Xử trí khi trẻ nói tục, chửi bậy

(Dân trí) - Thực tế, trẻ nhỏ không hiểu hết ý nghĩa của các câu nói tục, chửi bậy bởi đây là hành vi bắt chước người lớn. Vì vậy, để khắc phục tình trạng nói tục, chửi bậy ở trẻ, người lớn nên áp dụng các cách xử trí dưới đây.

Có rất nhiều nguyên nhân dẫn tới việc một đứa trẻ nhỏ nói tục, chửi bậy. Đó có thể là sự bắt chước khi vô tình nghe ai đó nói ra từ tục, chửi bậy và sau đó trẻ học nói theo.

Một đứa trẻ sống trong gia đình có nhiều thành viên thường xuyên nói tục, chửi bậy thì sẽ dần dần hình thành theo thói quen nguy hiểm này. Ngoài ra, nguyên nhân khiến trẻ nói tục, chửi bậy còn do việc tiếp thu từ phim ảnh, internet hay nói tục để thể hiện cái tôi với bạn bè. Do vậy, các bậc cha mẹ cần có những biện pháp uốn nắn và lời khuyên phù hợp để xử trí trước tình huống trẻ nói tục, chửi bậy.


Trẻ nhỏ nói tục, chửi bậy thực chất là hành vi bắt chước người lớn (Ảnh: Internet)

Trẻ nhỏ nói tục, chửi bậy thực chất là hành vi bắt chước người lớn (Ảnh: Internet)

Tìm hiểu nguyên nhân

Thay vì nổi nóng, quát mắng trẻ, cha mẹ cần tìm hiểu nguyên nhân vì sao con nói tục để tìm cách uốn nắn. Hãy giúp trẻ hiểu rằng, người lớn chỉ yêu quý những đứa trẻ ngoan ngoãn, việc nói tục, chửi bậy là hành vi xúc phạm người khác.

Tránh phản ứng thái quá

Các ông bố bà mẹ tuyệt đối không được lờ đi khi nghe thấy trẻ nói tục, chửi bậy. Bên cạnh đó, cũng không nên phản ứng thái quá bởi khi trẻ nói tục, chửi bậy là lúc trẻ không kiểm soát được bản thân. Nếu quát mắng hay trừng phạt trẻ quá nặng sẽ gây tác dụng ngược lại và trẻ không hiểu được mình sai chỗ nào và sửa ra sao.

Thay vào đó, bố mẹ cần tỏ rõ thái độ là không muốn con tiếp tục nói những câu như vậy, đồng thời nhắc nhở trẻ nếu còn tiếp tục nói tục chửi bậy sẽ bị phạt…

Giúp trẻ kiềm chế sự tức giận

Hầu hết trẻ em nói tục, chửi bậy ở thời điểm trẻ bực tức. Cha mẹ cần giúp trẻ tìm ra những từ thay thế tốt hơn để bày tỏ sự tức giận như " Thật không công bằng!" hay "Con tức quá!"… thay vì thốt ra những lời lẽ khiếm nhã. Ngoài ra, cha mẹ cũng cần hướng trẻ, đưa trẻ thoát khỏi những cảm xúc tiêu cực bằng cách đưa trẻ ra ngoài đi dạo, đi ăn kem hay chơi một trò chơi nào đó.

Không nuông chiều

Những đứa trẻ quá được nuông chiều sẽ tiếp nhận cái xấu một cách dễ dàng hơn. Vì vậy, trong cuộc sống hằng ngày, cha mẹ không được nuông chiều trẻ. Khi nghe thấy trẻ nói tục, chửi bậy, hãy ngăn chặn ngay, tránh trường hợp để nó trở thành thói quen. Cha mẹ nên xử lý bình tĩnh, không gay gắt nhưng cũng không cười đùa khiến trẻ hiểu lầm việc chửi bậy làm cha mẹ vui cười.

Hãy ngăn chặn ngay hành vi nói tục, chửi bậy của trẻ trước khi để nó trở thành thói quen (Ảnh: Internet)
Hãy ngăn chặn ngay hành vi nói tục, chửi bậy của trẻ trước khi để nó trở thành thói quen (Ảnh: Internet)

Ân cần và khen ngợi

Để giúp trẻ tránh khỏi những chuyện tức giận hay bức bối, cha mẹ cần thể hiện sự ân cần với trẻ. Sẽ vô cùng hữu ích khi cha mẹ tặng trẻ những phần thưởng nhỏ trước mỗi lần trẻ biết cách kiềm chế và không nói tục, chửi bậy. Hãy nói chuyện dịu dàng với trẻ, giải thích cho trẻ hiểu rằng, nói tục, chửi bậy sẽ làm tổn thương người khác. Trẻ nhỏ thường sẵn sàng làm những điều để được bố mẹ tán dương. Khi nhận được sự ân cần và khen ngợi, trẻ sẽ nỗ lực không chửi bậy nữa.

Dùng biện pháp cứng rắn

Với những đứa trẻ cứng đầu, phương pháp ngăn chặn trẻ không nói tục, chửi bậy là trừng phạt. Khi phát hiện trẻ nói tục, chửi bậy, cha mẹ nên đưa ra một hình phạt để nhắc nhở vì lỗi trẻ đã gây ra.

Hãy lấy đi một vài món đồ chơi mà trẻ yêu thích hay không cho trẻ đi công viên, siêu thị. Ban đầu, có thể trẻ rất tức giận nhưng dần dần chúng sẽ hiểu ra lý do tại sao bị phạt.

Làm gương để trẻ học tập

Một cách hay để ngăn trẻ nhỏ nói tục, chửi bậy là làm gương cho bé. Tuyệt đối không mắng trẻ bằng những câu nói tục hay có những hành động xấu, chửi bậy trước mặt trẻ. Một khi trẻ nghe được từ miệng cha mẹ những từ bậy bạ, chúng sẽ bắt chước rất nhanh và rất khó thuyết phục trẻ không được nói như thế.

Nhữ Trang