu dùng

Chị Chín Cẩm kể, mấy tháng trước có đoàn khách nước ngoài đến tham quan lò bánh, sau khi thưởng thức xong, một khách người Đức, nói: “Đến Việt Nam nhiều lần nhưng đây là lần đầu tiên ăn mòn bánh ngon đến thế” (qua lời của phiên dịch) và đoàn khách không quên mua theo rất nhiều đòn bánh phục vụ cho chuyến du lịch của mình.

Hoàng Tùng – Hoàng Quân