Ám ảnh bức tranh gia đình cùng đi... du lịch
(Dân trí) - Cậu bé vẽ lại cảnh gia đình mình trong một chuyến đi du lịch. Tại một bãi biển đẹp mê hồn, người mẹ đang cúi đầu vào Ipad, còn ông bố đang chăm chút vào chiếc điện thoại...
Còn cậu bé, em ngồi một mình chơ vơ, nhìn vô hồn vào quả bóng tay cầm trên tay. Mà nếu trong bối cảnh đó, nếu không có quả bóng, có thể cậu bé chẳng biết phải làm gì.
Đó là khung cảnh gia đình trong một chuyến du lịch được cậu bé ở bậc tiểu học thể hiện qua tranh vẽ được PGS. TS Huỳnh Văn Sơn (Phó hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm TPHCM) kể trong một chuyên đề về sự gắn kết gia đình.
Gia đình họ bỏ thời gian, tiền bạc, công sức để cùng nhau đi du lịch nhưng rồi dường như ai cũng lẻ loi, cô độc ngay bên cạnh người thân, ngay trong hoạt động lẽ ra hoàn toàn dành cho nhau.
Khi chia sẻ về bức tranh này, TS Huỳnh Văn Sơn đã không giấu được sự lo ngại đến thực tế, đi du lịch là lúc sum vầy, khi các thành viên giành thời gian, sự quan tâm cho nhau mà... họ còn không "tận hưởng" nhau, còn thờ ơ với nhau đến vậy. Thì trong cuộc sống hàng ngày, khi bao nhiêu bận rộn, lo toan sẽ đáng sợ mức nào.
Đứa trẻ sử dụng điện thoại dọc chuyến di lịch Nam - Bắc bằng tàu hỏa cùng bố mẹ
Chuyên gia tâm lý nổi tiếng này cũng bộc bạch, bức tranh còn là lời cảnh báo về những bất ổn, rối nhiễu tâm lý mà cậu bé đang phải đối diện do lỗi kết nối, tương tác trong mối quan hệ gia đình.
Càng đi, càng cô đơn
Tuy nhiên, đó không chỉ là câu chuyện... trong bức tranh. Hiện tượng này xảy ra nhan nhản trong các chuyến đi du lịch của nhiều gia đình, bạn bè. Nhiều người đi cùng nhau trên chuyến xe, ở cùng một phòng, ăn cùng một bàn cứ tưởng thuộc về nhau nhưng mỗi người lại một thế giới. Thế giới đó có một điểm chung là... mỗi người một chiếc điện thoại.
Đi bên nhau nhưng mỗi người một thế giới
Có cặp vợ chồng ở TPHCM, xin nghỉ việc một tuần để đưa con đi dọc Nam - Bắc cả tuần lễ bằng tàu hỏa. Cứ tưởng họ sẽ tận dụng mọi thời gian, khoảnh khắc... nhưng trong khoang tàu, thay vì cùng ngắm cảnh, trò chuyện thì bố một điện thoại, mẹ một điện thoại. Và để cô con gái nhỏ chưa đến 5 tuổi khỏi lèo nhèo, khỏi bắt kể chuyện, khỏi chạy nhảy lung tung, bố mẹ có thêm một chiếc điện thoại... dúi vào tay con.
Chuyến đi cả ngày trên tàu, ngoài giờ ăn, ngủ thì cũng như bố mẹ, đứa con nhỏ chỉ nằm xem hoạt hình.
Chứng kiến cảnh tưởng này, cũng như trải nghiệm từ chính hoàn cảnh của mình, nhiều người đùa trong chua chát, gia đình cùng đi du lịch mà như... đơn thân.
Chị Trần Ngọc Lệ, ở Phú Nhuận, TP.HCM kể mỗi năm, gia đình chị đi du lịch khoảng hai chuyến đầy đủ các thành viên. Nhưng hai năm gần đây, chồng chị đi đi cũng được, không đi cũng chẳng sao khi mà đi mà chồng chị chỉ chăm chăm vào điện thoại hoặc ở phòng xem phim, không để ý đến với vợ con.
Chị góp ý thì chồng kể lể đã phải nghỉ việc, thời gian đi cùng mà còn đòi hỏi này nọ. Sau này, mấy mẹ con chị đi cùng nhau. chị đi với nhau vừa đỡ bực mình lại đỡ tốn thêm một suất.
Mỗi chuyến đi với người thân, bạn bè ngoài việc nghỉ ngơi, khám phá còn là sự quan tâm, gắn kết
Không chỉ gia đình mà bạn bè tổ chức đi du lịch cùng nhau cũng... xảy ra tình trạng tương tự. Kế hoạch xôm tụ, nhộn nhịp lắm nhưng trong chuyến đi, ai biết điện thoại người nấy. Đi ngắm cảnh, mua sắm, hay ngồi ăn uống cũng mỗi người một thế giới. Đến nỗi, các thành viên trong đoàn, ngồi ngay cạnh nhau mà còn... trao đổi với nhau qua tin nhắn, Faceboook.
Trong các mối quan hệ, nhiều người nghĩ cứ hiện diện trước mặt nhau là đủ trách nhiệm mà quê mất điều quan trọng hàng đầu là dành thời gian chất lượng cho nhau. Những đứa trẻ và cả chúng ta cần được thụ hưởng bố mẹ, vợ chồng, người xung quanh bằng nụ cười, ánh mắt, cảm nhận, sự sẻ chia.
Cứ không phải cứ ngồi ăn cùng mâm, đi cùng chuyến đi, ở cùng phòng là dành thời gian cho nhau. Có khi ở ngay cạnh nhau, sát nhau mà tâm trí không hướng về nhau sẽ kéo đến sự đổ vỡ trong sự kết nối giữa người và người, giữa người và cuộc sống.
Đi du lịch cùng nhau để thêm gắn kết, để thêm yêu thương, cùng khám phá, tìm hiểu nhưng có khi càng đi, chúng ta lại càng... cô đơn, lẻ loi, trống vắng.
Hoài Nam