Độc đáo cách người Mông thuần hóa ong rừng lấy mật ở Hà Giang

Hồng Anh

(Dân trí) - Anh Mua Mí Phồng cho biết, nuôi ong rừng trong các thân cây rỗng sẽ giúp tăng tuổi thọ đàn ong và chất lượng mật. Người nuôi cần am hiểu đặc tính của ong rừng để bầy ong không bỏ tổ đi.

Tại Hà Giang, nghề nuôi ong lấy mật đã và đang trở thành một trong những nghề mang lại nguồn thu nhập chính cho gia đình các đồng bào dân tộc ở nơi đây.

Bên cạnh những hộ phát triển theo mô hình nuôi ong tập trung, có không ít gia đình lựa chọn thuần hóa ong rừng trong các khúc cây rỗng để lấy mật.

Độc đáo cách người Mông thuần hóa ong rừng lấy mật ở Hà Giang - 1

Các thân cây rỗng tự nhiên nơi ong rừng sinh sống. (Ảnh: H. A).

Chia sẻ về công việc đặc biệt này, anh Mua Mí Phồng (ở xã Lùng Tám, huyện Quản Bạ, Hà Giang) cho biết, nuôi ong trong các thân cây rỗng sẽ giúp tăng tuổi thọ đàn ong và chất lượng mật.

Độc đáo cách người Mông thuần hóa ong rừng lấy mật ở Hà Giang - 2

Người nuôi cần am hiểu đặc tính của ong rừng để bầy ong không bỏ đi. (Ảnh: H. A).

"Ong rừng vốn sống trong các hang đá. Khi đi làm nương rẫy, người dân phát hiện được tổ ong thường dùng vải đốt tạo khói để ong bay ra khỏi tổ. Sau đó, họ sẽ dùng lưới, vợt để bắt đàn ong đưa về trong các thân cây rỗng", anh Phồng nói.

Độc đáo cách người Mông thuần hóa ong rừng lấy mật ở Hà Giang - 3

Người thu hoạch sẽ đốt vải đưa vào trong thân cây để ong tản ra rồi lấy mật.

Cũng theo người đàn ông này, ong rừng ưa thích ở trong thân cây rỗng (thường là cây kháo) một cách tự nhiên. Nếu người dân tự tạo các thân cây rỗng, không có độ nhám và quá sạch sẽ, ong sẽ không ở và bay về rừng.

Hiện tại anh Phồng sở hữu 11 tổ ong rừng. Mỗi tháng anh kiểm tra tổ ong một lần. Anh thường đặt tổ vào các hốc đá vừa để tránh ánh nắng, vừa đảm bảo sự mát mẻ, dễ chịu cho bầy ong.

Độc đáo cách người Mông thuần hóa ong rừng lấy mật ở Hà Giang - 4

3 tháng một lần, anh Phồng thu hoạch mật ong trong các thân cây.

Trung bình cứ 3 tháng, anh Phồng lại thu hoạch mật ong. Ong cho mật quanh năm. Hết mùa hoa ngô, ong sẽ tìm mật ở hoa cỏ kim, hoa bạc hà. Hết mùa bạc hà, ong sẽ bay đi lấy mật hoa cây nghiến trong rừng. Mật hoa cây nghiến sẽ có vị hơi đắng. 

Độc đáo cách người Mông thuần hóa ong rừng lấy mật ở Hà Giang - 5

Nhờ thuần hóa ong rừng lấy mật, gia đình Phồng có thêm thu nhập.

Ngoài cách bắt và thuần hóa ong rừng nói trên, đồng bào dân tộc Mông ở Hà Giang còn có một số cách bẫy khác. Họ tìm những thân rỗng phù hợp, đợi đến mùa ong tách đàn sẽ mang thân cây lên rừng để vào những hốc đá kín gió. Đàn ong thấy môi trường lý tưởng sẽ tìm đến sinh sống.

Độc đáo cách người Mông thuần hóa ong rừng lấy mật ở Hà Giang - 6

Bầy ong rừng của anh Phồng cho thu hoạch mật quanh năm.

Sau một thời gian ong quen với tổ mới, người dân sẽ di chuyển tổ ong về nhà để thuần dưỡng, lấy mật. Ngoài đưa cả bầy ong về, nhiều người còn tìm cách đưa ong chúa thả vào thân cây rỗng. Cách làm này sẽ thu hút được cả đàn ong đi theo.

Độc đáo cách người Mông thuần hóa ong rừng lấy mật ở Hà Giang - 7

Khi vắt mật ong không được để lẫn nhộng, tránh việc mật ong bị chua.

Việc đưa đàn ong rừng về nhà không quá khó. Tuy nhiên, để ong chịu ở lại, không bay về rừng với nhiều người lại là bí quyết đòi hỏi sự tỉ mỉ, hiểu đặc tính của loài ong.

Độc đáo cách người Mông thuần hóa ong rừng lấy mật ở Hà Giang - 8

Những giọt mật vàng óng.

Theo chia sẻ của các hộ đồng bào dân tộc thuần hóa ong rừng, mật ong loại này thường có giá cao hơn mật ong thường.

Trung bình giá bán khoảng 300.000 - 400.000 đồng/lít. Nhiều gia đình thường không có hàng để bán.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm