Xu hướng công nghệ mới tới cộng đồng giúp sử dụng năng lượng hiệu quả và tiết kiệm trong bối cảnh mới

Trường Thịnh

(Dân trí) - Chiều ngày 16/9, Bộ Khoa học và Công nghệ đã phối hợp với Bộ Công Thương tổ chức "Diễn đàn Công nghệ và Năng lượng Việt Nam 2022" với chủ đề "Giải pháp tiết kiệm năng lượng bảo đảm vững chắc an ninh năng lượng trong bối cảnh mới".

Chương trình có sự đồng hành của: Tổng Công ty Khí Việt Nam - CTCP (PV GAS), Công ty Cổ phần Nhiên liệu bay Petrolimex (PA).

Xu hướng công nghệ mới tới cộng đồng giúp sử dụng năng lượng hiệu quả và tiết kiệm trong bối cảnh mới - 1

Phát biểu tại diễn đàn, Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Văn Tùng cho biết, Diễn đàn Công nghệ và Năng lượng Việt Nam 2022 nhận được sự quan tâm tham dự của trên 600 đại biểu trong nước và quốc tế dưới hình thức trực tiếp và trực tuyến, trong đó khoảng 300 đại biểu tham dự trực tiếp và hơn 300 đại biểu tham dự trực tuyến với nhiều đại sứ quán các nước như: Pháp, Úc, Isrel, Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, Séc, Thái Lan, Đan Mạch...

Phát biểu tại diễn đàn, Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Văn Tùng nhận định định hướng của Đảng và Chính phủ là rất phù hợp với xu thế chung toàn cầu, đặc biệt trong việc sử dụng khoa học và công nghệ để đạt được các mục tiêu tăng trưởng kinh tế không đánh đổi môi trường cũng như đảm bảo những cam kết của Việt Nam với quốc tế, trong đó có cam kết trong nỗ lực giảm phát thải khí nhà kính và mục tiêu đạt phát thải ròng bằng "0" vào năm 2050 của Thủ tướng Chính phủ đưa ra tại COP26 năm 2021. Đồng thời thứ trưởng cho biết "Diễn đàn Công nghệ và Năng lượng Việt Nam" được tổ chức định kỳ hàng năm theo từng chủ đề được tổ chức để tạo cơ hội trao đổi, cập nhật, thảo luận các chính sách tại Việt Nam đồng thời giới thiệu, cập nhật những thông tin công nghệ mới trong lĩnh vực năng lượng. Tại đây, ngoài việc đưa ra những định hướng lớn, chúng tôi mong muốn nhận được những ý kiến thảo luận của những chuyên gia, doanh nghiệp để nhận diện, tháo gỡ những tồn tại, xác định nhu cầu thực tế cũng như đánh giá tính khả thi, tính ứng dụng, tính phù hợp và khả năng chuyển giao công nghệ cho Việt Nam để làm cơ sở cho các cơ quan quản lý nhà nước như Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Công Thương trong công tác xây dựng chính sách cũng như thực hiện tốt vai trò quản lý nhà nước, hỗ trợ doanh nghiệp thông qua các hoạt động kết nối cung - cầu công nghệ sau này.

Cùng với đó, các nhà khoa học, công nghệ trong và ngoài nước cũng sẵn sàng tiếp nhận các đặt hàng từ các nhà quản lý, địa phương và doanh nghiệp của Việt Nam. Đồng thời, giới thiệu các xu hướng công nghệ mới tới cộng đồng giúp sử dụng năng lượng hiệu quả và tiết kiệm trong bối cảnh mới.

Xu hướng công nghệ mới tới cộng đồng giúp sử dụng năng lượng hiệu quả và tiết kiệm trong bối cảnh mới - 2

Bên cạnh đó, diễn đàn cũng đã đưa ra bức tranh tổng quan về nhu cầu năng lượng của Việt Nam trong bối cảnh xu hướng chuyển dịch năng lượng trên thế giới; tiếp nhận ý kiến đóng góp từ chuyên gia, cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp trong nước và quốc tế..., đề xuất các giải pháp xây dựng hoàn thiện chính sách ứng dụng, phát triển, chuyển giao công nghệ phục vụ phát triển năng lượng bền vững…Từng bước tiếp nhận, chuyển giao và làm chủ công nghệ tiên tiến nhập khẩu, xây dựng và phát triển năng lực nội sinh về công nghệ trong doanh nghiệp, tập trung đầu tư xây dựng một số cơ sở hạ tầng kỹ thuật làm nền tảng phục vụ ứng dụng và phát triển công nghệ năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, đồng thời vận động sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả tại các địa phương trong từng lĩnh vực, trong doanh nghiệp và từng cá nhân.

Xu hướng công nghệ mới tới cộng đồng giúp sử dụng năng lượng hiệu quả và tiết kiệm trong bối cảnh mới - 3

Tại diễn đàn, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đặng Hoàng An khẳng định, chủ đề về công nghệ- năng lượng được đưa ra rất phù hợp trong bối cảnh hiện nay khi Việt Nam đang nỗ lực xây dựng kế hoạch đảm bảo hai mục tiêu lớn, một là đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia cung cấp đủ điện cho yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội. Song song đó Việt Nam cũng tiếp tục với mục tiêu lớn hơn mà Chính phủ Việt Nam đã cam kết hướng tới phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.

"Việt Nam là một quốc gia phụ thuộc vào nguồn năng lượng sơ cấp từ nước ngoài. Bắt đầu từ năm 2015 chúng ta đã chính thức nhập than và trong tương lai gần sẽ phải nhập cả khí hóa lỏng"- Thứ trưởng nêu và cho rằng, hiện khu vực ASEAN từ một khu vực xuất khẩu ròng năng lượng đã trở thành khu vực nhập khẩu ròng về năng lượng, dự báo từ năm 2025 toàn khối ASEAN sẽ là khu vực nhập khẩu ròng về năng lượng.

Thứ trưởng Đặng Hoàng An cho biết, cường độ sử dụng năng lượng của nền kinh tế Việt Nam so với các quốc gia trong khu vực và các quốc gia phát triển có thể thấy chúng ta đang sử dụng quá nhiều năng lượng cho một đơn vị GDP. "20 năm gần đây tăng trưởng điện của Việt Nam luôn đứng đầu khu vực ở mức 2 con số"- Thứ trưởng nói và nhấn mạnh, những năm qua, để đảm bảo nguồn cung cho năng lượng, Đảng, Chính phủ, Nhà nước và các doanh nghiệp cũng đã đầu tư khổng lồ. Cho đến nay, Việt Nam là quốc gia có gần 100 triệu dân, nhưng quy mô hệ thống điện với 78.121 MW đứng đầu Đông Nam Á, vượt cả Indonesia - quốc gia có 200 triệu dân.