Đà Nẵng:

Tiểu thương than thất thu vì chợ “cóc”

(Dân trí) - Nhiều tiểu thương chợ Đống Đa (quận Hải Châu, Đà Nẵng) phản ánh việc chợ “cóc” phát sinh bên ngoài chợ từ nhiều năm nay khiến cho các tiểu thương trong chợ thất thu; đồng thời, phát sinh nhiều vấn đề về vệ sinh môi trường, trật tự an ninh trong khu vực.

 

Chợ cóc đã hoạt động nhiều năm nay ngay bên ngoài chợ Đống Đa
Chợ "cóc" đã hoạt động nhiều năm nay ngay bên ngoài chợ Đống Đa

Theo ghi nhận của PV Dân trí tại khu vực chợ Đống Đa, Đà Nẵng, có hàng trăm hàng quán bên ngoài chợ, tập trung ở đường Lương Ngọc Quyến đoạn từ đường Đống Đa dẫn vào chợ chính, và kiệt (hẻm) 81 Phan Kế Bính.

Các hàng chợ tự phát này đặc biệt đông trong khoảng từ 7-8h sáng đến 10-11h trưa, và có hầu như tất cả các loại mặt hàng từ quần áo thời trang đến lương thực, thực phẩm. Đặc biệt ở kiệt 81 Phan Kế Bính, người bán người mua chen kín lối đi.

Theo các tiểu thương kinh doanh trong chợ than thở, có chợ “cóc” sẵn bên ngoài, hàng hóa lại rẻ hơn vì không phải đóng thuế phí hoạt động kinh doanh như các quầy trong chợ nên người đi chợ sẵn tiện mua bên ngoài nhiều hơn, khiến cho các tiểu thương trong chợ thất thu. “Người ở trong chợ chúng tôi đóng thuế phí hoạt động kinh doanh, phí vệ sinh môi trường... đầy đủ; trong khi ngoài kia chợ tự phát hoành hành, không ai quản lý lại gây thất thu cho những người buôn bán đàng hoàng trong chợ như chúng tôi”, chị Nhung, một tiểu thương trong chợ Đống Đa nói.

Theo ông Nguyễn Thanh Hùng - Phó Trưởng Ban Quản lý chợ Đống Đa cho biết, các hàng chợ “cóc” nói trên đã tồn tại ngay bên ngoài chợ chính từ nhiều năm nay nằm trên các tuyến thuộc địa phận của hai phường Thanh Bình và phường Thuận Phước (quận Hải Châu, Đà Nẵng). Các hàng chợ này không thuộc sự quản lý của Ban Quản lý chợ Đống Đa.

Do người dân vẫn có thói quen tiện đâu mua đó, hàng bên ngoài chợ lại rẻ hơn 5-10% so với trong chợ, khiến cho các tiểu thương trong chợ thất thu là có thật. Lo ngại hơn nữa là các hàng chợ tự phát này (thời điểm đông nhất vào buổi sáng hàng ngày số lượng hàng rong có khi lên đến 200 hàng) hoạt động bên ngoài chợ không đảm bảo vệ sinh môi trường đồng thời cũng ảnh hưởng vệ sinh môi trường xung quanh chợ chính. Chưa kể, trường hợp xảy ra cháy nổ thì không có lối thoát.

Người bán người mua chen chân ở kiệt (hẻm) 81 Phan Kế Bính, trường hợp xảy ra hỏa hoạn, thật khó có lối thoát
Người bán người mua chen chân ở kiệt (hẻm) 81 Phan Kế Bính, trường hợp xảy ra hỏa hoạn, thật khó có lối thoát

Chợ đông, nhất là ở kiệt 81 Phan Kế Bính, người mua người bán chen chúc nhau tạo điều kiện cho tội phạm hoạt động. “Nhiều vụ người đi chợ bên ngoài bị móc túi vào báo với Ban Quản lý chợ chúng tôi rồi. Nhưng những vụ việc bên ngoài chợ chúng tôi chỉ có thể hướng dẫn bà con sang trình báo Công an phường để được giải quyết” - ông Hùng cho biết.

Theo đại diện Ban Quản lý chợ Đống Đa, BQL chợ đã báo cáo về hoạt động của chợ  tự phát với Công ty quản lý Hội chợ triển lãm và các chợ ở Đà Nẵng. Lực lượng chức năng liên ngành cũng đã ra quân dẹp chợ tự phát nhiều lần. Nhưng đẩy đuổi thì họ dọn vào, xong rồi lại dọn ra nên mãi không xử lý rốt ráo được.

Trao đổi với PV, bà Lê Thị Hà- Phó Chủ tịch phường Thuận Phước (quận Hải Châu, Đà Nẵng) cũng cho biết lực lượng chức năng địa phương đã ra quân nhiều lần để xử lý tình trạng chợ tự phát nhưng do lực lượng mỏng nên chưa duy trì thường xuyên. “Lực lượng chức năng ra quân thì người ta tản đi, xong lại tràn ra. Sắp tới chúng tôi sẽ báo Quận bố trí và tiếp tục ra quân xử lý” - bà Hà nói.

Đình Hòa - K.Hiền