Đà Nẵng:

Từng con cá, túi rau người dân dành tặng nhau trong những ngày chống dịch

Khánh Hồng

(Dân trí) - Trong những ngày TP Đà Nẵng thực hiện giãn cách xã hội, nhiều người dân đã góp thực phẩm do nhà mình làm được hoặc tự bỏ tiền túi để mua đồ ăn giúp đỡ các hộ trong khu dân cư của mình.

Ấm lòng mùa dịch

Hơn một tháng nay, khi chính quyền TP Đà Nẵng siết chặt các biện pháp phòng chống dịch, nhiều hoạt động tạm dừng hoạt động, người dân "ai ở đâu ở yên đó" thì tình làng nghĩa xóm của người dân ở tổ 3 (phường Hòa Phát, quận Cẩm Lệ) càng thêm gắn chặt.

Anh Phạm Văn Nghĩa (Tổ trưởng tổ 3, phường Hòa Phát) cho biết, tổ có 60 hộ dân. Những ngày đầu thành phố thực hiện "ai ở đâu ở yên đó", dừng tất cả mọi hoạt động việc mua thực phẩm của người dân gặp nhiều khó khăn.

Từng con cá, túi rau người dân dành tặng nhau trong những ngày chống dịch - 1

Anh Phạm Văn Nghĩa (Tổ trưởng tổ 3, phường Hòa Phát, quận Cẩm Lệ, TP Đà Nẵng) tặng bún các hộ dân trong tổ (Ảnh: Phạm Nghĩa). 

Thấy bà con trong tổ dân phố hầu như ăn sáng nào cũng phải ăn mì tôm, vợ chồng anh Phạm Quốc Cường (sinh năm 1974) đã ủng hộ 2,5 triệu đồng để tổ mua đồ ăn thay đổi thực đơn cho mọi người.

Có số tiền anh vợ chồng anh Cường hỗ trợ, tổ dân phố tìm đầu mối để mua bún tươi, mì lá, mì ký, bánh mì… phát đến tất cả hộ gia đình trong tổ.

"Tùy số thành viên của mỗi gia đình mà chúng tôi sẽ phân chia cho phù hợp để các gia đình đủ ăn trong bữa", anh Nghĩa nói.

Từng con cá, túi rau người dân dành tặng nhau trong những ngày chống dịch - 2

Không chỉ tặng bún, người dân trong Tổ 3 (phường Hòa Phát, quận Cẩm Lệ, TP Đà Nẵng) còn tặng nhau trứng và bánh mì.

Thấy việc làm ý nghĩa của vợ chồng anh Cường, nhiều hộ dân trong tổ cũng hưởng ứng theo. Không chỉ những hộ khá giả, những hộ có hoàn cảnh khó khăn cũng sẵn sàng chia sẻ với bà con trong tổ với tinh thần "có gì chia sẻ nấy".

Anh Nghĩa bất ngờ khi nhận được điện thoại của vợ chồng ông Nguyễn Văn Đức (sinh năm 1950) thông báo đã làm 60 kg giá đỗ để tặng các hộ gia đình trong tổ.

Vợ chồng ông Đức sinh sống bằng nghề làm giá đỗ, 2 ông bà không có nhà ở và hiện đang dựng nhà ở tạm trên một lô đất trống của người khác.

"Lúc chú ấy gọi điện cho tôi nói có làm được ít giá gửi các hộ trong tổ và bảo tôi không được từ chối. Tôi nói để tổ gửi tiền lại nhưng chú ấy nhất quyết không nhận", anh Nghĩa nhớ lại.

Khi thành phố có chính sách hỗ trợ tất cả các hộ gia đình trên địa bàn thành phố mỗi hộ 500 nghìn đồng, có 6 hộ của Tổ 3 (phường Hòa Phát) sau khi nhận tiền xong đã góp số tiền trên vào quỹ của tổ để mua thức cho bà con.

Theo anh Nghĩa, ngoài một số hộ tự làm rau, mua rau tặng, có khoảng gần 20 người đã góp tiền mặt với số tiền hơn 20 triệu đồng để mua đồ ăn hỗ trợ bà con trong tổ trong những ngày chống dịch. Bên cạnh mua đồ ăn sáng, tổ cũng mua các loại thực phẩm như cá, rau xanh, trứng… khi những ngày người dân khó tiếp cận trong việc mua thực phẩm.

"Hiện tổ còn một ít tiền quỹ nên dự tính giữa tuần này sẽ mua một món gì đó để tặng bà con trong tổ và cuối tuần sẽ làm một món nữa để tổng kết luôn", anh Nghĩa cho biết.

Hai vợ chồng gửi con để "lo" thực phẩm cho dân

Hơn một tháng trời khi quận Sơn Trà bị phong tỏa và kế tiếp là toàn TP Đà Nẵng thực hiện nguyên tắc "ai ở đâu ở yên đó" cũng là khoảng thời gian vợ chồng chị Lê Thị Kiều Vân (sinh năm 1988) - Chi hội trưởng Chi hội phụ nữ khu dân cư Tân Bình 1 và anh Lưu Văn Phong (sinh năm 1981) - Bí thư chi bộ khu dân cư Tân Bình 1 (phường Mân Thái, quận Sơn Trà) vắng nhà.

Vợ chồng chị Vân gửi con nhờ người thân trông coi rồi ra ở hẳn tại nhà văn hóa khu dân cư Tân Bình 1 để lo chuyện thực phẩm cho người dân.

Từng con cá, túi rau người dân dành tặng nhau trong những ngày chống dịch - 3

Chị Lê Thị Kiều Vân - Chi hội trưởng Chi hội phụ nữ khu dân cư Tân Bình 1 (phường Mân Thái, quận Sơn Trà, TP Đà Nẵng) và các thành viên trong Tổ Covid-19 chuẩn bị rau để đi tặng các hộ dân trong khu dân cư (Ảnh: Kiều Vân). 

"Khi mới phong tỏa, các chợ truyền thống và các siêu thị đều đóng cửa, trên địa bàn khu dân cư chỉ có một siêu thị mini được hoạt động. Phường phải tìm nhà cung ứng để cung cấp thực phẩm cho dân. Người dân có nhu cầu mua thực phẩm, báo qua tổ trưởng, tổ trưởng sẽ chuyển thực đơn đến nhà cung ứng. Khi thực phẩm về, nhà cung ứng chỉ vận chuyển đến nhà văn hóa, từ đây chúng tôi phải phân chia về từng hộ gia đình", chị Vân cho hay.

Do số lượng các hộ dân trong khu dân cư đông gồm 5 tổ với 430 hộ nên vợ chồng chị Vân cũng như các thành viên trong Tổ Covid cộng đồng phải làm việc thường xuyên để "đi chợ" giúp người dân.

Thời gian đầu rất khan hiếm rau, củ nên chị Vân đã đứng ra vận động mạnh thường quân ở bên ngoài hỗ trợ các hộ gia đình trong khu dân cư mình.

Từng con cá, túi rau người dân dành tặng nhau trong những ngày chống dịch - 4

Lê Thị Kiều Vân - Chi hội trưởng Chi hội phụ nữ khu dân cư Tân Bình 1 đến từng nhà tặng cá cho người dân (Ảnh: Kiều Vân).

Không chỉ vận động các mạnh thường quân hỗ trợ rau, củ, chị Vân cùng nhiều thành viên trong khu dân cư còn vận động các mạnh thường hỗ trợ tiền để mua thực phẩm cho người dân.

Theo Vân, tổng số tiền mà khu dân cư Bình Tân 1 đã vận được là 200 triệu đồng, trong đó 170 triệu đồng tiền mặt và 5 tấn rau.

Từng con cá, túi rau người dân dành tặng nhau trong những ngày chống dịch - 5

Lê Thị Kiều Vân - Chi hội trưởng Chi hội phụ nữ khu dân cư Tân Bình 1 chuẩn bị quà Trung thu tặng các em nhỏ trong khu dân cư (Ảnh: Khánh Hồng). 

"Số tiền chúng tôi vận động được dùng để mua thức cho người dân trong khu dân cư. Tất cả người dân trong khu dân cư đều được nhận hỗ trợ từ số tiền này", chị Vân cho hay.

Hôm chúng tôi đến nhà văn hóa khu dân cư Tân Bình 1, gặp chị Vân đang loay hoay chuẩn bị quà Trung thu cho các em nhỏ trong khu dân cư. Theo chị Vân, số quà Trung thu này cũng được mua từ số tiền mà các mạnh thường quân đã ủng hộ thời gian qua.