Bạc Liêu:

Tiễn ông Táo bằng... cá chép giấy

(Dân trí) - Ngày cúng ông Táo về trời (23 tháng Chạp), nhiều người dân ở Bạc Liêu tiễn đưa bằng… cá chép giấy.

Ngày đưa ông Táo (23 tháng Chạp) về trời, thời tiết tại Bạc Liêu sáng sớm khá lạnh, đến trưa có nắng và gió nhẹ. Nhiều người dân đi chợ từ sớm để mua hoa và lễ vật để cúng tiễn ông Táo.

Ghi nhận của PV Dân trí, nhiều nơi ở Bạc Liêu không có cá chép sống như ở một số địa phương khác. Người dân ở đây cúng ông Táo có thể nói là khá đơn giản, không cầu kỳ như trước đây.

Tiễn ông Táo bằng... cá chép giấy - 1
Một người dân ở Bạc Liêu cúng tiễn ông Táo.

Chị Chi (ngụ huyện Vĩnh Lợi, Bạc Liêu) cho biết, hồi trước, ngày cúng đưa ông Táo xôm tụ lắm. Người dân chủ yếu dùng bếp củi nên thường có lò bằng đất nun, có người gần đến ngày cúng ông Táo thì lấy đất làm lò mới hoặc nặn thành 3 chân rồi phơi nắng cho khô. Sau đó, đến ngày 23 tháng Chạp thì bắt đầu cúng tiễn ông Táo.

Theo chị Chi, ngày nay thì chủ yếu bếp nấu bằng lò gas nên việc cúng ông Táo cũng đơn giản hơn nhiều. Ở Bạc Liêu, có nhiều nhà chủ yếu lễ vật cúng gồm chè trôi nước, hoa, nhan, nước trà hoặc nước lọc.

“Không có cá chép sống để tiễn thì người dân ở đây mua cá chép bằng giấy như sự tượng trưng để đưa ông Táo về trời”, chị Chi bày tỏ.

Tiễn ông Táo bằng... cá chép giấy - 2
Tiễn ông Táo bằng... cá chép giấy - 3

Nhiều người dân ở Bạc Liêu cúng tiễn ông Táo chè trôi nước và cá chép giấy.

Bà Nguyễn Thị Châu (ngụ huyện Vĩnh Lợi, Bạc Liêu) thì cho biết, thời gian cúng ông Táo cũng tùy vào mỗi nhà nhưng thường là buổi gần trưa.

“Cứ đến ngày 23 tháng Chạp, người dân chúng tôi cúng ông Táo để thể hiện lời cảm ơn một năm qua ông Táo đã giữ gìn bếp núc, cuộc sống gia đình sung túc, vui vẻ, hạnh phúc”, bà Châu bày tỏ.

Huỳnh Hải

 

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm