Đắk Nông:

Ước mơ lên bờ của làng chài "ngụ cư" gần một thập kỷ trên lòng hồ thủy điện

Đặng Dương

(Dân trí) - Tròn 10 năm sinh sống trên mặt nước Tà Đùng, gần 30 hộ dân làng chài Thủy điện Đồng Nai 3 ước mơ được lên bờ sống. Uớc mơ ấy không chỉ của một thế hệ mà còn là khát vọng của những đứa trẻ ở lòng hồ.

Nặng gánh mưu sinh ngày cuối năm

Quốc lộ 28 quanh co, uốn quanh chân dãy núi Tà Đùng dẫn chúng tôi xuống lòng hồ Thủy điện Đồng Nai 3 (xã Đắk Som, huyện Đắk Glong, tỉnh Đắk Nông).

Từng là một trong những làng chài nhộn nhịp nhất vùng núi rừng Tây Nguyên, thế nhưng trải qua hơn một thập kỷ, khu vực này lại trở về với không gian vắng vẻ, im lìm. Thi thoảng, từ phía sau những hòn đảo nổi mới có một chiếc vỏ lái của người dân, rẽ nước để vào bờ để mua sắm đồ dùng thiết yếu.

Ước mơ lên bờ của làng chài ngụ cư gần một thập kỷ trên lòng hồ thủy điện - 1

Khung cảnh im lìm của làng chài nhỏ trên lòng hồ Thủy điện Đồng Nai 3.

Làng chài hồ Thủy điện Đồng Nai 3 nằm trọn vẹn trên mặt nước của Vườn Quốc gia Tà Đùng. Từ đầu năm 2010, khi nơi đây bắt đầu tích nước làm thủy điện, hàng chục hộ dân từ An Giang, Kiên Giang… hoặc Campuchia về đây mưu sinh bằng nghề đánh bắt thủy sản. Dù có những hộ gia đình đã sống cả cuộc đời trên mặt nước, thế nhưng họ cũng không nghĩ rằng, họ bám trụ ở đây lâu đến thế.

Ước mơ lên bờ của làng chài ngụ cư gần một thập kỷ trên lòng hồ thủy điện - 2

Chị Nguyệt chuẩn bị thức ăn cho đàn cá đang "mắc kẹt" trong bè vì chưa xuất bán được.

Chị Nguyễn Thị Nguyệt (46 tuổi) ngồi lặng lẽ trong căn nhà nổi, từng là nơi trú ngụ của 4 người trước khi đứa con trai đầu lấy vợ, ra ở riêng. Gương mặt ngái ngủ, nhợt nhạt vì cả đêm qua đi cất vó bắt cá tạp, nữ chủ nhân căn nhà bảo, năm nay khó khăn, bà con làng chài vẫn chưa nghĩ đến Tết.

Người phụ nữ nói bằng chất giọng miền Tây đặc sệt dù đã xa quê cả hơn 30 năm: "Chồng và đứa con tôi đã lên bờ làm rẫy, tôi thì ở nhà trông coi bè cá. Năm nay dịch bệnh quá, cá không có ai mua. Đã đến ngày xuất bán nhưng vài chục tấn cá vẫn còn trong bè, mỗi ngày ngoài cá tạp tự đánh bắt được, gia đình cũng phải mất đến cả triệu đồng để mua cá từ các hộ khác".

Ước mơ lên bờ của làng chài ngụ cư gần một thập kỷ trên lòng hồ thủy điện - 3

Quanh năm vất vả, chị Nguyệt cũng gói được cho gia đình ít bánh Tét để ăn Tết.

3 năm trước, vợ chồng chị Nguyệt dành dụm, tích góp được ít tiền nên đã mua một mảnh đất rẫy tại xã Quảng Khê. Hàng ngày, chồng và con trai lên bờ làm rẫy, chỉ có chị Nguyệt và con gái ở nhà. Nếu có cá thì mang ra xã, còn phần lớn thời gian, chị may vá lưới hoặc đi bắt cá tạp. Hiếm lắm, có khách du lịch tới thăm, chị Nguyệt bán được vài cân cá khô, đủ để gia đình duy trì cuộc sống hàng ngày.

Chỉ tay về phía những căn nhà nổi vắng bóng người, chị Nguyệt bảo: "Cả năm nay vất vả, ai cũng tranh thủ những ngày dịch bệnh lắng xuống để kiếm thêm thu nhập, mong sao có thêm đòn bánh tét, gói quà hoặc bộ quần áo mới cho con trẻ. Bây giờ, nhà nào cũng vắng cả bởi vì họ đi làm từ sáng sớm đến tận tối muộn mới về. Người thì lên bờ làm rẫy thuê, người thì đi đánh bắt cá tận mạn Di Linh (Lâm Đồng)".

Ước mơ lên bờ của làng chài ngụ cư gần một thập kỷ trên lòng hồ thủy điện - 4

Người dân làng chài vẫn tất bật mưu sinh ngày Tết.

Một năm biến động, xáo trộn

Cũng giống như gia đình chị Nguyệt, hiện tại lòng hồ thủy điện có khoảng 28 hộ dân sinh sống. Mỗi hộ gia đình chia nhau một vùng nước, sống dựa vào nguồn lợi tự nhiên hoặc nuôi trồng thủy sản. Giữa biển nước mênh mông, xung quanh chỉ toàn núi rừng, làng chài nhỏ càng trở nên hắt hiu, cô quạnh.

