Vì sao tháng 12 Âm lịch được gọi là tháng Chạp?

Tháng 12 Âm lịch, người dân thường gọi là tháng Chạp. Vậy ý nghĩa của tháng Chạp là gì?

Tháng Chạp là thời điểm cận Tết Nguyên đán. Ảnh minh họa.
Tháng Chạp là thời điểm cận Tết Nguyên đán. Ảnh minh họa.

Ngày 28/12, trao đổi với PV, Giáo sư, nhà nghiên cứu văn hóa Trần Lâm Biền cho biết, từ Chạp có nguồn gốc từ chữ Lạp trong tiếng Hán.

“Ở Trung Quốc, Lạp là lễ tế thần vào dịp cuối năm (tháng 12 Âm lịch) nên còn gọi là Lạp nguyệt. Việt Nam chịu sự ảnh hưởng của Trung Quốc nên trong thời gian này, người Việt thường hay có Giỗ Chạp. Tên gọi tháng Chạp xuất phát từ đây”, Giáo sư Biền nói.

Giáo sư Biền cho biết thêm, vào tháng Chạp – thời điểm cận Tết Nguyên đán, người Trung Hoa và người Việt thường đi thăm mộ tổ tiên, mời tổ tiên về ăn Tết cùng gia đình. Nhiều dòng họ mang cả con cháu đi lễ mộ cùng để chỉ dẫn về phần mộ và nói về vai vế, công lao của người trong mộ đối với dòng họ để con cháu biết ơn, cung kính tổ tiên.

Người Việt Nam thường làm giỗ 4 đời, còn tất cả những người trước đó đưa vào hệ thống tiên tổ và cúng lễ trong tháng Chạp này. Những người ở gần thì đi thăm mồ mả, người ở xa thì cúng bái tiên tổ, tằng tổ… Đây là hành động mang ý nghĩa uống nước nhớ nguồn.

Giải thích vì sao tháng Chạp còn hay được gọi là “tháng củ mật”, giáo sư Biền chia sẻ, “củ mật” thực chất không phải là một loại củ giống như củ khoai, củ sắn, củ cải… “Củ mật” là một từ Hán Việt, trong đó, củ là kiểm, ý nghĩa là kiểm soát; mật là cẩn mật, cẩn thận.

Tháng 12 Âm lịch mọi người hay nói “tháng củ mật” ý là nhắc nhở nhau cẩn thận, bởi, đây là tháng giáp Tết, tháng làm ăn năng động của cả người lương thiện và kẻ ẩn thiện (kẻ xấu).

“Người lương thiện mải làm ăn dễ rơi vào trạng thái mệt mỏi, hay lơ là tài sản. Kẻ xấu cũng năng động để kiếm chác, vơ vét tài sản để chuẩn bị đón xuân.

Ngoài ra, thời tiết cuối năm thường hanh khô, trời rét sinh khí thường cạn kiệt dễ gây hỏa hoạn. Đây cũng là thời điểm tiệc tùng gia tăng, uống nhiều rượu bia dễ gây tai nạn…

Nói đến “củ mật” là ý nhắc nhau cảnh giác, kiểm soát cẩn thận tất cả mọi mặt trong cuộc sống để chống lại ăn trộm, ăn cướp, cháy nổ, tai họa không may do sự hớ hênh của con người”, Giáo sư Biền nói.

Theo Dân Việt