"Bãi chông đá" khổng lồ, kỳ quan thiên nhiên đầu tiên của thế giới

Trí Thành

(Dân trí) - Hình thành cách đây khoảng 270 triệu năm, rừng đá Thạch Lâm (tỉnh Vân Nam, Trung Quốc) được xem như kỳ quan thiên nhiên đầu tiên của thế giới.

Bãi chông đá khổng lồ, kỳ quan thiên nhiên đầu tiên của thế giới - 1

Những "cây chông đá" khổng lồ dựng đứng ở Thạch Lâm (Ảnh: China Easy Tour).

 "Bảo tàng rừng đá vôi"

Rừng đá Thạch Lâm nằm cách thành phố bốn mùa xuân Côn Minh 120km về phía Đông Nam, nằm trọn trong khu tự trị dân tộc Di (Yi). Thạch Lâm rộng tới hơn 400km2, có tới 400 ngã tư, 200 điểm phong cảnh và là kỳ quan thiên nhiên có diện tích lớn nhất, lâu đời nhất trên thế giới.

Thạch Lâm gồm hàng vạn trụ đá màu xám đa kích cỡ dựng đứng lên trời, sắc nhọn như lưỡi kiếm, trông từ trên cao như một bãi chông bằng đá. Cột đá thấp nhất khoảng 10m, cao nhất gần 200m so với mặt đất.

Các nhà khoa học cho rằng Thạch Lâm là ví dụ điển hình của kiểu địa hình Carxtơ. Ước tính Thạch Lâm đã được hình thành khoảng 270 triệu năm trước trong kỷ Than đá của thời Đại cổ sinh. 

Vào thời nhà Minh, Thạch Lâm được mệnh danh là kỳ quan đầu tiên của thế giới và cho đến nay, Thạch Lâm vẫn là kỳ quan thiên nhiên lâu đời nhất trên thế giới và vẫn còn nguyên vẹn.

Bãi chông đá khổng lồ, kỳ quan thiên nhiên đầu tiên của thế giới - 2

Rừng đá Thạch Lâm (Ảnh: Văn Công).

Do tác động liên tục của thạch quyển đã làm cho nước biển bao phủ Thạch Lâm rồi rút đi, từ đó hình thành các núi đá vôi. Ở giai đoạn lịch sử đầu tiên, Thạch Lâm được bao phủ chủ yếu bởi đất bazan và trầm tích.

Trải qua nhiều hoạt động nâng và xói mòn của địa chất cùng các điều kiện khí hậu thủy văn, từng lớp rừng đá hình thành các tầng và có diện mạo như bây giờ. Nếu nghiên cứu về đá vôi thì Thạch Lâm là nơi sở hữu đầy đủ nhất các loại đá, ngoài các hình núi đá vôi sắc nhọn, hình lưỡi dao, nơi đây còn nhiều núi đá vôi hình tháp và hình nấm, bụt mọc....

Chính nhờ sự đa dạng và phong phú về chủng loại của đá vôi mà Thạch Lâm còn được gọi là "Bảo tàng rừng đá vôi" - cái tên nêu cao cả giá trị khoa học và thẩm mỹ của khu vực.

Hiện nay, không chỉ có đá mà Thạch Lâm còn có rất nhiều cây cối mọc xen kẽ các trụ đá tạo nên cảnh quan thiên nhiên thêm đặc sắc, khí hậu mát mẻ. Năm 1984, Thạch Lâm được công nhận là Khu thắng cảnh trọng điểm quốc gia của Trung Quốc.

Bãi chông đá khổng lồ, kỳ quan thiên nhiên đầu tiên của thế giới - 3

Những mỏm đá hình nấm bên hồ nước ở Thạch Lâm (Ảnh: Văn Công).

Gắn liền với câu chuyện tình yêu

Đất Vân Nam nói chung và Thạch Lâm nói riêng từ xa xưa được coi là vùng đất hẻo lánh xa xôi, ít màu mỡ nên tránh được các cuộc chiến tranh. Dân tộc Di đã sinh sống ở đây từ xa xưa và họ được coi là những người chủ nhà của Thạch Lâm.

Ở đây, người dân tộc Di bao đời nay đã lưu truyền một truyền thuyết về nguồn gốc hình thành của Thạch Lâm. Truyền thuyết kể rằng, Thạch Lâm được tạo ra bởi những người khổng lồ bất tử, trong quá trình họ vận động, đất đá của một quả núi khổng lồ đã vỡ vụn ra và cắm thành những cái cây đá. Nên Thạch Lâm không chỉ là một kỳ quan thiên nhiên mà còn có vai trò rất lớn trong đời sống tâm linh của người Di.

