Vụ tố bị đuổi vì ngồi xe lăn: Hệ lụy khi lên tiếng sai cách trên mạng

Phạm Hồng Hạnh

(Dân trí) - Theo PGS. TS Trần Thành Nam, đây là một sự việc rất nhỏ nhưng vì cách xử lý không khéo léo nên đã đẩy câu chuyện đi xa, khiến đôi bên đều bị ảnh hưởng.

Nhiều TikToker tạo ra các sự việc gây sốc để nổi tiếng

Việc một TikToker tố chủ quán phở ở Hà Nội miệt thị người khuyết tật và đuổi khách vì ngồi xe lăn đang gây xôn xao dư luận.

Vụ việc chưa có kết luận chính thức, song làn sóng công kích TikToker này được đẩy lên cao trong cộng đồng mạng, nhất là khi quán trích xuất camera khẳng định không có chuyện miệt thị người khuyết tật.

Câu chuyện ban đầu chỉ liên quan tới một vài cá nhân, nhưng sau đó dường như lại khiến một bộ phận không nhỏ trong cộng đồng "giận dữ" khi đụng tới những chủ đề nhạy cảm như văn hóa vùng miền, phân biệt đối xử với người yếu thế, sáng tạo nội dung giật gân gây sự chú ý….

Chuyên gia tâm lý, PGS. TS Trần Thành Nam, Phó hiệu trưởng Trường Đại học Giáo Dục, Đại học Quốc Gia Hà Nội cho hay, những thông tin mang tính chất tranh cãi hoặc đụng chạm đến những chủ đề nhạy cảm thường nhận được sự chú ý của mọi người.

Trước đó, đã có nhiều TikToker tạo ra các sự việc mang tính chất gây sốc, cũng có những trường hợp người khuyết tật kêu cứu giả khiến nhiều người cảm thấy mất niềm tin.

Mạng xã hội ngày một phát triển, nhiều người có được lợi ích từ "sự chú ý" của người khác.

Các nhà sáng tạo nội dung vì vậy cũng luôn tìm cách đổi mới cách thức, chủ đề chia sẻ như đề cập đến những nội dung nhạy cảm, khơi gợi lòng trắc ẩn của mọi người.

Vụ tố bị đuổi vì ngồi xe lăn: Hệ lụy khi lên tiếng sai cách trên mạng  - 1

Hình ảnh trích xuất từ camera của quán phở (Ảnh: Duy Linh).

Tuy nhiên theo PGS. TS Trần Thành Nam, việc sử dụng các chủ đề trên có thể mang đến những giá trị tích cực, nhưng nếu thông tin mà TikToker cung cấp không phải là sự thật thì sẽ gây ra những hệ lụy.

"Thực hư câu chuyện ra sao chỉ có những người trong cuộc biết. Song qua đoạn video trích xuất từ camera có thể thấy chủ quán chưa có hành vi giống như TikToker "tố" trước đó.

Đoạn video không có âm thanh nên không thể hiện được về giọng điệu, cách nói. Tuy nhiên, hình ảnh cho thấy, người của quán phở cũng có những hành động hỗ trợ nhất định cho TikToker vào quán và thưởng thức sản phẩm của quán", PGS. TS Trần Thành Nam nêu quan điểm.

Theo vị chuyên gia này, đây là một sự việc rất nhỏ nhưng vì cách xử lý không khéo léo nên đã đẩy câu chuyện đi xa, khiến đôi bên đều bị ảnh hưởng.

Có người bênh vực TikToker, song cũng có không ít người dùng những lời lẽ nặng nề công kích nam thanh niên này. Tương tự, chủ quán cũng bị tấn công bởi hai luồng ý kiến.

Dân mạng thì chia thành hai phe tranh cãi, sẵn sàng "đối đầu" những người có ý kiến trái chiều trong khi tất cả góc nhìn chưa phải là góc nhìn của sự thật.

Ứng xử thế nào trên không gian mạng?

Khi chia sẻ thông tin lên mạng xã hội, PGS. TS Trần Thành Nam cho rằng, mỗi người cần phải cân nhắc xem thông tin ấy có gây hại cho ai hay không.

Chẳng hạn câu chuyện quán phở, bà chủ công khai video để bảo vệ bản thân mình nhưng cũng nên suy nghĩ liệu rằng điều đó có gây bất lợi cho TikToker kia hay không?

Theo PGS. TS Trần Thành Nam, về phía nam TikToker có lẽ đến lúc này anh cũng đã hiểu được hậu quả của việc vội vã chia sẻ thông tin lên mạng khi không đảm bảo nguyên tắc an toàn tôn trọng. Mục tiêu chưa biết đạt được đến đâu nhưng danh tiếng của anh này đã bị ảnh hưởng.

