Từ vụ chủ quán đánh, chửi khách ở Hà Nội: Chấp nhận nghe chửi để ăn ngon?

Minh Nhân

(Dân trí) - Bên cạnh "bún chửi" Ngô Sĩ Liên, người Hà Nội liệt kê thêm "cháo quát", "ốc lắm mồm" và bây giờ là... "bánh mì đánh, chửi", sau vụ tiệm Nguyên Sinh hành hung, chửi khách "ngu dốt".

"Bún mắng, cháo chửi" vì khách hàng "không còn là thượng đế"?

Cuối tháng 6, một nữ khách hàng tố quán bánh mì Nguyên Sinh (phố Lý Quốc Sư, phường Hàng Trống, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) hành hung và chửi khách "ngu dốt", "vô văn hóa" đã gây tranh cãi trên mạng xã hội.

Tiếp nhận và chỉ đạo xử lý vụ việc, ông Đặng Minh Tuấn, Chủ tịch UBND phường Hàng Trống, bày tỏ không đồng tình với cách hành xử của quán.

Bởi theo ông, không thể tồn tại tình trạng buôn bán "bún mắng, cháo chửi" như trước đây giữa Hà Nội. Khách hàng bỏ tiền dùng dịch vụ, thì phải nhận về chất lượng tương xứng.

Nhiều người cũng cho rằng, đã qua thời phục vụ kiểu "bún mắng, cháo chửi", không thiếu các nhà hàng, quán ăn ngon, dịch vụ tốt để khách hàng lựa chọn.

Từ vụ chủ quán đánh, chửi khách ở Hà Nội: Chấp nhận nghe chửi để ăn ngon? - 1

Khách hàng N.K.A. tố chủ và nhân viên quán bánh mì Nguyên Sinh hành hung, chửi khách "ngu dốt" (Ảnh: NVCC).

PGS.TS Lê Quý Đức, nguyên Phó Viện trưởng Viện Văn hóa và phát triển, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh nhận định, "bún mắng, cháo chửi" đang phổ biến tại Hà Nội, làm mất đi nét đẹp văn hóa, thanh lịch đặc trưng của thủ đô.

Theo chuyên gia, hiện tượng này bắt nguồn từ lối sống xô bồ, chợ búa khi đất nước chuyển đổi từ nền nông nghiệp lên thương nghiệp.

Những người bán hàng không nghĩ "khách hàng là thượng đế", nên văng tục, chửi bậy, thậm chí hành hung khách hàng. Nhiều hàng quán còn xem cách phục vụ này như nét độc đáo làm nên "thương hiệu" thu hút thực khách.

Khái niệm "bún mắng, cháo chửi" được biết đến rộng vào năm 2016 khi cựu đầu bếp nổi tiếng Anthony Bourdain đưa người xem trên khắp thế giới của kênh truyền hình CNN đến quán "bún chửi" Ngô Sĩ Liên (quận Đống Đa, Hà Nội).

Chính ông Bourdain cũng không giấu nổi sự kinh ngạc khi chứng kiến cách mà bà chủ nói chuyện với khách.

Chia sẻ trải nghiệm về quán bún trên CNN, ông Bourdain nhận xét đây là "quán gắn liền với bà chủ nổi tiếng vì cách giao tiếp thẳng thắn và suồng sã với khách". 

Cũng từ đó, người Hà Nội mới bắt đầu liệt kê một số quán ăn khác tương tự, bên cạnh "bún chửi" Ngô Sĩ Liên, còn có "cháo quát", "ốc lắm mồm" và bây giờ là... "bánh mì đánh, chửi". 

Từ vụ chủ quán đánh, chửi khách ở Hà Nội: Chấp nhận nghe chửi để ăn ngon? - 2

Cựu đầu bếp Bourdain thưởng thức món ăn ở quán "bún chửi" Ngô Sĩ Liên (Hà Nội), năm 2016 (Ảnh cắt từ video).

Đồng quan điểm, luật sư Trần Xuân Tiền, Trưởng Văn phòng Luật sư Đồng Đội, Đoàn luật sư TP Hà Nội cho rằng Hà Nội không thiếu những quán ăn, nhà hàng mang phong cách phục vụ "mắng chửi" thực khách.

Dù phải nghe chủ quán to tiếng, xếp hàng chờ đợi rất lâu, ngồi ăn chật chội, nhưng dường như cách phục vụ này lại trở thành một "đặc sản".

"Khách hàng đến vì tò mò, hiếu kỳ thưởng thức món ăn, nhưng lâu dài sẽ không gắn bó với hàng quán đó. Bởi lẽ việc mắng chửi, xúc phạm danh dự, nhân phẩm người khác là điều không thể chấp nhận", ông Tiền nói.  

Ngoài khía cạnh xuất phát từ chủ quán, PGS.TS Lê Quý Đức cho rằng hiện tượng này tồn tại cũng một phần do sự "dễ dãi" của khách hàng, không có những phản ứng mạnh mẽ. Thay vì kêu gọi tẩy chay, họ chấp nhận "nghe chủ quán chửi để được ăn ngon".  

"Những khách hàng dễ dãi, hay nói đúng hơn là thiếu lòng tự trọng, đã vô tình tạo đất sống cho bún mắng, cháo chửi", ông Đức nói.

Từ vụ chủ quán đánh, chửi khách ở Hà Nội: Chấp nhận nghe chửi để ăn ngon? - 3

Khách hàng chấp nhận nghe chủ quán xúc phạm chỉ để đổi lại một bữa ăn ngon (Ảnh cắt từ video).

