Thái Dũng: Người thổi hồn vào tiếng dương cầm
(Dân trí) - Phía sau ánh hào quang của các nghệ sỹ với những tiếng dương cầm du dương trên sân khấu, có lẽ ít ai biết tới công phu của những người thợ tài ba âm thầm sau cánh gà...
Đằng sau những bản nhạc du dương bay bổng trên các phím đàn piano, ít ai biết việc giữ gìn và bảo quản lại khá kỳ công. Với cấu tạo phức tạp, được làm từ khá nhiều nguyên liệu thiên nhiên như gỗ, lông cừu, da, vải nỉ,… nên đàn piano rất nhạy cảm với độ ẩm và nhiệt độ. Để dương cầm có âm thanh hay và có độ bền, việc bảo quản đàn vô cùng quan trọng.
Du nhập vào Việt Nam từ những năm 1950, nghề sửa chữa, lên dây đàn piano do một ông Tây mù người Pháp mang tới. Ở Hà Nội, người lên dây đàn piano rất ít, thợ làm nghề thực thụ như một nghệ nhân lại càng hiếm hơn.
Để tìm được người thợ giỏi, người chơi đàn cần biết cách để nhận ra một người thợ có tay nghề cao. Hiện có hai cách để lên dây: dựa vào máy hoặc dựa vào khả năng nghe của người thợ. Việc sử dụng máy để đo lường độ cao của các nốt sẽ mang lại độ chính xác tuyệt đối. Tuy nhiên kết quả âm sắc sẽ rất khô, cứng.
Ngược lại, để cho ra cao độ chuẩn, lại vừa có âm sắc mềm mại, bay bổng lại cần đến đôi tai của người thợ có tay nghề cao. Để làm được điều này, ngoài sự tỉ mỉ, kiên trì và kinh nghiệm, người thợ cũng cần phải có năng khiếu.
Trong số ít những người thợ giỏi như thế, có người còn có thể đáp ứng được các yêu cầu khắt khe của các khách hàng khó tính là những nghệ sỹ nổi tiếng. Anh Thái Tiến Dũng (ở Minh Khai, Hai Bà Trưng, Hà Nội) là một ví dụ điển hình. Thi đỗ cùng lúc hai trường Đại học Bách khoa và Cao đẳng Nghệ thuật Hà Nội, anh đã lựa chọn theo học trường Bách khoa, tuy rằng lựa chọn nghành học kỹ thuật nhưng cái duyên với âm nhạc đã đưa anh đến với nghề này.
Bước vào lĩnh vực piano, anh được một người bạn Việt Nam hướng dẫn cơ bản về sửa chữa và một lần nữa, duyên nghề đã cho anh gặp được một người thầy trong lĩnh vực sửa chữa dương cầm chuyên nghiệp đến từ Hàn Quốc, ông Park Chan Wook. Anh cho biết ở Việt Nam không có trường hay nơi dạy sửa đàn chính quy. Muốn theo nghề sửa đàn và lên dây, việc quan trọng đầu tiên là tìm được một người thầy giỏi và tận tâm với công việc, với học trò. Chính nhờ người thầy ấy đã tận tình chỉ bảo và dẫn dắt mà cuộc sống và sự nghiệp của anh cũng bước sang một trang mới.
Bước đầu gia nhập ngành sửa chữa đàn piano, đòi hỏi ở người thợ nhiều công sức học tập và sự kiên trì vì họ phải có khả năng nghe âm tốt để biết cách xử lý cao độ và lọc tạp âm thế nào cho đúng, sửa chữa đàn cũng rất khó vì người thợ phải có nguồn kiến thức cơ bản cũng như sự quan sát tinh tế để xử lý lỗi ở bộ máy dương cầm một cách chính xác nhất. Nhưng với niềm đam mê nghề nghiệp, với khiếu nghe âm sẵn có, cùng những kiến thức từ người thầy chỉ bảo, anh Dũng đã làm hài lòng cả những vị khách từ thông thường cho tới những vị khách hàng khó tính là những nghệ sỹ.
Không chỉ giới nghệ sỹ nói chung mà cả những nghệ sỹ đến từ những dàn nhạc giao hưởng, thính phòng với những đòi hỏi khắt khe, kỹ lưỡng cũng tin tưởng giao đàn cho anh. Chính vì sự uy tín ấy mà hiện tại, lượng khách hàng của anh Dũng mỗi ngày một đông. Với tần suất sửa chữa đều đặn mỗi ngày đã khiến cho tay nghề của anh càng thăng hoa, phát triển và anh cũng tích lũy được nhiều kinh nghiệm trong quá trình làm việc.
Anh chia sẻ đây là nghề độc đáo, không nhiều người làm được, yêu cầu ở người thợ phải có tâm với nghề cũng như sự kiên nhẫn cao. Môi trường làm việc luôn tiếp xúc với âm tần cao cũng khiến anh đôi lúc thấy mệt mỏi tuy nhiên với niềm đam mê nghề nghiệp anh đã lấy lại được thăng bằng và coi đó là niềm vui của mình. Anh lại càng tự hào khi mình đã có thể cảm nhận được âm sai, bắt được bệnh của đàn bằng cách chỉ nghe qua vài lần gõ phím, trả lại cao độ chuẩn để cho phím dương cầm đươc vang lên càng du dương, hoàn hảo.
Phương Thảo