Đà Nẵng những ngày ở yên, mọi việc đã có tổ dân phố lo
(Dân trí) - Đường phố Đà Nẵng không bóng người khi thành phố dừng tất cả các hoạt động, "ai ở đâu ở yên đó" để phòng chống dịch Covid-19. Người dân chỉ ở trong nhà, mọi việc có tổ dân phố lo.
Ở nhà để cùng thành phố chiến thắng dịch Covid-19
Ngày thứ 2 thực hiện biện pháp phòng chống dịch của thành phố với nguyên tắc "ai ở đâu ở yên đó", ông Võ Huân (70 tuổi, trú phường Hòa An, quận Cẩm Lệ, TP Đà Nẵng) hết xem ti vi, đến nấu ăn rồi lau dọn nhà cửa… Tuy nhiên, ông Huân vẫn đón nhận tình huống này với tâm thế vui vẻ và không cảm thấy bí bách, khó chịu.
Ông Huân cho biết, hiện ông đang sống một mình, con cái ông ở nhà khác. Trước ngày Đà Nẵng thực hiện nguyên tắc "ai ở đâu ở yên đó", ông Huân đã đi chợ mua lương thực, thực phẩm đủ ăn cho 3 tuần nên không có gì phải lo lắng.
Ông Huân làm nghề xe ôm. Từ khi dịch bệnh bùng phát trở lại ở Đà Nẵng, ông cũng nghỉ việc ở nhà và chỉ ra khỏi nhà khi có việc cần thiết. Nhờ có gần 3 triệu đồng tiền lương hưu, ông Huân vẫn đủ chi tiêu cho việc ăn uống cơ bản trong những ngày này.
"Thành phố yêu cầu người dân ở nhà thì mình cũng không ra ngoài làm gì. Trước hết, bản thân mình phải tự bảo vệ mình và cùng chung tay với thành phố đẩy lùi dịch bệnh", ông Huân nói.
Vợ chồng bà Võ Thị Tý (57 tuổi, trú phường Hòa Minh, quận Liên Chiểu, TP Đà Nẵng) cũng chấp hành nghiêm, không ra khỏi nhà khi thành phố bắt đầu thực hiện "ai ở đâu ở yên đó".
Hai ông bà là giáo viên về hưu. Bình thường khi thành phố chưa cấm đi lại, vợ chồng bà Tý thường ghé nhà con gái gần đó để thăm con và trông cháu giúp. Thế nhưng, bây giờ bà Tý chỉ có thể trò chuyện với con cháu ở cách nhà chỉ mấy trăm mét qua điện thoại.
Hàng ngày, bà Tý lo bếp núc, còn chồng bà xem ti vi, đọc báo. Cả hai ông bà đều vui vẻ với cuộc sống những ngày này.
"Đây là "7 ngày vàng" để thành phố khống chế dịch bệnh. Mọi người ở nhà không chỉ bảo vệ mình mà còn đồng lòng giúp thành phố sớm bình an", bà Tý nói.
Không để 7 ngày ở nhà nhàm chán, gia đình chị Nguyễn Mậu Châu Sương (31 tuổi, trú phường Hòa Minh, quận Liên Chiểu, TP Đà Nẵng) lại chọn cách nấu bánh chưng để tạo niềm vui.
Chị Sương đang sống cùng mẹ ruột và con trai 4 tuổi, còn chồng chị đang đi làm ở Quảng Nam. Ngày đầu thành phố thực hiện "ai ở đâu ở yên đó", chị Sương cùng mẹ bắc bếp gói bánh chưng.
"Bố tôi ở quê gửi ra cho ít lá nên 2 mẹ con quyết định gói bánh chưng để ăn sáng và chia cho những hàng xóm có nhu cầu. Hôm qua 2 mẹ con được gần 20 cái bánh chưng loại nhỏ. Bánh nấu chín, tôi chuyển qua hàng rào chia cho hàng xóm", chị Sương cho hay.