Bãi chông đá khổng lồ, kỳ quan thiên nhiên đầu tiên của thế giới - 4

Ngoài "cây đá" thì hiện nay Thạch Lâm còn có rất nhiều cây cối xanh tốt (Ảnh: Văn Công).

Ngoài ra, xoay quanh rừng đá Thạch Lâm có một câu chuyện tình buồn rất nổi tiếng giữa nàng Ashima (dân tộc Di) và một chàng trai nghèo. Tình yêu của hai người không được chấp thuận do không môn đăng hộ đối. Nàng bị con trai của lãnh chúa độc ác bắt cóc. Chàng trai nghèo đã đấu tranh và cuối cùng đã giải cứu được Ashima nhưng hai người bị truy đuổi bắt ráo riết, phải chạy vào Thạch Lâm lánh nạn.

Tại đây, Ashima đã bị một cơn lũ cuốn đi, dìm chết và cô biến thành một hòn đá lớn, chàng trai cũng mất tích.

Hàng năm, vào ngày 24/6 âm lịch, người dân tộc Di vẫn tổ chức lễ hội đốt đuốc với các trò chơi như đấu vật, đấu bò để tưởng nhớ về câu chuyện tình yêu này. Bên trong lòng Thạch Lâm còn nhiều địa danh tuyệt đẹp khác đó là thác nước Đại Điệp Thủy, hồ Trường Hồ, hang Thanh Phong và cả hang "mây tím" Tử Vân Động...

Bãi chông đá khổng lồ, kỳ quan thiên nhiên đầu tiên của thế giới - 5

Rừng cây xanh tốt ôm trọn "bãi chông đá" Thạch Lâm (Ảnh: Văn Công).

Thạch Lâm chia ra làm hai khu vực chính là Đại Thạch Lâm và Tiểu Thạch Lâm, ngoài ra là các rừng đá quy mô nhỏ. Trong đó, rừng đá Nãi Cổ ở phía bắc Thạch Lâm là nơi có trụ đá mật độ dày nhất, đều nhất và đáng chiêm ngưỡng nhất. Tại đây có nhiều tháp nghỉ chân với độ cao lý tưởng cho du khách chiêm ngưỡng toàn cảnh. 

Trong lòng các hang đá còn có hệ thống hang động với nhũ đá, nham đá tuyệt đẹp. Thạch Lâm cũng là nhà của loài vượn cáo Sifaka, loài này trước kia chỉ sinh sống ở đảo Madagascar thuộc châu Phi nhưng gần đây đã tìm thấy sinh sống ở Thạch Lâm.

Bãi chông đá khổng lồ, kỳ quan thiên nhiên đầu tiên của thế giới - 6

Hang động Thanh Phong lung linh ở Thạch Lâm. Ảnh: China Easy Tour

Người dân tộc Di thường tổ chức lễ hội trong Thạch Lâm, họ coi Thạch Lâm như nhà, coi du khách như anh em thân thích. Họ thường ca hát, nhảy múa, đấu vật và mời du khách thưởng thức các món ăn cổ truyền. Khu rừng đá Thạch Lâm còn được UNESCO công nhận là Vườn Địa chất Thế giới vào năm 2004.

Di chuyển

Để đi đến Thạch Lâm, du khách có thể đi bằng máy bay tới Sân bay quốc tế Vu Gia Bá tại Côn Minh rồi di chuyển bằng ô tô khoảng 1,5 giờ. Du khách thích trải nghiệm cung đường núi đồi có thể đi từ cửa khẩu Hà Khẩu (Trung Quốc) bằng tàu sắt khoảng 6 tiếng tới thành phố Côn Minh sau đó di chuyển bằng ô tô, vé tàu khá rẻ chỉ khoảng 60 - 70 tệ. 

Bãi chông đá khổng lồ, kỳ quan thiên nhiên đầu tiên của thế giới - 7

Du khách thường đi xe điện để khám phá được hết Thạch Lâm (Ảnh: Văn Công)

Bãi chông đá khổng lồ, kỳ quan thiên nhiên đầu tiên của thế giới - 8

Người dân tộc Di tổ chức ca hát (Ảnh: Văn Công).

Bãi chông đá khổng lồ, kỳ quan thiên nhiên đầu tiên của thế giới - 9

Người dân tộc Di sinh sống, ăn cơm ngay trong khu rừng đá (Ảnh: Văn Công)

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm