Tấp nập tìm mua con "phá hoại" về làm mồi nhậu ở ngoại thành Hà Nội
(Dân trí) - Cuối giờ chiều, chợ làng Canh Nậu (xã Canh Nậu, huyện Thạch Thất, Hà Nội) bắt đầu tụ họp. Nhiều người phụ nữ lớn tuổi tay cắp thúng, tay xách làn ra chợ ngồi bán thịt chuột đồng.
Chỉ sau vài phút, nhiều mâm chuột đồng thui rơm vàng ươm, to nhỏ đủ thể loại, xếp ngay ngắn được bày lên đợi thực khách tới mua.
Bà H, năm nay gần 60 tuổi nhưng đã có thâm niên hàng chục năm ngồi bán chuột đồng ở chợ Canh Nậu. Ra đến chợ, bà H đặt cái thúng xuống đất rồi lấy tay vỗ nhiều lần vào lưng và vai cho đỡ mỏi rồi mới mở chiếc mâm trên miệng thúng ra. Bên trong thúng đựng toàn chuột đồng thui rơm vàng ươm, mùi thịt chuột đồng cháy xém thơm lừng không lẫn vào đâu được.
Bà H cho biết, hôm nay bà có khoảng 15kg chuột đồng thui rơm và khoảng 3kg chuột đồng trắng đã làm sạch lông.
"Đa phần người dân họ thích ăn chuột đồng thui rơm, với loại này họ có thể chế biến thành nhiều món như chuột xáo, chuột rang.
Còn loại chuột trắng là chuột làm sạch lông không thui rơm nên con nào cũng trắng phau, loại này thường được những người thích món chuột đồng hấp lá chanh ưa chuộng tìm mua", bà H nói.
Cả khu chợ chiều Canh Nậu có khoảng chục người thường xuyên ngồi bày bán thịt chuột đồng mỗi ngày, mỗi góc tập trung vài người.
Cuối tháng 9 bắt đầu vào vụ chuột đồng chính hiệu. Những gia đình sống bằng nghề săn bắt chuột đồng sẽ tỏa đi khắp nơi để săn chuột. Số lượng người bắt đông nên chuột ở những cánh đồng trên địa bàn xã không còn, họ phải tỏa đi khắp nơi, thậm chí đi xa vài chục km đến những cánh đồng ở các huyện khác tìm bắt chuột.
Một người phụ nữ bán chuột đồng khác tiết lộ, giá chuột đồng nhiều năm nay vẫn dao động trong khoảng từ 110 đến 120 nghìn đồng/1kg. Tùy thuộc vào chuột ngon hay không ngon, khách lạ hay khách quen.
"Những năm gần đây nghề săn bắt, buôn bán thịt chuột đồng thường phải cạnh tranh nhau. Nhiều người nhận thấy nghề này kiếm được thêm tiền vào những thời điểm nông nhàn nên họ cũng tham gia. Gia đình tôi có đến 7 năm trong nghề bắt và bán chuột đồng tại chợ này rồi", người này nói.
Một vài năm gần đây việc săn chuột đồng không còn dễ như trước vì số lượng người bắt thì đông mà chuột thì cũng có hạn. Là loài phá hoại nên mỗi lần đào hang, đánh bẫy thì chuột nào cũng bắt, chuột to thì mang về bán còn chuột nhỏ thì đập chết rồi bỏ đi.
Nhặt từng con chuột theo yêu cầu của khách bỏ vào túi ni lông rồi cho lên cân, bà N tay cầm kéo nhanh thoăn thoắt cắt đuôi, bỏ đầu rồi mổ bụng con chuột, nội tạng đều bỏ đi hết ngoại trừ lá gan.
Bà N lý giải, gan chuột nhỏ nhưng ăn rất thơm nên nhiều khách hàng yêu cầu giữ lại, ai không thích thì sẽ bỏ đi hết.
Thông thường, người bán chuột sẽ không mổ chuột trước ở nhà, họ mang ra chợ ai mua con nào mới mổ bụng làm sạch con đó. Điều này khiến cho nhiều người mua chuột nghĩ rằng họ làm như thế để khi cân chuột sẽ nặng hơn nhưng không phải.
Theo người bán chuột lý giải, việc để cả con chuột không mổ bụng, cắt đầu cắt đuôi là để cho khách hàng tận mắt nhìn thấy con chuột còn nguyên vẹn là hàng thật không phải thịt chuột không rõ nguồn gốc.
Thêm nữa chuột vừa mổ xong mang về chế biến ngay sẽ tươi ngon, không có mùi tanh như chuột mổ sẵn, rửa qua nước lã.
Theo tâm lý khách hàng, loại chuột có trọng lượng vừa phải, thui rơm lên vàng ươm, có mùi thơm đặc trưng sẽ được dân nhậu ưa thích hơn. Chuột to quá cũng khó bán vì nhiều người nghi ngại, nhất là người mới ăn họ sẽ nghĩ đó là chuột cống không phải chuột đồng.
Nhờ vào việc săn bắt chuột đồng, nhiều gia đình ở Canh Nậu có thêm những khoản thu nhập ổn định từ tháng 9 đến tháng 12. Mỗi ngày người dân bán từ 10 đến 20kg chuột đồng sẽ thu về tiền triệu. Phiên chợ chiều diễn ra chóng vánh vì nhu cầu mua thịt chuột làm mồi nhậu của người dân nơi đây khá phổ biến.