Ước mơ lên bờ của làng chài ngụ cư gần một thập kỷ trên lòng hồ thủy điện - 5

Vợ chồng bà Thành có nửa đời người sống trên mặt nước Biển Hồ (Campuchia).

Chúng tôi tiếp tục ghé thăm căn nhà nổi của gia đình bà Nguyễn Thị Thành (66 tuổi) cùng người chồng đang sinh sống. Gần nửa cuộc đời sống trên mặt nước Biển Hồ (Campuchia) sau đó mới dạt về lòng hồ này từ đầu năm 2013, thế nhưng người phụ nữ làng chài cũng phải xót xa khi chưa năm nào nhiều biến động, xáo trộn như năm nay

Theo bà Thành, dịch bệnh không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến chén cơm của vợ chồng bà mà ước nguyện được đưa mộ phần bố mẹ từ Campuchia về Việt Nam cũng không thể thực hiện. Tuổi càng cao, sức khỏe càng yếu, sự lo lắng, trăn trở càng hiện hữu rõ trên khuôn mặt của đôi vợ chồng già.

Ước mơ lên bờ của làng chài ngụ cư gần một thập kỷ trên lòng hồ thủy điện - 6

"Ứớc mong một lần được qua bên đó để đưa ông bà cụ về đặng cho con cháu sau này còn thờ cúng"- bà Thành tâm sự.

"Bố mẹ chồng tôi mất từ ngày ông nhà tôi còn nhỏ. Chôn cất bên Campuchia rồi nhờ bà con láng giềng bên đó nhang khói cho. Bây giờ tuổi cũng đã lớn, ước mong một lần được qua bên đó để đưa ông bà cụ về đặng cho con cháu sau này còn thờ cúng. Ngặt nỗi, năm nay dịch bệnh triền miên, chúng tôi cũng không thể qua bên đó được", bà Thanh giọng nghẹn ngào, nức nở kể về hoàn cảnh của gia đình.

Trao quyền công dân cho người ngụ cư

Cá không bán được, tôm cua bắt lên không có người mua, thành thử chuyện sắm sửa Tết vẫn chưa ai dám nghĩ đến. Câu chuyện, ước mơ được lên bờ sống của bà Thành cùng hàng chục hộ dân khác mãi vẫn xa vời vợi.

Tuy nhiên, giữa những câu chuyện buồn tủi ngày cuối năm, đôi mắt của vợ chồng bà Thành cũng ánh lên niềm tin về những tháng ngày sắp tới. Bởi sau bao năm sống dập dềnh trên mặt nước, trôi dạt khắp tứ xứ, năm 2021 bà Thành cùng chồng cũng đã được thực hiện quyền công dân khi trực tiếp được đi bầu cử.

Ước mơ lên bờ của làng chài ngụ cư gần một thập kỷ trên lòng hồ thủy điện - 7

Năm 2021 bà Thành cùng chồng cũng đã được thực hiện quyền công dân khi trực tiếp được đi bầu cử.

Chia sẻ về niềm vui này, bà Thành cho biết, anh con trai út mua được một mảnh đất nhỏ, đủ dựng căn nhà nên đã gia đình bà được cấp hộ khẩu tại xã Đắk Som. Cả đời sống trên mặt nước, nên bà Thành chỉ mong mỏi những ngày tới sóng yên, bể lặng, dịch bệnh được khống chế để làm ăn, kiếm tiền dựng nhà dựng cửa.

"Dù đã quen cuộc sống dưới nước nhưng tính đi cũng phải tính lại, thấy cuộc sống ở đây rất bất tiện. Chúng tôi già rồi thì không sao, nhưng còn bọn trẻ không thể sống mãi như này được. Bao giờ có nhà cửa đàng hoàng trên bờ, con cái được sum vầy, được bên nhau gói bánh Tét thì mới thực sự là cái Tết trọn vẹn của đời người", bà Thanh rơi nước mắt, nói về ước nguyện cuộc đời mình.

Ước mơ lên bờ của làng chài ngụ cư gần một thập kỷ trên lòng hồ thủy điện - 8

Ước mơ được lên bờ sống từng bước được hiện thực hóa, giúp những đứa trẻ lòng hồ có cơ hội đổi đời.

Thông tin thêm cuộc sống của những hộ dân trên lòng hồ Thủy điện Đồng Nai 3, ông Đoàn Văn Phương Phó Chủ tịch UBND huyện Đắk Glong cho biết, dù có tạm trú tại xã nhưng số hộ dân này không ổn định. Trong thời gian qua, địa phương liên tục theo dõi, nắm bắt tư tưởng, nguyện vọng của người dân để có phương án hỗ trợ người dân ổn định cuộc sống.

"Ngoài việc bảo đảm các quyền lợi tối thiểu cho người dân như cấp giấy khai sinh, cấp hộ khẩu và căn cước công dân, mỗi dịp lễ, Tết, UBND huyện Đắk Glong và xã Đắk Som đều có phần quà hỗ trợ, động viên tinh thần các hộ dân đang sinh sống tại đây. Đặc biệt, hiện nay tất cả người dân đủ điều kiện được tiêm vaccine đã được ngành y tế địa phương tiêm vaccine phòng, chống dịch Covid-19", ông Đoàn Văn Phương cho hay.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm