Vợ chiếm giữ tiền lương của chồng có phải "bạo lực gia đình"?
(Dân trí) - Theo luật sư, vợ chồng đều bình đẳng với nhau về quyền và nghĩa vụ trong quan hệ hôn nhân. Các bên có quyền định đoạt về việc ai là người giữ tài sản chung.
Những ngày qua, mạng xã hội xôn xao câu chuyện chồng lương thưởng trên 40 triệu đồng vẫn gửi hết cho vợ rồi "nài nỉ" xin tiền uống bia.
Chưa biết thực hư câu chuyện ra sao, song nhiều người khẳng định rằng, thực tế, những tình huống tương tự xảy ra khá nhiều trong cuộc sống.
Trong nhiều gia đình, các bà vợ thường là người nắm giữ "tay hòm chìa khóa". Các ông chồng thường chỉ giữ lại một khoản nhỏ để chi tiêu hoặc nhận tiền tiêu theo tuần từ vợ. Nhiều gia đình mặc định rằng cứ đến ngày lấy lương là chồng sẽ có nghĩa vụ chuyển hết tiền cho vợ.
Những ông chồng vì thế đôi khi không tránh khỏi cảm giác "hụt hẫng" khi tiền chưa nóng ví đã "hết sạch". Nhiều người không thoải mái vì phải chuyển hết tiền cho vợ trong tâm trạng không thật tự nguyện.
Luật sư Trần Xuân Tiền, Trưởng văn phòng Luật sư Đồng Đội, Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho biết, tài sản trong hôn nhân (trong đó bao gồm tiền lương của vợ, chồng) được xác định là tài sản chung nên cả hai có thể thỏa thuận về việc ai là "tay hòm chìa khóa".
Khoản 2 Điều 33 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 quy định: Tài sản chung của vợ chồng thuộc sở hữu chung hợp nhất, được dùng để bảo đảm nhu cầu của gia đình, thực hiện nghĩa vụ chung của vợ chồng. Theo đó, nhu cầu thiết yếu của gia đình gồm sinh hoạt thông thường về ăn, mặc, ở, học tập, khám chữa bệnh và những nhu cầu khác.
Theo luật sư Tiền, Nghị định 144/2021/NĐ-CP có hiệu lực không có chế tài điều chỉnh đối với hành vi chiếm giữ tài sản chung của vợ chồng. Do đó, nếu người vợ chiếm giữ tài sản chung để phục vụ nhu cầu sinh hoạt của gia đình thì không phải là hành vi vi phạm pháp luật.
Tuy nhiên, trong trường hợp vợ chồng thỏa thuận phân chia tài sản chung, như tiền lương của mỗi người là tài sản riêng, thì việc vợ chiếm giữ tiền lương của chồng sẽ bị cho là hành vi vi phạm.
Theo quy định tại khoản 1 Điều 58 Nghị định 144/2021/NĐ-CP thì người vợ có hành vi "Chiếm đoạt tài sản riêng của thành viên gia đình" có thể bị phạt tiền từ 20 - 30 triệu đồng.
"Vợ chồng đều bình đẳng với nhau về quyền và nghĩa vụ trong quan hệ hôn nhân. Các bên có quyền định đoạt về việc ai là người giữ tài sản chung. Vậy nên, việc ai cầm tài chính trong gia đình không hình thành bất bình đẳng giới nào", luật sư Trần Xuân Tiền nói.
Bên cạnh đó, theo quy định tại Khoản 1 Điều 2 Luật Phòng chống bạo lực gia đình năm 2020: "Bạo lực gia đình là hành vi cố ý của thành viên gia đình gây tổn hại hoặc có khả năng gây tổn hại về thể chất, tinh thần, tình dục, kinh tế đối với thành viên khác trong gia đình".
Như vậy, nếu thành viên trong gia đình gây tổn hại hoặc có khả năng gây tổn hại về mặt thể chất, tinh thần, tình dục, kinh tế đối với các thành viên khác trong gia đình thì mới được gọi là bạo lực gia đình.
Trong trường hợp này, việc chiếm giữ tài sản chung để phục vụ cho nhu cầu sinh hoạt hàng ngày của gia đình không phải là hành vi gây tổn hại đến kinh tế của thành viên khác. Chỉ khi vợ/chồng dùng tài sản chung vào mục đích riêng mà hoặc dùng tài sản riêng của người kia mà không được sự đồng ý của bên còn lại thì mới được coi là gây tổn hại đến kinh tế của thành viên khác.
Luật sư khuyến cáo, để vấn đề tài chính trong gia đình trở nên nhẹ nhàng, êm xuôi hơn, vợ chồng cần thống nhất các quan điểm như: Xác định rõ người quản lý tài chính chung; số tiền người còn lại được chi tiêu trong một tháng là bao nhiêu; các mục tiêu tài chính hướng tới và đạt được trong ngắn hạn, dài hạn,…
"Trước khi quyết định một vấn đề gì cần phải có sự bàn bạc, thống nhất giữa hai vợ chồng để tránh những mâu thuẫn không đáng có trong quan hệ hôn nhân cũng như giữ gìn hạnh phúc gia đình", ông Tiền nói.