"Ngay cả trong trường hợp nam TikToker thực sự bị miệt thị thì anh vẫn có nhiều cách phản ánh khác chứ không nhất thiết phải đăng tải câu chuyện lên mạng với những lời lẽ nhạy cảm như vậy", vị Phó giáo sư nêu quan điểm.

Câu chuyện xảy ra ở quán phở có nhiều góc nhìn. Góc nhìn của chủ quán phở và góc nhìn của người khuyết tật. Hai góc nhìn có thể đối lập nhau nhưng cũng có thể đúng theo cách nhìn của họ. Sự thực chưa biết như thế nào nhưng rõ ràng chủ quán cũng đã bị ảnh hưởng, TikToker cũng bị tổn thương.

Chuyên gia tâm lý này cũng phân tích: Những tranh cãi không đáng có sẽ tạo ra sự chia rẽ và xung đột gây tốn kém thời gian và làm giảm hiệu suất làm việc của xã hội.

Những tranh cãi này có mặt tích cực và tiêu cực, song nếu cá nhân cứ lấy đó là cái cớ để đứng trong tâm điểm của sự tranh cãi và đổi lấy sự nổi tiếng trong khi bản thân gây phí tổn cho xã hội hoặc dẫn dắt mọi người đi theo một thông tin không thật thì không nên.

Đó là một lằn ranh mong manh mà mỗi cá nhân cần có suy nghĩ trách nhiệm trước khi quyết định hành động thế nào.

Vụ tố bị đuổi vì ngồi xe lăn: Hệ lụy khi lên tiếng sai cách trên mạng  - 2

Nhiều TikToker làm video về các chủ đề nhạy cảm để nhằm thu hút sự chú ý của người khác (Ảnh: CMH).

Theo PGS. TS Trần Thành Nam, trong câu chuyện này, hành động của TikToker có thể hàm chứa ý đấu tranh cho những người yếu thế, song nếu sai cách thức sẽ không mang lại lợi ích, giá trị cho cộng đồng, thậm chí còn làm cho xã hội bớt tin tưởng, bớt hỗ trợ những người thuộc nhóm yếu thế.

"Nếu chúng ta chia sẻ thông tin không chính xác, làm vấn đề trở nên trầm trọng để lôi kéo sự chú ý và thông cảm của cộng đồng thì đó không phải là cách làm phù hợp", chuyên gia này cho hay.

Vụ tố bị đuổi vì ngồi xe lăn: Hệ lụy khi lên tiếng sai cách trên mạng  - 3

Theo PGS. TS Trần Thành Nam, những thông tin mang tính chất tranh cãi hoặc đụng chạm đến những chủ đề nhạy cảm thường nhận được sự chú ý của mọi người (Ảnh: Thành Đông).

PGS. TS Trần Thành Nam thấy rằng, ngày càng có nhiều người có xu hướng muốn tìm kiếm sự chú ý và sự nổi tiếng. Nhiều người bị nhầm lẫn giữa việc họ nổi tiếng trên mạng và thành công ngoài đời thực.

Nhiều người chọn thể hiện quan điểm mang màu sắc mâu thuẫn để tạo nên phản ứng dữ dội trong cộng đồng nhằm được chú ý.

Tuy nhiên, để tránh vướng vào rắc rối hoặc gặp phải những hậu quả không đáng có, mỗi người khi tham gia mạng xã hội, chia sẻ thông tin cần tuân thủ Bộ quy tắc ứng xử mà Bộ Thông tin và Truyền thông đã ban hành.

Ngoài ra, cá nhân có thể tham khảo nguyên tắc THINK (suy nghĩ) khi truy cập mạng xã hội.

THINK gồm T = True (chia sẻ thông tin đúng); H = Helpful (chia sẻ những thông tin hữu ích); I = Inspire (chia sẻ những thông điệp truyền cảm hứng); N = Necessary (chia sẻ những thông tin cần thiết cho cộng đồng) và K=Kind (chia sẻ những thông tin tử tế).

Trong khi đó, nhiều chuyên gia cũng cho rằng, vụ việc nên khép lại. Cộng đồng mạng không nên đi sâu, có những ngôn từ công kích vào khiếm khuyết của TikToker. 

"Nam TikToker nên đối diện và nói ra sự thật về trải nghiệm hôm đó. Những người ủng hộ vẫn sẽ tiếp tục ủng hộ, sự việc sẽ khép lại và dần qua đi. Với những hành động tích cực của bạn ấy từ trước đến nay và trong tương lai tiếp tục đóng góp cho xã hội, tôi nghĩ dư luận sẽ lại ghi nhận giá trị của bạn ấy", ông Hoàng Tùng, nhà sáng lập Pizza Home nói.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm