Bánh trôi tàu- món ăn không thể khước từ của mùa đông Hà Nội
(Dân trí) - Bánh trôi tàu từ lâu đã trở thành món quà dân dã của người Hà Nội mỗi dịp Thu sang, Đông về. Được cầm trên tay bát bánh trôi ấm nóng, hít hà đến tận cùng mùi thơm cay cay, ngọt dịu của nước gừng, chỉ vậy thôi mà cũng khiến những người con xa xứ phải nhớ đến quay quắt.
Chiều đông. Khi đang rảo bước trên những con phố, cảm nhận từng cơn gió lướt qua lạnh đến rùng mình, bất giác, một mùi hương quen thuộc cũng đủ khiến lòng bạn cảm thấy nao nao.
Bánh trôi ở Hà Nội có 2 loại. Vào tháng Ba âm lịch (dịp Tết Hàn thực), người Việt đã quen với món bánh trôi có nhân đường mật mía. Loại bánh này được bày bán nhiều cả trong những ngày thường. Loại thứ hai là bánh trôi tàu - món ăn mà bất cứ ai cũng phải thưởng thức ngay từ khi cơn gió mùa đầu tiên vừa len lỏi vào thành phố.
Bánh trôi tàu- thức quà tinh tế của người Hà Nội.
Bánh trôi tàu là món ăn có thể được bán ở bất cứ đâu. Dù là trong ngõ hẻm hay chính giữa con phố đông đúc, dù được đặt trên quang gánh hay có mặt trong thực đơn của các nhà hàng sang trọng,… món ăn vẫn giữ nguyên hình dáng, nguyên liệu. Nhưng hình như, chỉ khi ngồi ở những hàng quán ven đường hay chịu khó đi sâu vào tận cùng các ngõ ngách, người ta mới thưởng thức được trọn vẹn hương vị tinh tế của món ăn này.
Nguyên liệu làm bánh trôi là những thứ đơn giản và vô cùng dễ kiếm: gạo nếp, đỗ xanh, vừng đen, gừng già, đường. Một bát bánh trôi thường có 2 viên, một tròn xoe, một bầu dục, nép mình trong thứ nước sóng sánh thơm phức mùi gừng. Cùng có chung nguyên liệu là dừa tươi, nhưng viên bánh tròn có nhân đậu xanh ở trong, còn viên dài hơn lại được làm từ vừng đen.
Bánh trôi có 2 loại, một viên tròn và một viên bầu dục.
Nhiều người cho rằng, điều làm nên sự khác biệt ở mỗi quán hàng chính nhờ vào hương vị của nước đường. Nước được giữ sôi liu riu trên bếp than, không quá đặc, cũng chẳng quá loãng. Khi múc ra, nước đường ngon phải là loại chuyển thành màu vàng mật ong, có thoảng hương cay của gừng. Nếu là người thích ăn nhạt, thực khách có thể tìm đến hàng bánh trôi tàu đã được bán trên chục năm ở giữa phố Hàng Điếu. Còn nếu “hảo ngọt”, hãy tìm đến những quán bánh nức tiếng trên phố Hàng Cân hay Quán Thánh. Nhưng có điều, nếu nước đường bị làm ngọt quá, món quà dân dã này vô tình sẽ mất đi sự tinh tế, thanh thoát.
Bà chủ hàng bánh trôi tàu trên phố Hàng Điếu bật mí: “Những thứ được cho thêm lên trên lớp bánh như nước cốt dừa, lạc rang, vừng,… cũng đều được tính toán thật kĩ. Nếu được cho với lượng vừa phải, tất cả sẽ cùng hòa quyện với vị nước đường, tạo nên một hương vị vô cùng quyến rũ. Đó cũng là một phần không thể thiếu của món bánh trôi tàu này.”
Đưa một thìa nước lên miệng, thực khách hãy chậm rãi để cảm nhận rõ cái vị cay cay nơi đầu lưỡi. Khi xuống đến cổ họng, nước gừng sẽ khiến cổ họng hơi tê, nóng ran. Tuyệt vời nhất là khi ăn đến miếng cuối cùng, vị gừng vẫn đọng lại. Cái nóng, cái ngọt của nước đường vẫn còn “dư âm” trong dạ dày, làm xua tan cái lạnh của những chiều tối mùa đông.
Lạc, vừng đen, cốt dừa được cho vào tùy khẩu vị của thực khách.
Bánh trôi tàu không phải món ăn để no mà là thức quà cần sự nhẩn nha vừa đủ, tinh tế vừa đủ để thưởng thức. Vỏ bánh mịn, tưởng như mới chạm vào đầu lưỡi đã tan khẽ. Nếu ăn quá nhanh, thực khách sẽ chẳng thể nào thấy được cái bùi, ngọt của đỗ xanh, vừng đen, của dừa xào mà chỉ thấy một vị hơi chua chua rất khó diễn tả. Xắn một miếng bánh trôi, dùng kèm chút nước đường và lạc rang, ta bỗng thấy vị nóng và vị bánh cùng bốc lên thơm ngây ngất.
Thực khách có thể mua bánh đem về.
Một bát bánh trôi có giá rất bình dân, chỉ từ 10.000-20.000 đồng, nhưng những gì mà món ăn này mang lại cho bạn còn giá trị hơn gấp nhiều lần. Chẳng còn gì thú vị hơn khi được quây quần cùng những người thân yêu, vừa rôm rả trò chuyện, cùng tận hưởng bầu không khí bình yên của khu phố cổ, vừa cảm nhận cái tinh túy của thức quà dân dã. Dù là người Hà Nội hay du khách phương xa, chắc chắn thực khách sẽ cảm thấy yêu mùa đông Hà Nội nhiều hơn.
Bài và ảnh: Hoàng Ngọc