Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển vùng dân tộc thiểu số và miền núi
Tôn vinh nghệ thuật dùng sáp ong tạo hoa văn trên vải của người Mông
(Dân trí) - Nghệ thuật dùng sáp ong tạo hoa văn trên vải của người Mông ở Yên Bái vừa được đưa vào danh mục Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia ở loại hình tri thức dân gian.
Ngày 10/11, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng đã ký Quyết định số 3413/QĐ-BVHTTDL về việc công bố Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Theo đó, nghệ thuật dùng sáp ong tạo hoa văn trên vải của người Mông ở các huyện Mù Cang Chải, Trạm Tấu, Văn Chấn (tỉnh Yên Bái) được đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia ở loại hình tri thức dân gian.
Trong định hướng phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của tỉnh Yên Bái đến năm 2030 đều đưa hoạt động bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống các dân tộc gắn với phát triển du lịch vào nhiệm vụ trọng tâm. Đây cũng là một trong những nội dung trong Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
Theo truyền thống, người phụ nữ Mông từ khi còn là thiếu niên đã học vẽ hoa văn trên vải, khi đến tuổi trưởng thành đều có khả năng sử dụng thuần thục nghệ thuật này; trước tiên là phục vụ nhu cầu y phục của chính bản thân, gia đình và hôn lễ cá nhân, sau đó là tạo các vật dụng để biếu, tặng, trao đổi.
Đồng bào dân tộc Mông quan niệm hoa văn trên trang phục, đồ dùng sinh hoạt sẽ giúp họ được giao tiếp với các thần linh, mời được các thần linh tới nhà ban phát cho họ điềm lành, xua đi những điều dữ.
Mỗi họa tiết hoa văn đều thể hiện những khát vọng cao đẹp của con người. Đó là vốn tri thức dân gian quý giá phản ánh trình độ kinh tế, văn hóa, xã hội, lịch sử, dấu ấn thời đại, bản sắc văn hóa của những người nghệ nhân.
Để tạo ra một bộ trang phục đẹp, đúng bản sắc truyền thống của người Mông trải qua nhiều công đoạn như se lanh, dệt vải, vẽ sáp ong tạo hoa văn, nhuộm chàm, thêu chỉ màu tạo hoa văn nổi. Các công đoạn đều rất quan trọng, song khâu dùng sáp ong để tạo hoa văn là kỳ công nhất, đòi hỏi sự khéo léo, giàu sức sáng tạo để làm ra sản phẩm đẹp nhất, ưng ý nhất.
Sáp ong người phụ nữ dân tộc Mông dùng để vẽ hoa văn có ba màu là vàng, đen và trắng. Sáp ong nấu chảy chính là "mực vẽ". Khi sử dụng, người Mông cho sáp vào một chảo gang nhỏ, đường kính khoảng 10cm, đun nhỏ lửa để sáp chảy ra tới khoảng 50 đến 60 độ là có thể dùng để vẽ.
Người Mông Yên Bái sử dụng các bút vẽ bằng đồng có nét đậm, nét thanh, hoa văn nhỏ, hoa văn hình chấm tròn và hoa văn hình xoắn ốc để vẽ hoa văn bằng sáp ong trên những vuông vải lanh nhỏ, sau đó ghép lại thành các bộ phận như: vai áo, thân váy hay tay áo, cổ áo, địu, khăn rồi khâu lại thành sản phẩm hoàn chỉnh.