Trung Quốc: gấu "đực" đẻ con

(Dân trí) - Cuối cùng thì “cậu” gấu Kim Trúc 11 tuổi ở Khu bảo tồn Thiên nhiên Ngọa Long, tỉnh Tứ Xuyên, Trung Quốc cũng được trả về giới tính đích thực của mình, sau khi sinh hạ 2 nhóc con khỏe mạnh vào đêm hôm thứ Hai 6/8.

Tiếng là anh em sinh đôi nhưng 2 bé gấu trúc chào đời cách nhau hơn 1 tiếng đồng hồ và khá chênh lệch về kích cỡ, đứa lớn nặng 190 gam trong khi đứa nhỏ chỉ nhấp nhỉnh 70 gam. Điều đáng buồn là sau pha vượt cạn, gấu mẹ Kim Trúc mất máu khá nhiều và hiện đang trong tình trạng nguy kịch.

 

Sinh ngày 12/8/1996, khá lâu sau Kim Trúc mới được xếp vào hàng “đực rựa” bởi những hành vi và đặc điểm giới tính của cậu rất mơ hồ.

 

“Ngay cả khi trưởng thành, bộ phận sinh dục của con gấu này cũng chỉ dài khoảng 3 cm” - chuyên gia Lý Đắc Sinh ở Khu bảo tồn Ngọa Long phân trần cho sai lầm ngớ ngẩn suốt 11 năm ròng.

 

Tháng 12/2000, Kim Trúc được đưa sang Nhật Bản để “kết bạn” cùng với một cô nàng gấu trúc khác. Tất nhiên là chúng không mảy may nảy sinh tình cảm với nhau, điều này khiến các chuyên gia quyết định nhờ tới biện pháp thụ tinh nhân tạo. Chính lúc đó họ mới ngỡ ngàng phát hiện: Kim Trúc không hề có bộ phận sinh dục nam.

 

Sau đó anh chàng “mập mờ” này được trả về Trung Quốc vào tháng 12/2002 cùng với những hoài nghi về giới tính: người thì nói Kim Trúc lưỡng tính, kẻ lại tin không thể xác định do cơ quan sinh dục chưa phát triển hoàn thiện.

 

Mãi cho đến năm 2005, các nhà khoa học mới tiến hành kiểm tra nội soi và thấy rằng, buồng trứng của Kim Trúc bị đặt sai vị trí. Vậy là sau ca phẫu thuật kéo dài 2 giờ, “cậu chàng” đã được trả về đúng giới tính của phái nữ.

 

Gấu trúc lớn là một trong những loài động vật hiếm và nhiều nguy cơ đe dọa tuyệt chủng nhất thế giới. Chúng chỉ xuất hiện ở Trung Quốc do đó được coi là tài sản quý của nước này. Nghiên cứu cho thấy hiện có khoảng hơn 180 con đang sống trong các khu bảo tồn ở lục địam khoảng 1.590 con sống trong môi trường hoang dã.

 

Thùy Vân

Theo China Daily