Tại sao Tết miền Tây lại kéo dài đến nửa tháng?

Thư Quỳnh

(Dân trí) - Khi nào những bông hoa mai trước sân nhà rụng hết, trên cành bắt đầu đâm chồi, ra lá thì khi ấy ở miền Tây mới hết Tết.

Lý do người miền Tây ăn Tết kéo dài đến nửa tháng.

Với nhịp sống hiện đại, hối hả, Tết ở Việt Nam bắt đầu có những chuyển biến, thay đổi để phù hợp với hơi thở của thời đại. Bất kể là người đi làm hay học sinh, sinh viên đều có ngày nghỉ Tết ít hơn xưa, nhiều lắm cũng chỉ khoảng 7-10 ngày. Trên thực tế, nhiều người chỉ thực sự nghỉ ngơi, vui chơi thoải mái trong 3 ngày Tết, từ mùng 1 đến hết mùng 3.

Thế nhưng trên dải đất hình chữ S, vẫn còn nơi có thời gian ăn Tết kéo dài đến khoảng nửa tháng, đó là các làng quê ở Tây Nam Bộ. Ở vùng đất sông nước này, đa số người dân vẫn ăn Tết theo đúng truyền thống ăn Tết của ông bà xưa. 

Tại sao Tết miền Tây lại kéo dài đến nửa tháng? - 1

Người dân miền Tây chuẩn bị Tết từ rất sớm. (Ảnh: Sưu tầm)

Tết với người dân miền Tây bắt đầu từ ngày 23 tháng chạp nên ngày này được họ gọi là ngày 23 Tết. Tuy nhiên, trên thực tế Tết ở miền Tây còn bắt đầu sớm hơn nhiều.

Sau nhiều năm tìm hiểu, nghiên cứu về văn hóa Tây Nam Bộ, tiến sĩ Dương Hoàng Lộc, giảng viên trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP.HCM chia sẻ: "Qua quan sát của tôi, Tết ở miền Tây bắt đầu rất sớm. Thường thì sau rằm tháng chạp, thậm chí có nhà còn sớm hơn đã bắt đầu chuẩn bị Tết rồi".

Sau rằm tháng chạp, ở miền Tây đã bắt đầu có không khí Tết. Các gia đình lần lượt đi tảo mộ, chuẩn bị những món ăn cho ngày Tết như quết bánh phồng, làm bánh mứt…

Tại sao Tết miền Tây lại kéo dài đến nửa tháng? - 2

Nghe mùi kiệu nồng nàn là biết Tết sắp về. (Ảnh: Sưu tầm)

Với những gia đình có làm các món ăn như tôm khô, cá khô, dưa kiệu… thì khâu chuẩn bị Tết còn sớm hơn. Có khi vừa mới bước sang tháng chạp, đã nhìn thấy trước sân nhà của mỗi gia đình miền Tây phơi củ kiệu, phơi tôm, phơi cá.

Khâu chuẩn bị này cứ âm thầm diễn ra song song với cuộc sống thường nhật cho đến ngày 23 tháng chạp. Lúc này, xóm làng trở nên nhộn nhịp hơn. Ở các khu chợ, người đi mua sắm Tết cũng bắt đầu tấp nập, rộn ràng. Trước cửa nhà của một số gia đình đã thấp thoáng nhìn thấy mấy câu đối đỏ được treo lên.

Từ ngày 23 đến ngày 30 tháng chạp, người dân miền Tây sẽ thực hiện nhiều lễ cúng như cúng ông Táo, cúng ông bà, cúng đất đai, cúng giao thừa… Những lễ cúng này như một cách bày tỏ lòng biết ơn với trời đất và sự hiếu thảo với ông bà tổ tiên. Bên cạnh đó, cũng là nghi thức kết thúc năm cũ, chào đón năm mới với những mong muốn tốt đẹp hơn.

Tại sao Tết miền Tây lại kéo dài đến nửa tháng? - 3

Chợ Tết miền Tây nhộn nhịp người mua kẻ bán. Ảnh: (Sưu tầm)

Ở những khu vực thành thị, không ít người vẫn đi làm vào ngày Tết, nhiều hàng quán vẫn mở cửa buôn bán, phục vụ khách hàng. Nhưng ở các làng quê miền Tây, trong 3 ngày Tết đầu tiên, hầu như mọi người đều ngưng hết mọi công việc để tập trung ăn Tết. 

Công cuộc ăn Tết ở miền Tây kéo dài từ ngày mùng 1 đến hết ngày mùng 7 - ngày hạ niêu mới kết thúc. Trong suốt thời gian này, ít người nào ở nhà nghỉ ngơi mà hầu như đều đi thăm hỏi, chúc Tết bà con, làng xóm. Mọi người họp mặt, tụ tập cùng nhau ăn uống, trò chuyện, hát ca và lai rai với nhau vài ly rượu đế.

Đôi lúc, Tết miền Tây còn kéo dài hơn vì một số gia đình ăn Tết cho đến khi nào những bông hoa mai trước sân nhà rụng hết, trên cành bắt đầu đâm chồi, ra lá thì khi ấy mới trở lại với công việc.

Theo chia sẻ của Tiến sĩ Dương Hoàng Lộc, người miền Tây ăn Tết kéo dài bởi vì chịu ảnh hưởng văn hóa của nền nông nghiệp lúa nước. Tết Nguyên Đán là thời điểm vừa thu hoạch xong và chưa đến lúc gieo mùa vụ mới. Đây chính là lúc người nông dân được nghỉ ngơi sau một năm dài "bán mặt cho đất, bán lưng cho trời". 

Bên cạnh đó, tính cách đặc trưng của người miền Tây là rộng rãi, hào phóng, vui vẻ nên trong những dịp đặc biệt như ngày Tết cổ truyền thì việc "chơi xả láng" cũng là điều đương nhiên.