Nhà hát vạ lây từ vụ diễn viên bị đánh ghen: Hệ quả "công lý đám đông"

Tô Sa Hồng Anh

(Dân trí) - Nhà hát Nghệ thuật đương đại Việt Nam hứng chịu "làn sóng" chỉ trích không đáng có từ cộng đồng mạng sau nghi vấn hai diễn viên bị đánh ghen.

Nhà hát điêu đứng do "công lý đám đông"?

Sau nghi vấn hai diễn viên bị đánh ghen, người dùng mạng đã tràn vào "tấn công" trang Fanpage của Nhà hát Nghệ thuật đương đại Việt Nam. Nhiều người thậm chí nhắn tin, yêu cầu nhà hát xử lý hai diễn viên liên quan lùm xùm ngoại tình.

Trước "làn sóng" phẫn nộ của cư dân mạng, Nhà hát Nghệ thuật đương đại Việt Nam đã tạm thời đóng Fanpage. Nhà hát cũng "hứng chịu" hàng loạt đánh giá một sao kèm những chỉ trích từ người dùng mạng.

Nhà hát vạ lây từ vụ diễn viên bị đánh ghen: Hệ quả công lý đám đông - 1

Hình ảnh nam diễn viên bị đánh ghen trong video lan truyền trên mạng xã hội (Ảnh cắt từ video).

Luật sư Trần Xuân Tiền, Trưởng Văn phòng Luật sư Đồng Đội, Đoàn luật sư TP Hà Nội, cho biết việc tấn công Nhà hát Nghệ thuật đương đại Việt Nam trên các nền tảng, website, Fanpage, trang thông tin... là hành vi vi phạm pháp luật.

Theo đó, người có hành vi lợi dụng mạng xã hội để xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người khác trên các nền tảng mạng xã hội có thể bị phạt tiền từ 10 đến 20 triệu đồng theo quy định tại Điều 101 Nghị định 15/2020/NĐ-CP sửa đổi bổ sung bởi Nghị định 14/2022/NĐ-CP.

Nếu Nhà hát có căn cứ xác định và chứng minh những thiệt hại vạ lây về danh dự, uy tín từ hành động quá khích của cộng đồng mạng, thì có thể đòi bồi thường.

Mức bồi thường cũng như hình thức bồi thường sẽ do các bên thỏa thuận, gồm các chi phí hợp lý để hạn chế, khắc phục thiệt hại, thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút kèm theo một khoản tiền khác để bù đắp tổn thất về tinh thần theo quy định tại Điều 584 và Điều 592 Bộ luật Dân sự 2015.

Nhà hát vạ lây từ vụ diễn viên bị đánh ghen: Hệ quả công lý đám đông - 2

Người dùng mạng tấn công Fanpage của Nhà hát Nghệ thuật đương đại Việt Nam (Ảnh chụp màn hình).

Theo luật sư Trần Xuân Tiền, trên thực tế người dùng thường phản ánh, đánh giá chất lượng dịch vụ dựa trên trải nghiệm để các tổ chức, doanh nghiệp thay đổi hoặc điều chỉnh phù hợp.

Tuy nhiên, lợi dụng điều này, nhiều người đã đánh giá vô tội vạ, dùng lời lẽ tiêu cực, quá khích khiến một vài tổ chức bị ảnh hưởng hoặc thậm chí liên lụy cả những tổ chức, cá nhân không liên quan.

"Hậu quả nghiêm trọng mà "tâm lý đám đông" và "công lý đám đông" trên mạng xã hội đã xâm phạm danh dự và nhân phẩm của người khác. Từ đó tạo ra "văn hóa" dễ dàng phán xét người khác", ông Tiền nói.

Thông qua sự việc, luật sư khuyến cáo mạng xã hội là "con dao hai lưỡi", người dùng nên cẩn trọng về hành vi và lời nói, nâng cao nhận thức và hiểu biết pháp luật.

"Không chia sẻ, không cung cấp thông tin chưa được kiểm chứng, vu khống xúc phạm uy tín của cá nhân, tổ chức để hạn chế thấp nhất những vi phạm có thể mắc phải", luật sư nói.

