Thực hư những kiêng kị trong tháng 7 “cô hồn” nhiều người cho là đen đủi

Hà Trang

(Dân trí) - Tháng 7 âm lịch có thực sự là tháng không tốt, mang những đen đủi điều không may như nhiều người vẫn quan niệm?

Đối với người Việt, tháng 7 âm lịch thường được gọi là tháng “cô hồn”, tháng Diêm Vương mở cửa Quỷ Môn Quan để ma quỷ có thể tự do trở về dương gian.

Ngày 15/7 âm lịch cũng là ngày “âm khí xung thiên” vì thế thường mang đến những điều xui xẻo, đen đủi. Cũng vì quan niệm này mà từ xưa đến nay dân gian thường kiêng kị, tránh tiến hành những việc đại sự của bản thân, gia đình trong tháng 7 để tránh điều không may.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia văn hóa, phong thủy hiểu về tháng 7 âm lịch như vậy là không đúng, phản khoa học.

Thực hư những kiêng kị trong tháng 7 “cô hồn” nhiều người cho là đen đủi - 1

Theo các chuyên gia phong thủy, văn hóa, những điều kiêng kị trong tháng 7 âm lịch xuất phát từ thói quen, không có cơ sở khoa học.

Chia sẻ với Dân trí, chuyên gia phong thủy Phạm Cương cho rằng, tục cúng cô hồn bắt nguồn từ cổ tích Trung Quốc. Cũng như trên trần thế có vua cai quản đất nước, người Trung Quốc tin rằng, thế giới sau khi chết cũng sẽ có người cai quản – đó chính là Diêm Vương.

Nhiều người tin rằng từ mùng 2/7 âm lịch đến 12 giờ đêm ngày 14/7 âm lịch, Diêm vương sẽ mở quỷ môn quan, thả cho các tù nhân được trở về dương gian. Chính vì "sợ ma quỷ quấy rầy", cho rằng đây là tháng không tốt nên nhiều người kiêng kị hết việc lớn.

Thực hư những kiêng kị trong tháng 7 “cô hồn” nhiều người cho là đen đủi - 2

Chuyên gia phong thủy Phạm Cương cho rằng dù là tháng 7 nhưng cứ thuận theo công việc, cuộc sống để làm, không sa đà vào mê tín dị đoan.

Tuy nhiên, trong kinh nhà Phật, tháng 7 lại gắn liền với điển tích Mục Kiều Liên tôn giả phá ngục cứu mẹ nên còn gọi là tháng của Lễ Vu Lan báo hiếu. Họ ăn chay niệm Phật, cúng dàng, bố thí để mong người thân siêu thoát. 

Ngay ở Trung Quốc, dù vẫn có vô vàn điều kiêng kị nhưng người Vân Nam vẫn tổ chức những lễ cưới tập thể để tưởng nhớ về ông Ngâu bà Ngâu vào dịp mùng 7 tháng 7 âm lịch hàng năm. 

"Như vậy, có thể thấy rằng, niềm tin và tôn giáo cũng mang tính chất vùng miền, nơi thì kiêng kị nơi thì khuyến khích.

Quan điểm của tôi là dù là tháng 7 nhưng cứ thuận theo công việc, cuộc sống mà làm. 

Hãy nhìn sang các nước ở phương Tây, họ cũng có những tuần lễ tâm linh như tuần lễ Haloween chẳng hạn. Trong thời gian này, họ đâu có kiêng khem mua sắm gì mà ngược lại đó trở thành ngày lễ mua sắm của rất nhiều người, thanh thiếu niên lại có nhiều trò chơi đầy sáng tạo rất vui vẻ và bổ ích. Trẻ con thì háo hức chờ đợi về dịp lễ này.

Nếu kiêng kị quá mức, bạn có thể làm lỡ mất cơ hội cũng như cuộc sống tâm linh quay về xã hội cũ với các mê tín dị đoan lạc hậu", chuyên gia Phạm Cương nói.

