Trao nhầm con 42 năm ở Hà Nội: Khó khăn rà soát thông tin, xét nghiệm ADN

Minh Nhân

(Dân trí) - Thanh tra Sở Y tế Hà Nội phối hợp Trung tâm Y tế quận Ba Đình hỗ trợ chị Tạ Thị Thu Trang - người con bị trao nhầm 42 năm, song gặp nhiều khó khăn trong việc rà soát thông tin.

Liên quan vụ trao nhầm con 42 năm, Thanh tra Sở Y tế Hà Nội đã có văn bản gửi Trung tâm Y tế quận Ba Đình về việc giải quyết đơn kiến nghị hỗ trợ xét nghiệm ADN, tìm bố mẹ đẻ của chị Tạ Thị Thu Trang (50 tuổi, quận Ba Đình).

Theo văn bản, Thanh tra Sở đề nghị Trung tâm Y tế quận Ba Đình (là đơn vị quản lý Nhà hộ sinh Hàng Bún) tiến hành kiểm tra, rà soát các thông tin liên quan đơn kiến nghị của chị Trang, thông báo kết quả đến Thanh tra Sở trước ngày 19/3.

Trao đổi với phóng viên Dân trí, lãnh đạo Trung tâm Y tế quận Ba Đình cho biết đã tiếp nhận đơn kiến nghị của chị Trang, đồng thời chỉ đạo tìm lại các cán bộ công tác trong năm 1974 để xác minh sự việc. 

Tuy nhiên, theo vị lãnh đạo, công tác rà soát gặp nhiều khó khăn. Nhà hộ sinh trước đây ở địa chỉ 50 Hàng Bún đã chuyển sang 12 Lê Trực khiến việc lưu trữ hồ sơ gần như không còn. Nhiều giấy tờ như sổ sinh, giấy chứng sinh... đã bị thất lạc sau 50 năm. 

Trao nhầm con 42 năm ở Hà Nội: Khó khăn rà soát thông tin, xét nghiệm ADN - 1

Đơn đề nghị xét nghiệm ADN của bà Hạnh vào tháng 9/2015 (Ảnh: Minh Nhân).

Trước đó, vào năm 2016, Trung tâm Y tế quận Ba Đình đã rà soát danh sách cán bộ công tác giai đoạn 1970 nhằm hỗ trợ bà Nguyễn Thị Mai Hạnh (hiện 72 tuổi, mẹ nuôi chị Trang). 

Tuy nhiên, một số người đã chuyển đi nơi khác, một số người đã mất. Đơn vị đã khoanh vùng 3 nữ hộ sinh nhưng họ đều đã lớn tuổi nên không thể nhớ sự việc. 

"Chúng tôi không đủ chức năng và thẩm quyền yêu cầu bất cứ công dân nào đi xét nghiệm ADN, song sẽ cố gắng rà soát thông tin, hỗ trợ chị Trang", lãnh đạo Trung tâm Y tế quận Ba Đình nói.

Ngày 1/3, Thanh tra Sở Y tế Hà Nội đã có buổi làm việc với chị Tạ Thị Thu Trang. Theo quy định, Thanh tra Sở không có chức năng yêu cầu công dân đi xét nghiệm ADN.

Đơn vị này đề nghị chị Trang gửi đơn đến các cơ quan chức năng khác có đủ thẩm quyền để được giải đáp các thắc mắc.

"Chúng tôi sẽ đồng hành, cố gắng hỗ trợ chị Trang, đồng thời tích cực phối hợp các cơ quan chức năng khi có yêu cầu", Thanh tra Sở Y tế Hà Nội cho hay. 

Đến nay, "sợi dây" cuối cùng của chị Trang là bản trích lục 10 gia đình có con sinh từ ngày 9 đến ngày 11/10/1974 tại Nhà hộ sinh Hàng Bún. Chị biết rằng không thể bắt ép những gia đình này đi thử ADN với mình, cũng thấu hiểu tâm trạng của họ, cuộc sống đang yên bình nên nhiều người không muốn xáo trộn.

"Tôi khẩn cầu mong cơ quan chức năng giúp đỡ để có cơ hội được xét nghiệm ADN. Tôi không muốn chờ đợi thêm, bởi chờ đợi có thể là 50 năm nữa, hết một đời người", chị nghẹn ngào. 

Trao nhầm con 42 năm ở Hà Nội: Khó khăn rà soát thông tin, xét nghiệm ADN - 2

Chị Tạ Thị Thu Trang - "đứa trẻ" bị trao nhầm vào năm 1974 tại Nhà hộ sinh Hàng Bún (Ảnh: Minh Nhân).

Luật sư Trần Xuân Tiền, Trưởng văn phòng luật sư Đồng Đội, Đoàn luật sư TP Hà Nội, cho biết sự việc trao nhầm con xảy ra vào năm 1974 tại Hà Nội là vô cùng hi hữu. 

Sự việc đã gây ra tổn thương không thể bù đắp với hai bên gia đình. Dưới góc độ pháp lý, đây là quan hệ nhân thân liên quan hộ tịch và mối quan hệ dân sự.

Theo luật sư, nguyện vọng tìm lại bố mẹ đẻ của chị Trang là hoàn toàn hợp pháp. Tuy nhiên, việc ông Nguyễn Lê H. (sinh năm 1941) và bà Ngô Kim D. (sinh năm 1947) không đồng ý xét nghiệm ADN để xác minh quan hệ huyết thống là điều có thể dễ hiểu, bởi có thể họ không muốn cuộc sống bị xáo trộn hoặc có những lý do riêng.

Theo quy định, chị Trang không thể yêu cầu hay cưỡng ép ông H. và bà D. đi xét nghiệm ADN. Cơ quan chức năng nơi người phụ nữ gửi đơn kiến nghị là Thanh tra Sở Y tế cũng không đủ thẩm quyền và chức năng để thực hiện việc này.

Theo luật sư, trường hợp cha, mẹ, con không đồng ý giám định ADN, thì người yêu cầu (chị Trang) có quyền khởi kiện ra tòa án và làm đơn yêu cầu tòa án áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời.

"Căn cứ vào quyết định này, cơ quan thi hành án dân sự có thẩm quyền sẽ ra quyết định và tổ chức thi hành quyết định của tòa án. Nếu đương sự không tự nguyện thi hành án thì sẽ bị áp dụng các biện pháp xử lý hành chính và có thể truy cứu trách nhiệm hình sự", ông Tiền nói.

Năm 2016, câu chuyện chị Tạ Thị Thu Trang bị trao nhầm trong bệnh viện đã gây chấn động dư luận. Bà Nguyễn Thị Mai Hạnh (hiện 72 tuổi) sau khi làm xét nghiệm ADN, đau đớn phát hiện chị Trang không phải con ruột. 

Thời điểm đó, sau khi báo đài đồng loạt đưa tin, chị Nguyễn Thị L.A., cũng sinh ngày 10/10/1974 tại nhà hộ sinh Ba Đình, đã đến nhận bà Hạnh là mẹ đẻ. 

Sau đó, chị L.A. đưa chị Trang vào Đà Nẵng nhận bố mẹ đẻ là ông H. và bà D. Hai gia đình có thời gian đi lại, liên lạc. Bản thân chị Trang cho biết, nhiều người nói chị có nét rất giống với các thành viên trong gia đình ông H., bà D.