"Thẩm phán online" cho mình quyền phán xét

Nói về văn hóa ứng xử trên mạng xã hội, PGS.TS Trần Thành Nam, Phó Hiệu trưởng Đại học Giáo dục (Đại học Quốc gia Hà Nội), cho hay trong cuộc sống nhiều người có xu hướng chỉ trích, hạ bệ người khác, xem như cách tự giải tỏa cảm xúc khó chịu, căng thẳng.

Trong bối cảnh mọi thứ đều dễ dàng được đưa lên mạng xã hội, người trong cuộc muốn lôi kéo sự chú ý, ủng hộ của cộng đồng để thể hiện sự oan ức, muốn dùng áp lực dư luận để trừng phạt người gây ra tội lỗi thì tất nhiên sẽ có những "thẩm phán online" vốn nhanh tay bắt trend (xu hướng) để thể hiện "cập nhật với thời cuộc".

"Họ vội vàng gõ ra những bình luận, quan điểm khi mà bản thân không biết sự thật ra sao. Họ chỉ tưởng tượng theo những tin đồn và những lời thuật lại", ông Nam nói. 

Nhà hát vạ lây từ vụ diễn viên bị đánh ghen: Hệ quả công lý đám đông - 3

Nhiều người dùng mạng tự xem mình là "thẩm phán online" (Ảnh minh họa).

Ngoài ra, những người vốn có nhiều cảm xúc tiêu cực và bất mãn sẽ tận dụng cơ hội này để thể hiện ra sự hung hăng, gây hấn qua các tương tác. Họ dùng những lời phán xét như một nỗ lực làm giảm địa vị xã hội của người khác, qua đó gián tiếp cảm thấy địa vị xã hội của bản thân có vẻ cao lên.

Trước thực trạng trên, PGS.TS Trần Thành Nam cho rằng với những cá nhân, tổ chức không may là nạn nhân của các "thẩm phán online", hãy coi những lời xúc phạm trên mạng như "hành vi hư đốn" của những đứa trẻ để ứng xử phù hợp.

Đôi khi bỏ qua lời đả kích là cách ứng xử hiệu quả nhất. Trong mắt nhiều người, đó có vẻ là sự yếu thế, chấp nhận, nhưng trên thực tế là cách phản ứng mạnh mẽ nhất.

"Khi bị xúc phạm, bạn hãy xem xét 3 điều: Liệu lời xúc phạm đó có đúng không? Lời xúc phạm đến từ người quan trọng hay không? Và tại sao?

Nếu những lời nói đúng sự thật, đến từ những người quan trọng và động cơ xứng đáng thì đó không phải lời xúc phạm mà là tuyên bố về sự thật giúp ích cho chúng ta.

Ngược lại, nếu bạn cho rằng những lời xúc phạm là vô lý, người xúc phạm không đáng bận tâm thì bạn cũng chẳng cần phải châm biếm, đả kích lại", vị PGS nêu giải pháp.

Để trở thành một cư dân mạng văn minh, PGS.TS Trần Thành Nam cho rằng mỗi người có thể thay đổi cách nhìn và lập ra nguyên tắc ứng xử trên không gian mạng theo Bộ quy tắc ứng xử mà Bộ Thông tin và Truyền thông đã ban hành.

Ngoài ra, cá nhân có thể tham khảo nguyên tắc THINK (suy nghĩ) khi truy cập mạng xã hội.

THINK gồm T = True (chia sẻ thông tin đúng); H = Helpful (chia sẻ những thông tin hữu ích); I = Inspire (chia sẻ những thông điệp truyền cảm hứng); N = Necessary (chia sẻ những thông tin cần thiết cho cộng đồng) và K=Kind (chia sẻ những thông tin tử tế).

Những ngày qua, mạng xã hội lan truyền video hai diễn viên nghi bị đánh ghen. Theo tìm hiểu, người đánh ghen là T.D. - vợ của diễn viên Đ.V.T. (32 tuổi, công tác tại Nhà hát Nghệ thuật đương đại Việt Nam). 

Chị D. cho rằng hai năm qua anh T. đã ngoại tình với nữ diễn viên đồng nghiệp tên N.T.L. (21 tuổi).

Ông Lê Thanh Liêm, Chánh thanh tra Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH,TT&DL), cho biết Nhà hát Nghệ thuật đương đại Việt Nam đã cho hai diễn viên tạm nghỉ, yêu cầu làm tường trình vụ việc.