Thách thức bộ quy tắc ứng xử nơi công cộng

Hà Nội đã từng nhiều lần quyết liệt, tuyên bố sẽ xóa sổ "bún mắng, cháo chửi". Năm 2017, thành phố ban hành Bộ quy tắc văn hóa ứng xử nơi công cộng, với mục tiêu nâng cao hình ảnh văn hóa, thanh lịch.

Theo luật sư Trần Xuân Tiền, bộ quy tắc gồm 4 chương, 14 điều, đưa ra nguyên tắc ứng xử trong các mối quan hệ cơ bản về những điều "nên làm" và "không nên làm".

Nội dung của bộ quy tắc này chỉ mang tính chất khuyến cáo, không bắt buộc đối với người dân làm việc, sinh sống, công tác, tham quan, học tập trên địa bàn thành phố Hà Nội. 

"Do đó, tình trạng bún mắng cháo chửi chưa thể hoàn toàn chấm dứt, thậm chí còn thêm thách thức", ông Tiền nhận định.  

PGS.TS Lê Quý Đức cho hay, cơ quan chức năng chưa thực sự vào cuộc, giám sát "các quán ăn ứng xử văn hóa", mà chỉ dừng ở mức tuyên truyền.

Chế tài xử phạt không đủ mạnh cũng khiến chủ quán sẵn sàng xúc phạm danh dự của khách, cho rằng đây là cách "tiếp thị" độc lạ, lôi kéo những người "thích sự ngược đãi".

Từ vụ chủ quán đánh, chửi khách ở Hà Nội: Chấp nhận nghe chửi để ăn ngon? - 4

Bên trong quán bánh mì Nguyên Sinh bị tố hành hung, chửi khách (Ảnh: M.N.).

Theo luật sư Tiền, vụ việc chủ và nhân viên quán bánh mì Nguyên Sinh bị tố hành hung và chửi khách, không chỉ là hành vi thiếu văn minh, mà còn vi phạm pháp luật.

Tùy vào tính chất, mức độ và hậu quả hành vi, chủ quán và nhân viên sẽ phải chịu trách nhiệm, bồi thường thiệt hại tương ứng theo quy định của pháp luật.

Hành vi chửi khách với mục đích xúc phạm danh dự, nhân phẩm của khách hàng, chủ quán có thể bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại điểm a khoản 3 Điều 7 Nghị định 144/2021/NĐ-CP về "xúc phạm, lăng mạ, bôi nhọ danh dự, nhân phẩm người khác".

Theo đó, mức phạt tiền áp dụng đối với người có hành vi vi phạm là từ 2 triệu đến 3 triệu đồng.

Đối với hành vi hành hung khách hàng, căn cứ vào tính chất, mức độ hành vi cũng như tỷ lệ tổn thương cơ thể của nạn nhân, nhân viên quán bánh mì có thể bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Trong đó, căn cứ điểm a khoản 5 Điều 7 Nghị định 144/2021/NĐ-CP về hành vi cố ý gây thương tích, người này có thể xử phạt vi phạm hành chính với mức tiền phạt từ 5 đến 8 triệu đồng. 

Không để hiện tượng phản cảm ảnh hưởng hình ảnh Hà Nội

Người xưa có câu "lời chào cao hơn mâm cỗ" nhấn mạnh phép lịch sự, thân thiện, mến khách của con người Việt Nam.

Theo luật sư Trần Xuân Tiền, chủ quán và nhân viên cần có thái độ lịch sự, thân thiện; lắng nghe và chắt lọc những góp ý của khách hàng để cải thiện chất lượng phục vụ và nâng cao uy tín.

Ngoài ra, các cửa hàng, đặc biệt là các nhà hàng lớn nên đào tạo, chỉ dẫn nhân viên về hành vi ứng xử đúng mực với khách hàng trong giờ làm việc. Điều này không những thu hút thực khách, mà còn góp phần tuyên truyền, giới thiệu nét đẹp hiếu khách, cởi mở… của du lịch Hà Nội. 

Từ vụ chủ quán đánh, chửi khách ở Hà Nội: Chấp nhận nghe chửi để ăn ngon? - 5

Luật sư khuyến cáo khách hàng nên chú ý những quy định của quán ăn để tránh những xích mích không đáng có (Ảnh: M.N.).

Về phía khách hàng, khi đến các quán ăn cần chú ý tuân thủ quy định chủ quán đặt ra, cũng như những yêu cầu cụ thể thông qua các biển hiệu tại cửa hàng.

"Việc này góp phần hạn chế tối đa những xích mích không đáng có giữa chủ quán và khách hàng, tránh gây ảnh hưởng đến sức khỏe, tinh thần của cả hai phía", ông Tiền nói.

Luật sư cũng kiến nghị chính quyền địa phương có biện pháp quyết liệt với những quán "bún mắng, cháo chửi", như xử phạt, đình chỉ, nặng hơn là tước giấy phép hoạt động. 

Từ đó, không để một hiện tượng xấu xí, phản cảm ảnh hưởng đến hình ảnh con người, du lịch của Hà Nội. 

Sau vụ việc tại quán bánh mì Nguyên Sinh, UBND phường Hàng Trống đã yêu cầu chủ quán viết bản cam kết, trong đó nêu rõ "có văn hóa đúng mực trong giao tiếp, ứng xử với khách hàng".

UBND quận Hoàn Kiếm cho biết sẽ đưa nội dung "kỹ năng tiếp xúc với khách hàng" vào tuyên truyền, tập huấn thường xuyên cho chủ quán, nhân viên phục vụ trên địa bàn.

"Chúng tôi hy vọng những hành vi xấu xí không tái diễn trong tương lai, từ đó tăng cường xây dựng quận Hoàn Kiếm là điểm đến thân thiện đối với du khách trong nước và quốc tế", ông Nguyễn Anh Quân, Phó Chủ tịch UBND quận, nói.