2 phi công có nồng độ cồn vượt ngưỡng cho phép, chuyến bay bị trễ 3 tiếng

Huy Hoàng

(Dân trí) - Hai phi công dày dặn kinh nghiệm của hãng hàng không Japan Airlines (Nhật Bản) đều có nồng độ cồn đo vượt giới hạn quy định của hãng nên chuyến bay buộc phải trì hoãn và trễ hơn 3 tiếng.

Ngày 10/12, hãng hàng không Japan Airlines (Nhật Bản) thông tin về vụ việc 2 phi công của hãng bay từ Melbourne (Australia) tới Narita (Nhật Bản) không vượt qua được bài kiểm tra nồng độ cồn trước khi bay khiến chuyến bay bị hoãn hơn 3 tiếng.

Đó là chuyến bay mang số hiệu JL774 dự kiến khởi hành lúc 7h20 (giờ địa phương) nhưng vì sự cố nên tới 10h31 mới cất cánh.

Đại diện của Japan Airlines xác nhận sự chậm trễ do hai nam cơ trưởng giàu kinh nghiệm (không tiết lộ danh tính) có nồng độ cồn vượt quá ngưỡng cho phép.

2 phi công có nồng độ cồn vượt ngưỡng cho phép, chuyến bay bị trễ 3 tiếng - 1
Một máy bay chở khách của Japan Airlines (Ảnh: Fly).

Cả hai đều tự kiểm tra nồng độ cồn tại khách sạn lúc 5h sáng cùng ngày và phát hiện nồng độ cồn vượt mức. Ban đầu, cơ trưởng A xin hoãn chuyến bay với lý do sức khỏe. Trong khi đó, cơ trưởng B vẫn tới sân bay. Tại đây, các xét nghiệm bổ sung cho thấy, cơ trưởng B có nồng độ cồn cao.

Máy bay Boeing 787-8 chở 103 hành khách với 11 thành viên phi hành đoàn gồm 2 cơ trưởng, một phi công phụ và 8 tiếp viên hàng không.

Trao đổi với tờ The Independent (Anh), đại diện hãng hàng không cho biết "chuyến bay không được vận hành khi các thành viên phi hành đoàn say rượu".

"Xét nghiệm nồng độ cồn trước chuyến bay phải ở mức 0,00 mg/l. Tuy nhiên, chuyến bay bị trì hoãn do hai cơ trưởng bị phát hiện có nồng độ cồn trong quá trình kiểm tra tại khách sạn. Chúng tôi rất quan ngại trước tình huống này và bày tỏ sự hối tiếc khi sự cố xảy ra dù đã dùng nhiều biện pháp nhắc nhở triệt để ngăn ngừa tái diễn", người đại diện bổ sung.

Theo một phần nội dung bản báo cáo, 2 cơ trưởng cho biết họ đã uống 2 ly rượu vang sủi bọt và rượu vang trong khoảng thời gian từ 14h tới 16h của ngày trước khi chuyến bay cất cánh.

2 phi công có nồng độ cồn vượt ngưỡng cho phép, chuyến bay bị trễ 3 tiếng - 2
Các nữ tiếp viên của hãng hàng không Nhật Bản Japan Airlines (Ảnh: Fly).

Từ năm 2018, Japan Airlines đưa ra quy định rất rõ trong hướng dẫn nội bộ về việc cấm phi hành đoàn uống rượu trong vòng 12 tiếng trước giờ lên máy bay. Hãng này cũng triển khai hệ thống máy đo nồng độ cồn thế hệ mới đặt tại các sân bay quốc tế để kiểm tra phi công.

Đây là sự cố mới nhất liên quan tới nồng độ cồn của hãng bay Nhật Bản kể từ sau vụ việc một cơ trưởng khác bị say rượu tại quầy bar khách sạn hồi tháng 4. Vụ việc khiến chuyến bay từ Dallas (Mỹ) tới Tokyo bị hủy.

Các nhân chứng cho biết, cơ trưởng tiệc tùng trong phòng chờ khách sạn và tiếp tục gây rối khi về phòng. Dù phi công không vi phạm điều luật cấm uống rượu trong vòng 12 tiếng trước khi lên máy bay, nhưng hãng đã cấm bay đối với người này.

Trước đó vào năm 2018, BBC đưa tin về vụ việc liên quan tới phi công Katsutoshi Jitsukawa cũng đến từ hãng hàng không Japan Airlines nhận án phạt 10 tháng tù vì bị phát hiện có nồng độ cồn cao gấp 9 lần giới hạn cho phép.

Phi công đã bị bắt tại sân bay Heathrow (Vương quốc Anh) vì không vượt qua cuộc thử nghiệm nồng độ cồn chỉ 50 phút trước chuyến bay tới Tokyo. Theo đó, các nhân viên an ninh phát hiện người này có mùi rượu, mắt lờ đờ, đi đứng không vững. 

2 phi công có nồng độ cồn vượt ngưỡng cho phép, chuyến bay bị trễ 3 tiếng - 3
Hình ảnh trích xuất từ camera an ninh cho thấy phi công người Nhật Bản bị bắt vì có nồng độ cồn trong máu cao gấp 9 lần so với quy định (Ảnh: PA).

Giới chức xác định trong 100ml máu của Jitsukawa có 189mg cồn, dù giới hạn cho phép đối với phi công ở thời điểm đó là 20mg.

Thẩm phán Phillip Matthews tại Anh đã lên án hành vi này và cho biết phi công đã "rất say trước chuyến bay". Ông mô tả việc nếu hành khách ngồi trên máy bay do người này làm cơ phó trong chuyến bay dài hơn 12 tiếng có thể gây ra thảm họa rất thảm khốc.

Vì sự cố này, chiếc Boeing 777 chở 244 hành khách từ London tới Tokyo bị trễ 69 phút so với dự kiến. Sau vụ việc, viên phi công cũng bị sa thải khỏi hãng.