Vụ đeo bao cao su thoát hiếp dâm ở Vĩnh Phúc: Ngừng lan truyền video!

Minh Nhân

(Dân trí) - Một bộ phận người dùng mạng xã hội liên tục bình luận "xin video", rồi giễu cợt, thậm chí "đổ lỗi" cho nạn nhân sau vụ người phụ nữ lừa "yêu râu xanh" thoát hiếp dâm ở Vĩnh Phúc.

Đêm 5/5, sau khi uống bia, Phan Văn Cương (31 tuổi) đi qua cửa hàng bán quần áo ở thị trấn Gia Khánh (huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc) thấy nữ chủ quán Đ.T.H. (37 tuổi) đang thử đồ nên nảy sinh ý định đồi bại.

Để thực hiện hành vi, Cương đỗ xe trước cửa, lấy con dao dài 32cm xông vào. Anh ta ôm chặt nạn nhân từ phía sau, ghì dao vào cổ đe dọa đòi quan hệ tình dục.

Chị H. lo sợ đến tính mạng nên làm theo mọi yêu cầu, dụ nghi phạm đi lòng vòng tìm bao cao su. Khi Cương mất cảnh giác, đặt con dao xuống bàn để chuẩn bị thực hiện hành vi đồi bại, nạn nhân vùng lên, cướp dao, phản kháng.

Bị phản đòn, Cương vơ quần bỏ chạy thì bị người dân và công an khống chế, bắt giữ.

Đoạn video ghi lại toàn bộ sự việc được lan truyền chóng mặt trên các nền tảng mạng xã hội. Bên cạnh những ý kiến khen ngợi chị H. "bình tĩnh", "xử lý khôn khéo", thì một bộ phận người dùng mạng xã hội lại "xin video" để xem, rồi bình luận giễu cợt, thậm chí "đổ lỗi" cho nạn nhân. 

Hành động trì hoãn, kéo dài thời gian để bảo vệ tính mạng của nạn nhân bằng cách thuyết phục đối tượng đeo bao cao su cũng bị mạng xã hội đem ra mổ xẻ và phân tích.

"Đáng lẽ trong trường hợp này, nạn nhân cần được bảo vệ và cảm thông, thì lại bị cộng đồng mạng soi mói, hả hê bình luận", PGS.TS Bùi Thị An (Viện trưởng Viện Tài nguyên, Môi trường và Phát triển cộng đồng; Chủ tịch Hội Nữ trí thức Hà Nội) nói.

Theo bà An, hành vi nêu trên mang tính phản cảm và xúc phạm nạn nhân khi chưa hiểu rõ hoàn cảnh, hành động của họ. Một bình luận tưởng như vô hại cũng có thể gây tổn thương tinh thần, ảnh hưởng sức khỏe, danh dự và nhân phẩm của người khác.

Chủ tịch Hội Nữ trí thức Hà Nội kêu gọi cộng đồng mạng ngừng lan truyền video vụ việc, đồng thời cảnh báo người dùng mạng phải chịu trách nhiệm về lời nói của mình.

PGS.TS Bùi Thị An cho biết, nếu nội dung lan truyền trên mạng xã hội gây hệ lụy xấu cho cộng đồng và xã hội, thì cần đề nghị cơ quan chức năng vào cuộc ngăn chặn, bảo vệ nạn nhân.

"Mạng xã hội là không gian chung để mọi người thoải mái phát ngôn, nhưng phải đúng chuẩn mực, đúng bản chất và đúng văn hóa. Hãy là người dùng mạng khôn ngoan và thận trọng, biết ứng xử văn minh trước một sự việc nhạy cảm", bà An cho hay.

Đồng quan điểm, luật sư Trần Xuân Tiền, Trưởng văn phòng Luật sư Đồng Đội, Đoàn luật sư TP Hà Nội cho rằng việc lan truyền video với mục đích xấu, bình luận tiêu cực mà không được sự đồng ý của chị Đ.T.H. không những là hành vi vi phạm pháp luật mà còn ảnh hưởng đến tâm lý của nạn nhân.

Tùy vào mục đích, tính chất, mức độ vi phạm và hậu quả gây ra đối với nạn nhân, mà người có hành vi này có thể bị xem xét xử phạt vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Pháp luật hiện hành quy định uy tín, danh dự, nhân phẩm của cá nhân được Nhà nước bảo vệ. Người nào có hành vi phát tán video, hình ảnh của cá nhân khác mà không được người đó cho phép mà làm ảnh hưởng nghiêm trọng tới danh dự, nhân phẩm thì phải có trách nhiệm xin lỗi, cải chính công khai và bồi thường thiệt hại theo quy định tại Khoản 1 Điều 592 Bộ luật Dân sự năm 2015.

Điểm e khoản 3 Điều 102 Nghị định 15/2020/NĐ-CP cũng quy định người nào có hành vi Thu thập, xử lý và sử dụng thông tin của tổ chức, cá nhân khác mà không được sự đồng ý hoặc sai mục đích theo quy định của pháp luật có thể bị phạt tiền từ 10 - 20 triệu đồng.

Nếu cá nhân vi phạm có đủ yếu tố cấu thành tội phạm thì có thể bị xử phạt về tội Đưa trái phép thông tin mạng máy tính, mạng viễn thông quy định tại Điều 288 Bộ luật Hình sự năm 2015. Theo đó, mức phạt thấp nhất từ 30 - 200 triệu đồng, cao nhất lên đến 7 năm tù.

Ngoài ra, nếu việc chia sẻ video có hình ảnh của nạn nhân nhằm mục đích xúc phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội Làm nhục người khác theo quy định tại Điều 155 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017.

Theo quy định tại khoản 2 Điều này, người có hành vi sử dụng mạng máy tính hoặc mạng viễn thông, phương tiện điện tử để phạm tội thì có thể đối diện với mức hình phạt từ 3 tháng đến 2 năm tù. 

Theo luật sư Trần Xuân Tiền, đối với những tình huống này, việc kêu gọi, tuyên truyền ngừng lan truyền video là cần thiết, song rất khó kiểm soát bởi môi trường mạng xã hội mang tính dễ tiếp cận và chia sẻ rộng rãi. 

"Nếu muốn cảnh báo, nhắc nhở mọi người thì người dùng mạng có thể đăng bài, chia sẻ thông tin vụ việc mà không nhất thiết phải phát tán video có hình ảnh nhạy cảm của người khác", luật sư Tiền nói.

Để tăng cường hiệu quả và hạn chế việc lan truyền video độc hại trên mạng, tránh ảnh hưởng đến tâm lý nạn nhân, ông Tiền cho rằng cần có sự vào cuộc của cơ quan chức năng.

Cơ quan ban ngành cần tăng cường công tác kiểm tra, phát hiện đối tượng có hành vi vi phạm và xử phạt nghiêm minh, từ đó răn đe những người khác.