Xóa bỏ những hủ tục không phù hợp của người Thái ở Nghệ An
(Dân trí) - Không được ngồi chung mâm với bố chồng, trong ngày sinh nở chỉ ăn cơm với muối trắng là một vài trong vô vàn những kiêng kỵ mà người phụ nữ Thái khi đi làm dâu từng gánh chịu.
"Ngày trước con dâu không được ngồi ăn cùng bố chồng đâu" - Già bản Vi Khăm Mun, trú bản Xiềng Líp xã Yên Hòa, huyện Tương Dương (Nghệ An) cho hay.
Là một thầy giáo đã nghỉ hưu nhưng yêu thích sưu tầm các nét văn hóa người Thái bản địa in thành sách, ông Mun được xem là người có hiểu biết sâu sắc về văn hóa người Thái tại địa phương.
Theo ông Mun thì không được ngồi chung mâm cơm với bố chồng chỉ là một trong những cấm kỵ đối với những cô dâu người Thái và không chỉ ở phạm vi hẹp mà từng rất phổ biến. Ở nhiều làng bản, con dâu trong nhà còn không được phép ngồi ở gian nhà có bàn thờ tổ tiên. Đây cũng là gian linh thiêng nhất trong ngôi nhà.
Phụ nữ Thái chịu nhiều kiêng kỵ nhất từ khi mang thai đến lúc sinh nở. Có những điều kiêng kỵ mang tính tâm linh như khi đã có bầu thì không được phép vào vườn hái hoa quả nhà người khác mà không hỏi xin.
Người Thái quan niệm, hái trộm hoa quả sẽ có hại cho em bé sau này. Khi mang bầu, nàng dâu cũng không được phép bước qua cối giã gạo và dây kéo gỗ. Đó là những thứ kiêng kỵ khó giải thích nguyên do.
Kiêng khem trong ăn uống với các nàng dâu trong thời kỳ mang bầu và nuôi con nhỏ từng khá nặng nề. Khi mới mang bầu, các cô dâu vẫn phải lao động vất vả gần như các chị em khác.
Người ta cho là như vậy sẽ dễ sinh hơn. Thai phụ chỉ được nghỉ ngơi thực sự một vài tháng trước khi sinh. Trong những ngày đầu sinh nở, chị em chỉ được ăn cơm với muối trắng và cháo nấu từ một số rau rừng và tấm gạo. Nước uống chủ yếu nấu từ một số củ quả rừng. Trước và sau khi sinh cả năm trời không được ăn các món như thịt chó, cá chép, gà trắng.
Cưới được một nàng dâu khỏe mạnh, chăm làm lụng trên nương, ngoài ruộng là niềm vui lớn của gia đình. Đời sống truyền thống của cư dân nông thôn, miền núi gắn liền với hái lượm tự nhiên vì thế cần sức lao động, đông con nhiều cháu, con dâu cũng phải đảm đang, chăm chỉ.
Trước đây, nhiều chị em phải thức dậy từ 3 - 4 giờ sáng để giã gạo. Hửng sáng thì lo cơm nước rồi cầm dao mang gùi lên rẫy, lên rừng hái củi, hái rau, ra sông suối xúc cá… Thường thì tối mịt mới trở về. Mùa rẫy có khi còn ngủ lại hàng tháng trời trên chòi canh để dọn cỏ, gặt hái…
Trước đây, nhiều chị em vẫn ít được học hành đến nơi đến chốn. Chỉ học cho biết đọc, biết viết rồi ở nhà làm rẫy rồi lấy chồng là một quan niệm từng khá phổ biến. Vì thế nhiều chị em khó phát triển bản thân, ít người thành đạt.
Theo già bản Vi Khăm Mun, từ khi có điện lưới quốc gia cũng với sự phát triển của các phương tiện nghe nhìn thì đời sống nói chung ở các bản người Thái thay đổi nhiều mặt.
"Phát triển kinh tế gắn liền với việc tuyên truyền các chính sách pháp luật của nhà nước đã góp phần "giải phóng" các nàng dâu khỏi những định kiến xã hội. Khi làng bản được điện khí hóa, bàn tay chị em đỡ chai sạn hơn khi không phải dùng chày giã gạo nữa.
Lên rẫy có khi cũng dùng xe máy vì đã tiện đường hơn. Hiện nay những kiêng khem trong ăn uống, sinh hoạt với người phụ nữ khi mang bầu cũng thay đổi nhiều. Trong các bữa cơm gia đình, hầu như ở các bản làng người Thái, con dâu không còn phải ngồi ăn riêng nữa", ông Mun nói.
Trước đây, cạnh bếp lửa nhà sàn của người Thái có một góc nhỏ ngày thường dùng chứa củi. Đây cũng là nơi chào đời của hầu hết những trẻ em sinh ra từ những năm 90 của thế kỷ 20 trở về trước. Từ những năm 2000 trở đi, người vùng cao đã bắt đầu đưa chị em đến kỳ sinh nở đến trạm y tế cơ sở. Đến nay thì hầu hết các bé đều ra tại bệnh viện.
Già bản Vi Khăm Mun cho biết, những đổi mới trong chính sách phổ cập giáo dục cùng với sự quan tâm đến sự học của con cái của người miền núi, vùng cao đã tạo cơ hội cho nhiều người trẻ trong đó có chị em phụ nữ phát triển bản thân.
Ngày nay, rất hiếm hoi khi tìm kiếm một phụ nữ người Thái không biết đọc, biết viết. Nhiều người đã thành doanh nhân, bác sỹ, có người là cán bộ cao cấp của Đảng và nhà nước, Quốc hội… Dù ở bản hay chốn đô thị, chị em phụ nữ vẫn luôn tự tin khi những quan niệm cũ về người phụ nữ đã được xóa bỏ.
"Dù ở đâu đó vẫn còn những hiện tượng bất bình đẳng giới, bạo lực gia đình. Đó là vấn đề xã hội nói chung. Nhưng với phụ nữ người Thái ngày nay nhiều hủ tục, kiêng kỵ với người phụ nữ khi đi làm dâu đã được xóa bỏ. Điều đó giúp chị em được "cởi trói" và tự tin phát triển bản thân", già bản Vi Khăm Mun phấn khởi nói.