Vụ bạo hành Mái ấm Hoa Hồng: Những đứa trẻ có nguy cơ bị sang chấn tâm lý

Quỳnh Tâm

(Dân trí) - Theo tiến sĩ Nguyễn Đức Nhật, những đứa trẻ bị bạo hành ở Mái ấm Hoa Hồng có nguy cơ bị ảnh hưởng các mặt về tâm lý lẫn phát triển.

Run rẩy, đau xót khi xem ảnh trẻ bị bạo hành

Đã hơn 2 ngày trôi qua nhưng những hình ảnh, video bạo hành các em nhỏ tại Mái ấm Hoa Hồng (quận 12, TPHCM) vẫn còn là nỗi kinh hoàng với nhiều người.

Không chỉ căm phẫn với hành động ngược đãi tàn bạo của bảo mẫu nơi đây, mà hơn thế, chính là sự xót xa, thương cảm của cộng đồng dành cho những đứa bé đã phải chịu cảnh đòn roi vô nhân đạo trong những năm tháng đầu đời.

"Đến giờ tôi vẫn chưa hết bàng hoàng khi đọc được tin tức bạo hành tại Mái ấm Hoa Hồng. Tôi run rẩy, đau thắt ngực khi lướt xem từng tấm ảnh mà bọn trẻ bị đánh đập, ngắt nhéo. Ở vai trò một người mẹ, với tôi, đây là những hành động không thể chấp nhận được.

Những vết thương, dấu bầm hằn trên da các em rồi sẽ lành, nhưng sự tổn thương về tinh thần, cảm xúc là điều không thể bù đắp. Không một đứa trẻ nào có thể phát triển bình thường khi lớn lên trong môi trường chỉ có đòn roi, mắng chửi", lời tâm sự của người mẹ giấu tên chia sẻ với phóng viên Dân trí.

Đồng cảm, chị Phan Thị Mộng Thúy (36 tuổi, TPHCM) bày tỏ sự bức xúc: "Những ngày qua tôi không thôi sốt ruột mỗi khi nghe ngóng tin tức về các bé ở Mái ấm Hoa Hồng. Các con sinh ra trong hoàn cảnh bị bỏ rơi, mồ côi đã là thiệt thòi. Nay lại phải chịu thêm những cơn đau về thể xác lẫn tinh thần trong những năm đầu đời.

Rồi các con sẽ lớn lên thế nào khi ký ức tuổi thơ chỉ là những trận đánh đập dã man, tiếng đay nghiến mắng chửi mỗi ngày. Đây thật sự là điều khủng khiếp".

Hiện tại, bên cạnh những thông tin liên quan đến sự an toàn của các đứa trẻ ở Mái ấm Hoa Hồng, nhiều người không khỏi lo lắng về sức khỏe tinh thần, tâm lý hiện tại của các em.

Liệu những đứa bé đã chịu cảnh ngược đãi, tấn công thể xác trong suốt quãng thời gian dài rồi có được phát triển bình thường hay sẽ bị chứng "sang chấn tâm lý" đeo bám suốt ngày tháng sau này?

Vụ bạo hành Mái ấm Hoa Hồng: Những đứa trẻ có nguy cơ bị sang chấn tâm lý - 1

Những đứa bé ở Mái ấm Hoa Hồng tại thời điểm cơ quan chức năng kiểm tra (Ảnh: CTV).

"Những đứa trẻ tại Mái ấm Hoa Hồng có nguy cơ bị sang chấn tâm lý"

Về câu chuyện trẻ bị bạo hành tại Mái ấm Hoa Hồng, tiến sĩ Nguyễn Đức Nhật - nhà tham vấn và Giám sát Lâm sàng, đồng thời là dịch giả cuốn sách "Đứa trẻ được nuôi trong chuồng chó" nhận định những đứa trẻ nơi đây có nguy cơ bị ảnh hưởng về các mặt tâm lý lẫn phát triển.

"Điều này có thể gây ra những ảnh hưởng nặng nề đến sức khỏe tâm thần của trẻ kéo dài nhiều năm về sau. Tuy nhiên, chúng ta cũng không nên nhất định rằng trẻ bị bạo hành thì chắc chắn bị sang chấn, mà cần hiểu là các em sẽ có nguy cơ bị sang chấn nếu không có sự quan tâm hỗ trợ đúng mức", tiến sĩ cho hay.

Ông cho rằng vấn đề quan trọng bây giờ là gia đình, chuyên gia, cộng đồng sẽ phải hỗ trợ cho các em sau cú sốc tâm lý này.

Tiến sĩ Nguyễn Đức Nhật giải thích, những trải nghiệm bất lợi thời thơ ấu có thể hiểu là những sự kiện, những biến cố xảy ra với một đứa trẻ và có khả năng ảnh hưởng lâu dài hoặc gây sang chấn khi đứa trẻ này lớn lên.

Ông nói thêm: "Một sang chấn có thể ảnh hưởng đến tiến trình phát triển của trẻ tùy vào giai đoạn xảy ra. Tức là xảy ra càng sớm trong những năm đầu đời thì tác động càng nghiêm trọng hơn và sẽ kéo dài cho đến tuổi trưởng thành. Vì vậy, nếu một đứa trẻ gặp biến cố vào năm 1 tuổi sẽ chịu ảnh hưởng rất khác so với đứa trẻ lên 10 tuổi".

Tuy nhiên, tiến sĩ Nguyễn Đức Nhật cũng nhấn mạnh, không phải đứa trẻ nào trải qua biến cố hoặc một sự kiện có khả năng gây sang chấn thì chắc chắn đứa trẻ đó sẽ bị sang chấn. Ông cho rằng, điều này còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố như tính khí của trẻ, nguồn lực hỗ trợ, sự giúp đỡ của môi trường xung quanh và những người chăm sóc…

Ông cũng nói thêm: "Sang chấn tâm lý ở trẻ thực ra phổ biến hơn nhiều người vẫn nghĩ, nhưng chúng ta lại có xu hướng bỏ sót, ngay cả với những người làm chuyên môn lâu năm. Vì trẻ em ít vốn từ hơn và chúng gặp khó khăn trong việc miêu tả, nên khi người ta thấy một đứa trẻ có biểu hiện hơi lạ, họ thường sẽ quy kết những dấu hiệu đó là đứa trẻ tăng động, không nghe lời, hoặc chống đối".

Vụ bạo hành Mái ấm Hoa Hồng: Những đứa trẻ có nguy cơ bị sang chấn tâm lý - 2

Tiến sĩ Nguyễn Đức Nhật (Ảnh: Nhân vật cung cấp).

Theo tiến sĩ Nguyễn Đức Nhật, nếu một đứa trẻ có triệu chứng quá mức bình thường, ví dụ như quá sợ hãi hoặc có những hành vi gây đau cho bản thân và người khác thì việc thăm khám bác sĩ tâm thần là cần thiết. Khi đó, việc điều trị phải can thiệp đến một số loại thuốc, giúp trẻ "đầm" lại và sự bùng nổ của trẻ cũng giảm bớt.

Tuy nhiên, ông vẫn khuyến khích nên ưu tiên những phương thức điều trị về mặt tâm lý. Bởi trẻ có thể chịu những tổn thương về mặt tinh thần và thuốc chỉ làm giảm triệu chứng nhưng không thể làm mất đi những ký ức hoặc những phản ứng về mặt cảm xúc của trẻ đối với tình trạng đấy.

"Trong quá trình đó, đôi khi các người lớn cũng cần phải kết hợp thêm với những liệu pháp về vật lý trị liệu, nếu nó ảnh hưởng đến những chức năng như về cơ hay việc vận động của trẻ.

Ngoài ra, tôi nghĩ điều quan trọng hơn cả là nguồn lực của gia đình. Vì một trong những yếu tố bảo vệ và giúp cho một đứa trẻ vượt qua sang chấn hoặc không có nguy cơ bị sang chấn khi gặp một sự kiện khủng khiếp là cái cách người lớn phản ứng và sự chăm sóc của những người thân trong gia đình dành cho trẻ", ông Nguyễn Đức Nhật chia sẻ.

Tiến sĩ nhấn mạnh, khi một đứa trẻ có biến cố thì việc được thấu hiểu, bảo vệ từ những người thân là cách điều trị quan trọng nhất trong cả tiến trình.

Tại buổi họp báo vụ án bạo hành trẻ em tại Mái ấm Hoa Hồng chiều 6/9, thượng tá Nguyễn Thăng Long, Phó trưởng Phòng Tham mưu Công an TPHCM, cho biết cơ quan điều tra xác định cơ sở bảo trợ xã hội Mái ấm Hoa Hồng được Phòng Lao động, Thương binh và Xã hội quận 12 cấp phép hoạt động từ tháng 7/2023 đến nay, do bà Giáp Thị Sông Hương (SN 1974, ngụ quận Gò Vấp) là người đại diện theo pháp luật và trực tiếp quản lý. Cơ sở có 12 bảo mẫu và 2 nhân viên lái xe.

Thời điểm kiểm tra, có 86 cháu bé thuộc diện trẻ em mồ côi đang được nuôi dưỡng tại cơ sở, vượt quá số lượng cấp phép là 47 trẻ. Trước tình hình trên, Công an TPHCM đã phối hợp với chính quyền địa phương và sở, ngành có liên quan khẩn trương bố trí cho 86 trẻ vào các cơ sở bảo trợ xã hội của thành phố để được thăm khám, chăm sóc sức khỏe ban đầu và tiếp tục được nuôi dưỡng.

Đến nay, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TPHCM có đầy đủ chứng cứ và cơ sở pháp lý xác định Nguyễn Thị Ngọc Cẩm (SN 1978, quê Đồng Nai) và Diệp Ngọc Tuyền (SN 1977, quê Sóc Trăng) đã nhiều lần đánh các cháu bé ở mái ấm.

Do đó, cơ quan điều tra đã khởi tố, bắt tạm giam Nguyễn Thị Ngọc Cẩm và Diệp Ngọc Tuyền về tội Hành hạ người khác.