Ngày thứ 2 Đà Nẵng thực hiện dừng tất cả hoạt động, "ai ở đâu ở yên đó", đường phố vắng lặng, nhiều tuyến đường không có bóng người.
Một cán bộ trực tại chốt kiểm soát trên đường Điện Biên Phủ cho biết, người dân ra đường trong 2 ngày nay đều có lý do chính đáng. Họ là những người đi lấy mẫu xét nghiệm, đi bệnh viện, công nhân vệ sinh môi trường… Những ô tô chạy trên đường là những ô tô chở thực phẩm, gas, xe của công ty vệ sinh môi trường.
Mọi việc đã có tổ dân phố lo
Từ 8h ngày 16/8, Đà Nẵng dừng tất cả các hoạt động, thực hiện "ai ở đâu ở yên đó" trong 7 ngày. Để giám sát người dân không ra khỏi nhà, các UBND phường, xã đã thành lập Ban điều hành tại các khu dân cư, khu chung cư, tổ, thôn.
Ban điều hành được chia thành các nhóm nhỏ tổ chức giám sát, tuyên truyền bằng loa di động từng tuyến phố, khu phố, khu dân cư, tuyến đường về tình hình dịch bệnh để người dân nắm rõ. Đồng thời, thường xuyên kiểm tra, kịp thời phát hiện, nhắc nhở không để người dân ra khỏi nhà, nơi cư trú.
Ban điều hành cũng thiết lập các chốt cứng, đảm bảo mỗi khu dân cư, khu chung cư, tổ, thôn chỉ có một hoặc hai lối ra, vào. Mỗi lối ra, vào thiết lập một chốt với lực lượng thường trực từ 2 - 4 người để kiểm soát.
Trong đêm 15/8, Công an Đà Nẵng đã hoàn tất việc cấp "giấy đi đường" và "thẻ công vụ" đến các lực lượng chống dịch, đội ngũ vận chuyển cung ứng nhu yếu phẩm.
Công an TP Đà Nẵng cũng triển khai hơn 200 tổ tuần tra lưu động giám sát việc chấp hành việc thực hiện "ai ở đâu ở yên đó" của người dân. Những ai ra đường với lý do không chính đáng sẽ bị xử phạt.
Tại cuộc họp chiều 15/8, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Văn Quảng yêu cầu không để người dân thiếu lương thực, thực phẩm trong thời gian thành phố thực hiện biện pháp phòng chống dịch nghiêm ngặt.
Trong đó, Sở Công Thương và các địa phương phải có phương án đảm bảo cung ứng lương thực, thực phẩm thiết yếu cho người dân; đàm phán với các đơn vị cung cấp để đảm bảo giá cả.
Trong sáng đầu tiên thực hiện "ai ở đâu ở yên đó", người dân được tổ dân phố gửi thông báo về việc cung ứng, phân phối lương thực, thực phẩm và bảng báo giá thực phẩm.
Theo đó, người dân gửi đơn hàng đến tổ trưởng tổ dân phố, tổ trưởng sẽ chuyển đơn hàng đến các cơ sở cung ứng hàng hóa. Sau khi cơ sở cung ứng hoàn thành đơn hàng sẽ báo cho tổ trưởng đến nhận và giao hàng cho người dân.
Ngoài ra, người dân có nhu cầu mua những mặt hàng thiếu yếu khác cũng nhờ tổ trưởng mua dùm, người dân tuyệt đối không ra khỏi nhà.
Ông Nguyễn Minh, Tổ trưởng tổ 71 (phường Hòa An, quận Cẩm Lệ, TP Đà Nẵng) cho biết, do đã có dự trữ và mới chỉ vài ngày đầu nên hầu hết người dân chưa có nhu cầu mua lương thực, thực phẩm. Chỉ có một vài hộ cần mua thuốc đau bao tử, mua gas…
"Người dân có nhu cầu mua lương thực, thực phẩm và các mặt hàng thiết yếu, chúng tôi luôn sẵn sàng hỗ trợ và đưa đến tận nhà dân. Người dân cứ yên tâm, không phải ra khỏi nhà", ông Minh nói.