Vì sao giới trẻ ngày càng "lười yêu, ngại hẹn hò"?

PV

(Dân trí) - Nhiều bạn trẻ cho rằng "kiếm tiền trước, yêu đương sau" mới là quan điểm đúng đắn.

Lý do nhiều bạn trẻ đưa ra cho việc không muốn hẹn hò, kết hôn muộn hoặc không kết hôn có thể kể đến như ảnh hưởng từ những câu chuyện bạo lực gia đình, gia đình đổ vỡ, không tìm được người lý tưởng...

Ngoài ra, người trẻ e sợ sẽ không có thời gian cho bản thân, gặp khó khăn về tài chính, thích cuộc sống một mình… Chính việc kết hôn muộn hoặc không kết hôn đã tạo nên mức sinh thấp và đẩy nhanh già hóa dân số.

Trước những ý kiến xung quanh về vấn đề này, giới trẻ đã đưa ra nhiều góc nhìn khác nhau. Liệu tuổi hay thời gian có phải là yếu tố quan trọng để các bạn bước vào một mối quan hệ yêu đương và kết hôn?

Bận kiếm tiền, bận chăm sóc bản thân

Đoàn Thị Cẩm Nhung (24 tuổi) - người dẫn chương trình, sống tại quận Ba Đình, Hà Nội - thừa nhận, công việc đôi khi khiến cô không có thời gian nghỉ ngơi. Làm công việc thay đổi giờ giấc liên tục, một ngày của Cẩm Nhung sẽ bắt đầu vào 5h và kết thúc vào lúc 0h.

"Công việc của mình rất bận, lịch làm việc lúc nào cũng dày đặc. Dẫn chương trình, trợ lý giám đốc khiến mình không có thời gian nghỉ ngơi chứ nói gì đến hẹn hò. Vậy nên khi có thời gian rảnh, mình chỉ muốn dành thời gian cho bản thân như đọc sách, học thêm nhiều kiến thức để phát triển hơn là yêu đương", Cẩm Nhung cho hay.

Vì sao giới trẻ ngày càng lười yêu, ngại hẹn hò? - 1

Cẩm Nhung ưu tiên phát triển bản thân khi có thời gian (Ảnh: Nhân vật cung cấp).

Nêu suy nghĩ về những lý do khiến giới trẻ kết hôn muộn là do có ít thời gian tìm bạn đời, Cẩm Nhung chia sẻ: "Nếu giờ làm việc được giảm, có thể nhiều người sẽ tận dụng thời gian để tìm bạn đời, nhưng mình chắc sẽ dùng thời gian đó để học thêm, phát triển bản thân. Bạn đời có thể đến sau, nhưng kiến thức và kỹ năng thì không thể chờ đợi được", cô nói.

Vấn đề quan trọng trong hẹn hò hay hôn nhân dưới góc nhìn mỗi người là khác nhau. Nhung bày tỏ: "Mình thấy hẹn hò là một phần trong cuộc sống nhưng không phải là tất cả, không hẹn hò thì cũng không có vấn đề gì.

Mình nghĩ sự nghiệp và tài chính vẫn là nền tảng. Khi mình có một công việc ổn định, mối quan hệ mà mình bước vào sau này sẽ lâu dài và bền vững hơn".

Không ít bạn trẻ có góc nhìn khác nhau, Vũ Thị Hương Hiền (27 tuổi) - nhân viên văn phòng, sống tại Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh - bộc bạch: "Dù thời gian làm việc trung bình một ngày của mình là 8 tiếng, mình vẫn không muốn tìm đến mối quan hệ yêu đương hay kết hôn vì muốn dùng thời gian đó để tìm công việc khác kiếm thêm thu nhập.

Chỉ khi tài chính và công việc ổn định, các mối quan hệ mới có thể lâu dài".

Vì sao giới trẻ ngày càng lười yêu, ngại hẹn hò? - 2

Hương Hiền cho rằng cần ưu tiên vấn đề tài chính (Ảnh: Nhân vật cung cấp).

Không dám yêu vì tự ti?

Những trăn trở và suy tư của người trẻ về việc hẹn hò không dừng lại ở vấn đề thích cuộc sống độc thân, muốn dành thời gian cho bản thân.

Đỗ Ngọc Duy (21 tuổi) - sinh viên năm 3 ngành Kế toán, Đại học Giao thông vận tải - chia sẻ: "Việc hẹn hò thì dễ nhưng để được lâu dài cần dựa vào nhiều yếu tố, quan trọng là sự sẵn sàng từ bản thân".

Duy cho biết, bố mẹ có chi trả tiền học phí nhưng vì sống xa gia đình nên các chi phí còn lại, Duy phải tự lập mọi thứ.

"Ngoài giờ đi học, mình làm nhiều công việc part time (bán thời gian) cùng một lúc để có thể chi trả cho các chi phí như tiền trọ, tiền ăn uống, đi lại... Việc vừa học, vừa đi làm thêm khiến mình có ít thời gian dành cho bản thân", Duy chia sẻ.

Vì sao giới trẻ ngày càng lười yêu, ngại hẹn hò? - 3

Ngọc Duy ngại hẹn hò vì chưa tự tin (Ảnh: Nhân vật cung cấp).

Muốn được hẹn hò nhưng e ngại vì tự ti khi chưa lo được cho bản thân, Duy nói thêm: "Mình dành nhiều thời gian để đi làm thêm cũng chỉ đủ để chi trả cho các chi phí sinh hoạt mỗi tháng, chưa kể những khoản phí phát sinh khác nên mình cũng không dành dụm được nhiều.

Thời gian và tài chính không dư dả nên mình không có thời gian chăm chút cho bản thân. Chính vì thế, mình cũng ngại hẹn hò vì mình còn lo cho bản thân chưa xong huống chi là thêm người khác".

Văn hóa kết hôn muộn dần hình thành?

Tại Hội thảo quốc tế tham vấn chính sách, giải pháp ngăn chặn xu hướng mức sinh thấp vào ngày 28/8 ở Hà Nội, ông Phạm Vũ Hoàng - Phó Cục trưởng Cục Dân số, Bộ Y tế -  cho biết, thông tin tuổi kết hôn trung bình lần đầu của thanh niên Việt Nam ngày càng muộn, hiện ở 27,2 tuổi, tăng 2 tuổi so với năm 2019.

Đến năm 2030, Việt Nam sẽ có dân số già, tức người 60 tuổi trở lên chiếm 20% (theo dự báo của Cục Dân số).

Trong thời đại hội nhập và công nghệ số phát triển như hiện nay, các thông tin, xu hướng văn hóa trên thế giới được cập nhật rất nhanh chóng. Ngày càng nhiều người trẻ châu Á kết hôn muộn, thậm chí không lập gia đình và sinh con.

Ở các đất nước phát triển như Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản, gánh nặng kinh tế, việc làm, mất niềm tin vào hôn nhân hay muốn theo đuổi sự nghiệp càng là một trong nhiều lý do khiến hình thành văn hóa kết hôn muộn, thậm chí là độc thân. Từ đó, kéo theo tình hình thiếu hụt lực lượng lao động trầm trọng.

Tại Việt Nam, đặc biệt là thế hệ Z (những người sinh năm 1997-2012), quan niệm về hôn nhân có sự khác biệt và cởi mở hơn. Trong vòng 15 năm, tỷ lệ người chọn không kết hôn đã tăng gần gấp đôi.

Số liệu gần nhất của Tổng cục Thống kê cho thấy, tỷ lệ người độc thân tại Việt Nam đang có xu hướng tăng nhanh, từ 6,23% năm 2004 lên 10,1% vào năm 2019. Giới trẻ ngày nay dành thời gian theo đuổi đam mê, phát triển bản thân, tận hưởng sự tự do cùng bạn bè và không quá đặt nặng vấn đề kết hôn.

Dù sự phát triển của công nghệ khiến cho việc tìm gặp một đối tượng mới hay hẹn hò khá dễ dàng. Tuy nhiên, mặt trái là nhiều người có xu hướng coi nhẹ những mối quan hệ lâu dài, dần mất sự tin tưởng vào mối quan hệ đường dài.

Nhằm đề xuất các giải pháp can thiệp ứng phó với mức sinh thấp, Giáo sư Nguyễn Thiện Nhân, đại biểu Quốc hội khóa XV, nguyên Bí thư Thành ủy TPHCM, có đề xuất giảm giờ làm việc của người lao động xuống 8 giờ/ngày, 40 giờ/tuần để có thời gian tìm bạn đời, chăm sóc con cái, gia đình và sở thích riêng tư.

Đây là một trong 11 kiến nghị được Giáo sư Nguyễn Thiện Nhân nêu tại hội thảo Góp ý, hoàn thiện chính sách trong Luật Dân số và gợi ý chính sách chuyển đổi nhân khẩu học của các nền kinh tế châu Á - Thái Bình Dương do Bộ Y tế tổ chức vào ngày 6/8.

Ánh Dương

 

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm