Cận cảnh hầm trú bom nguyên tử thời Chiến tranh Lạnh có cả kho chứa vàng

Huy Hoàng

(Dân trí) - Từng là hầm trú bom nguyên tử với sức chứa hơn 500 người được sử dụng thời Chiến tranh Lạnh, đến nay, nơi này đã mở cửa đón du khách tới tham quan và tìm hiểu lịch sử.

Ẩn sâu bên dưới lòng đất ở phía tây thủ đô Ottawa, Canada, là một điểm đến hấp dẫn với những du khách muốn tìm hiểu về lịch sử. Đó là hầm trú bom nguyên tử được thiết kế để phục vụ giới lãnh đạo chủ chốt nước này thời Chiến tranh Lạnh.

Với diện tích rộng hơn 9.300m2, hầm trú bom xây từ năm 1959 đến 1961. Công trình là một tòa nhà 4 tầng với 300 phòng, nằm hoàn toàn dưới lòng đất, có sức chứa lên tới hơn 500 người.

Cận cảnh hầm trú bom nguyên tử thời Chiến tranh Lạnh có cả kho chứa vàng - 1
Đường hầm dài 118m dẫn vào các căn phòng (Ảnh: The Star).

Địa điểm này từng được giữ bí mật suốt thời gian dài, cho tới khi chuyển đổi thành bảo tàng Diefenbunker. Tên gọi như hiện tại được đặt theo Thủ tướng thứ 13 của Canada, ông John Diefenbaker, người cho phép xây dựng công trình làm trụ sở chính phủ khẩn cấp. Ngày nay, đây là một trong những điểm tham quan hấp dẫn nhất thành phố Ottawa.

Đúng như chức năng ban đầu của mình, hầm trú bom hạt nhân Diefenbunker được xây dựng để chịu được vụ nổ 5 megaton từ khoảng cách 1,8km, đồng thời những nhà lãnh đạo thời điểm đó có thể điều hành đất nước dưới lòng đất tối đa 30 ngày nếu bị tấn công hạt nhân.

Cận cảnh hầm trú bom nguyên tử thời Chiến tranh Lạnh có cả kho chứa vàng - 2
Phòng nội các chiến tranh (Ảnh: The Star).

Hầm gồm dãy phòng dành cho Thủ tướng, một phòng phát sóng khẩn cấp của CBC và thậm chí cả kho tiền để chứa vàng phục vụ ngân hàng trung ương Canada.

"Ngoài những người được chỉ định, không ai được vào hầm. Không ai được phép mang theo cả gia đình đi theo, kể cả Thủ tướng", cựu giám đốc bảo tàng, ông Henriette Reigel, cho biết.

Lối vào hầm dài 118m, dẫn tới nhiều cánh cửa. Mỗi cánh cửa nặng 1,4 tấn. Tiếp đó là các khu vực khử nhiễm xạ và các khu chức năng.

Cận cảnh hầm trú bom nguyên tử thời Chiến tranh Lạnh có cả kho chứa vàng - 3
Hầm chứa vàng phục vụ ngân hàng trung ương Canada (Ảnh: Toronto Star).

Đến nay, các căn phòng làm việc vẫn còn giữ nguyên. Ví dụ, bên trong phòng nội các chiến tranh được dùng làm chỗ họp cho Thủ tướng cũng như quan chức cấp cao, được trang bị 4 ti vi, một máy chiếu. Phòng bên cạnh có máy chiếu hiển thị hoạt động của các máy bay.

Khu dành riêng cho Thủ tướng được chia thành văn phòng làm việc, phòng ngủ và phòng tắm riêng. Tiếp đó là khu căng tin với sức chứa khoảng 200 người cùng lúc. Vào thời kỳ Chiến tranh Lạnh, hầm thực phẩm tại đây luôn dự trữ khối lượng đồ ăn đủ dùng trong vòng 30 ngày mà không cần đồ tiếp tế từ bên ngoài.

Cận cảnh hầm trú bom nguyên tử thời Chiến tranh Lạnh có cả kho chứa vàng - 4
Nhà ăn với sức chứa tới 200 người cùng lúc (Ảnh: Toronto Star).

Tại khu vực được thiết kế để dự trữ vàng phục vụ cho ngân hàng trung ương Canada, để vào bên trong, du khách phải đi qua hai lớp cửa. Cánh cửa thứ 2 nhỏ hơn cửa thứ nhất giúp cân bằng áp suất không khí. Tuy nhiên, theo phát ngôn viên của ngân hàng trung ương Canada, nơi này chưa từng thực sự cất giữ vàng. Sau đó, nó được chuyển đổi thành phòng tập thể thao vào những năm 1970.

Cận cảnh hầm trú bom nguyên tử thời Chiến tranh Lạnh có cả kho chứa vàng

Từ năm 1994, hầm trú ẩn dừng hoạt động. Trong cùng năm, công trình được công nhận là Di tích lịch sử quốc gia Canada và trở thành một biểu tượng đặc biệt trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh. Đến năm 1998, nơi này chuyển thành bảo tàng, cung cấp cho du khách tour tìm hiểu về lịch sử, những sự kiện đương đại về vấn đề quốc tế.

Bảo tàng Diefenbunker có bãi đậu xe miễn phí, hướng dẫn viên du lịch bằng hai thứ tiếng Anh và Pháp.

Tháng 1 và tháng 2, bảo tàng đóng cửa thứ 2, mở cửa từ thứ 3 đến chủ nhật từ 11h đến 16h.

Tháng 3 đến tháng 12, bảo tàng mở cửa tất cả các ngày trong tuần, trừ dịp Giáng sinh và năm mới.

Giá vé vào cửa từ 14 USD cho người lớn, 10 USD cho sinh viên. Mua vé theo gia đình (2 người lớn kèm 5 trẻ nhỏ) là 40 USD.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm