Vụ sống sót kỳ diệu sau 7 ngày dưới vực: Chuyên gia sinh tồn nói gì?

Phạm Hồng Hạnh

(Dân trí) - Nhiều ý kiến cho rằng, việc người phụ nữ này trải qua 7 ngày khổ cực, đói rét, cầm cự bằng chút bánh gạo và cỏ rừng nhưng khi được cứu, tinh thần của bà vẫn tốt, nói chuyện tỉnh táo là rất khó tin.

Vụ việc bà Nguyễn Thị Bích Liên (SN 1963, ở Mỹ Đình, quận Nam Từ Liêm, TP. Hà Nội) sống sót sau 7 ngày dưới vực sâu Yên Tử, Quảng Ninh đang thu hút sự chú ý của dư luận.

Sự trở về của bà Liên được nhiều người cho là kỳ tích bởi dù chỉ có một túi bánh gạo trong tay, bà vẫn cầm cự được qua suốt 1 tuần lễ giữa điều kiện thời tiết mưa gió, mây mù ở núi rừng Yên Tử.

Trên khắp các diễn đàn, mạng xã hội nổ ra các cuộc tranh luận về kỹ năng sinh tồn của người phụ nữ 59 tuổi này.

"Nếu chưa được đào tạo kỹ năng mà sống sót 7 ngày như vậy là hy hữu"

Trao đổi với PV Dân trí, ông Nguyễn Thoại Tường, nhà sáng lập Kỹ năng sinh tồn Corp tỏ ra vô cùng ngạc nhiên về vụ việc.

Ông Tường nói: "Đây quả là một trường hợp hy hữu. Với một người được đào tạo bài bản về kỹ năng sinh tồn thì họ hoàn toàn có khả năng sống sót trong điều kiện như vậy. Còn người phụ nữ này dù chưa được đào tạo mà vẫn khỏe mạnh trở về thực sự quá kỳ diệu".

Vụ sống sót kỳ diệu sau 7 ngày dưới vực: Chuyên gia sinh tồn nói gì? - 1

Bà Liên được cứu lên từ vực sâu (Ảnh: Ban Quản lý Yên Tử cung cấp)

Ông Tường nói trước đây các phương tiện truyền thông đã đưa tin về nhiều trường hợp đi phượt ở những cung đường rừng đẹp rồi bị lạc hay trượt chân khi qua suối dẫn đến tử vong. Dù đã có kinh nghiệm đi rừng nhưng  họ vẫn không tránh khỏi bất trắc. Vì vậy, khi đọc thông tin về vụ việc của bà Liên, vị chuyên gia này cảm thấy vô cùng bất ngờ.

Theo ông Tường, có 3 nguyên tắc về sinh tồn cần ghi nhớ. Thứ nhất, con người không thể tồn tại quá 3 giờ trong điều kiện nhiệt độ môi trường khắc nghiệt (ví dụ như ở nơi băng giá, ở nơi nhiệt độ quá cao). Thứ hai, con người không thể sống sót quá 3 ngày nếu không có nước uống và đặc biệt, không ai có thể sống sót quá 3 tuần nếu không có thức ăn.

Vụ sống sót kỳ diệu sau 7 ngày dưới vực: Chuyên gia sinh tồn nói gì? - 2

Nạn nhân kể lại sự việc hy hữu sau khi được cứu sống (Ảnh: Ban Quản lý Yên Tử cung cấp).

 "Nếu đúng như những lời mà bà Liên kể thì người phụ nữ này đã làm đúng những gì cần sinh tồn và sống sót nơi hoang dã. Thứ nhất để không bị tụt thân nhiệt bà đã dùng lá cây, vật dụng che chắn gió. Thứ hai để giữ được tinh thần bà đã biết cách suy nghĩ tích cực. Thứ ba, bà biết cách dùng vật dụng để truyền tín hiệu", vị chuyên gia nói.

Từ thực tế nghiên cứu và huấn luyện, ông Tường cho hay, thông thường, nếu không may đi lạc hay bị mắc kẹt trong rừng một thời gian dài, giữa thời tiết mưa rét khắc nghiệt, thiếu nước uống, đồ ăn, con người sẽ đối mặt với nhiều nguy cơ về an toàn và sức khỏe.

Nếu không có nước uống, họ sẽ bị thiếu nước dẫn tới mất nước, mất cân bằng điện giải, tình trạng này kéo dài sẽ dẫn tới tử vong. Có nước uống mà không có thức ăn thì tùy sức khỏe, thể trạng từng người, họ chỉ cầm cự được khoảng thời gian ngắn nào đó, như trên đã nói là không quá 3 tuần.

 "Nếu ai đó chưa được học về kỹ năng sinh tồn mà lỡ lạc vào một nơi hoang dã, thậm chí là một ngôi nhà hoang… thì hầu hết đều sẽ cảm thấy hoảng sợ, ghê rợn. Họ thường không biết cách xử lý khi rơi vào tình huống đó và dễ làm nguy hiểm đến tính mạng của mình. Đặc biệt, khi chỉ có một mình ở nơi hoang vắng quá lâu, con người dễ sinh ra ảo giác", ông Tường thông tin. 

"Việc sinh tồn trong rừng chưa bao giờ là đơn giản"

Hiện nay trên mạng xã hội xuất hiện những tranh luận trái chiều về vụ việc của bà Liên. Nhiều ý kiến cho rằng, việc người phụ nữ này trải qua 7 ngày khổ cực, đói rét, cầm cự bằng chút bánh gạo và cỏ rừng nhưng khi được cứu, tinh thần của bà vẫn tốt, da dẻ hồng hào, nói chuyện tỉnh táo là rất khó tin.

Vụ sống sót kỳ diệu sau 7 ngày dưới vực: Chuyên gia sinh tồn nói gì? - 3

Ông Nguyễn Thoại Tường, nhà sáng lập Kỹ năng sinh tồn Corp (Ảnh: T. T)

Theo ông Nguyễn Thoại Tường, việc xuất hiện tranh luận hoặc sự ngờ vực cũng là điều dễ hiểu bởi đây là một sự việc hy hữu.

"Việc một người có thể sống sót trong tình huống nguy hiểm như vậy dựa vào nhiều yếu tố như các kỹ năng sinh tồn, tinh thần lạc quan...

Ngoài ra, trước đây họ có thể chưa được trang bị kỹ năng nhưng thực tế cuộc sống khó khăn đã tôi luyện giúp họ biết cách bật ra các sáng kiến trong điều kiện cấp bách", nhà sáng lập Kỹ năng sinh tồn Corp nhận định.

Vụ sống sót kỳ diệu sau 7 ngày dưới vực: Chuyên gia sinh tồn nói gì? - 4

Nhiều người tham gia học các kỹ năng sinh tồn trong rừng (Ảnh: T. T)

Tuy nhiên, từ vụ việc trên, ông Tường cũng đưa ra khuyến cáo, việc sinh tồn trong rừng chưa bao giờ là đơn giản. Nếu không được trang bị các kỹ năng thì con người có thể đối mặt với rất nhiều tình huống bất trắc.

"Khi huấn luyện cho các học viên, chúng tôi chú trọng đào tạo, đưa vào tình huống thực rất nhiều, trang bị cho họ những kỹ năng thực tế như tạo nơi trú ẩn, tạo lửa, tìm và lọc nước, truyền tín hiệu (bằng ánh sáng, bằng tiếng động), xác định phương hướng, kỹ năng đánh dấu đi đường, kỹ năng sơ cấp cứu, leo núi, chèo thuyền… Với những ai chưa được trang bị các kỹ năng trên thì không nên mạo hiểm thử thách bản thân bằng những tình huống sinh tồn nguy hiểm", ông Tường nói.