Trong khi đó, nói rõ hơn về những kiêng kị trong tháng 7 âm lịch như: không làm nhà cửa, động thổ xây nhà, cưới xin hoặc làm các việc đại sự... PGS - TS Lê Quý Đức (nguyên Phó Viện trưởng Viện Văn hóa) cho rằng, những quan điểm trên xuất phát từ tâm lý “có thờ, có thiêng, có kiêng có lành” của người Việt.

Chúng được truyền miệng từ đời này sang đời khác, lâu dần hình thành thói quen mà không có cơ sở khoa học. 

“Thực tế, những điều kiêng kị trên bắt nguồn từ thói quen có từ thời xa xưa. Nước ta là nước có khí hậu nhiệt đới, tháng 7 âm lịch là mùa mưa ngâu, thêm nữa đây là thời điểm chuyển giao giữa mùa Hạ và mùa Thu nên thời tiết không thuận lợi, mưa nắng thất thường.

Khi tiến hành những công việc như: làm nhà, khai trương, … sẽ ảnh hưởng đến chất lượng công trình, có thể làm kéo dài thời gian hơn so với dự kiến. Những điều này lâu dần hình thành thói quen”, ông Quý nhấn mạnh.

Chuyên gia này cho rằng mọi người chỉ nên tham khảo, hãy tìm hiểu theo khoa học, cái gì phù hợp thì theo, không nên sa đà vào mê tín dị đoan.

 “Việc kiêng kị quá nhiều mà không có cơ sở không khác gì mua dây tự trói mình làm cho cuộc sống trì trệ, ảnh hưởng và kém phát triển. Các gia đình nên coi đây như dịp để tưởng nhớ ông bà tổ tiên đã khuất, làm việc thiện nguyện, báo hiếu ông bà, cha mẹ, không nên sa đà vào mê tín dị đoan hay sắm sửa đồ lễ đắt tiền.”, ông Quý khẳng định.

Trước đó trả lời Dân trí, chuyên gia văn hóa Hùng Vỹ cũng cho rằng không nên hiểu việc cúng “cô hồn” trong tháng 7 âm lịch chỉ là để "ma quỷ" khỏi quấy phá mà nó còn mang ý nghĩa: con người dù có gây ra tội lỗi gì cũng có một ngày xá tội, để đỡ khổ cực, đau đớn.

Nếu hiểu theo nghĩa này thì, tục cúng cô hồn mang nghĩa nhân văn tức là mong muốn cầu cho tất cả những “vong hồn” người chết không nơi nương tựa được siêu thoát, bình an.

Thực hư những kiêng kị trong tháng 7 “cô hồn” nhiều người cho là đen đủi - 3

Đối với phật tử, tháng 7 là tháng Vu Lan - báo hiếu cha mẹ. Ảnh: N.Linh.

Đối với Phật tử thì tháng Bảy là tháng của lễ Vu Lan, thời điểm để mỗi người trau dồi, làm tăng trưởng thêm tâm hiếu và hạnh hiếu. Đây là ngày lễ lớn trong năm, là nét đẹp văn hóa có ý nghĩa giáo dục lòng hiếu thảo và đền đáp công ơn của đấng sinh thành. 

Trong tháng 7 âm lịch, các gia đình có thể làm mâm cúng nhỏ gọn, để thực hiện lễ Vu Lan cầu siêu, báo hiếu tổ tiên vào ban ngày. Còn lễ bố thí cho các cô hồn khi thất thế, sa cơ lỡ vận, không nơi nương nựa vào buổi chiều tối.

Các món đem cúng thường có hương hoa, đèn, hoa, gạo, muối… Trong chùa hoặc tại các gia đình có truyền thống Phật giáo, người ta cúng bằng các món ăn chay.

Lễ cúng chúng sinh sẽ được đặt trước cửa nhà chùa, gia đình. Đồ cúng thường được bày trong một nia lớn.

Ngoài ra, một món ăn đặc biệt thường gặp trong lễ xá tội vong nhân thường có món cháo loãng. Sở dĩ có món ăn này vì dân gian quan niệm, những linh hồn bị đày đọa phải mang một thực quản nhỏ hẹp nên không thể nuốt được thức ăn thông thường.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm