Sống trên mỏ "vàng đen" nhưng vẫn thiếu điện quanh năm, nghèo đói bủa vây

Huy Hoàng

(Dân trí) - Dù sống trên mỏ "vàng đen" khổng lồ, nhưng hàng triệu người dân Congo vẫn phải sống trong cảnh nghèo đói bủa vây, thậm chí không có điện.

Phía sau những căn nhà ở Tchicanou, ngôi làng nhỏ cách Pointe-Noire, trung tâm năng lượng của Cộng hòa Congo (quốc gia châu Phi) khoảng 40km, là đường ống dẫn dầu. Bên trên là đường dây điện cao thế. Cách đó không xa là tháp đốt khí hoạt động suốt ngày đêm với chức năng đốt hết khí thừa dẫn từ nhà máy điện.

Tuy nhiên, những biểu tượng mạnh mẽ này của ngành thương mại dầu khí Congo có ý nghĩa rất nhỏ với những người dân làng ở gần đó. Làng Tchicanou, nơi có khoảng 700 nhân khẩu, đến nay vẫn sống trong cảnh không điện.

Sống trên mỏ vàng đen nhưng vẫn thiếu điện quanh năm, nghèo đói bủa vây - 1
Congo là một trong những quốc gia có trữ lượng dầu mỏ lớn (Ảnh: EHN).

Khi màn đêm buông xuống, người dân phải chạy máy phát hiện để thắp sáng đèn, phục vụ nhu cầu sinh hoạt tối thiểu. Không hộ gia đình nào trong làng có điện lưới.

Ông Florent Makosso ngồi dưới gốc một cây chuối khổng lồ, bộc bạch: "Tôi đã 68 tuổi, nhưng đến giờ vẫn chưa biết điện là gì. Thời Congo còn là thuộc địa của Pháp, có lẽ ông bà, bố mẹ tôi còn sống tốt hơn thế này".

Sau khi giành độc lập vào năm 1958, Cộng hòa Congo đã trở thành nhà sản xuất dầu lớn trong khoảng 2 thập kỷ sau đó. Năm ngoái, doanh số bán của quốc gia này đạt trung bình 344.000 thùng/ngày, trở thành nhà xuất khẩu dầu thô lớn thứ 3 ở phía nam Sahara, chỉ sau Angola và Nigeria.

Ngoài ra, quốc gia này còn sở hữu mỏ khí đốt tự nhiên có trữ lượng lên tới 100 tỷ m3, nhiều hơn toàn bộ lượng khí tiêu thụ hàng năm của Đức - nền kinh tế lớn thứ 4 thế giới.

Bị gạt ra ngoài lề

Rất ít của cải "vàng đen" (tên gọi khác của dầu mỏ) mang lại sự thịnh vượng cho 5,5 triệu người dân đất nước. Theo số liệu của Ngân hàng Thế giới, khoảng một nửa trong số đó sống cảnh nghèo đói cùng cực.

Tchicanou được coi là biểu tượng của một cộng đồng phải chịu đựng mặt trái của thứ nhiên liệu hóa thạch này, mà không được hưởng lợi. Ngôi làng nhỏ nằm ở tuyến đường huyết mạch nối giữa cảng Pointe-Noire thuộc Đại Tây Dương và thủ đô Brazzaville.

Sống trên mỏ vàng đen nhưng vẫn thiếu điện quanh năm, nghèo đói bủa vây - 2
Nhiều người dân Congo vẫn phải sống trong cảnh thiếu điện (Ảnh: Globalpressjournal).

Dù có đường ống dẫn dầu và mạng lưới điện xây dựng qua làng Tchincanou với làng Bondi bên cạnh, nhưng giống như nhiều cộng đồng hẻo lánh khác, họ vẫn chưa được kết nối với mạng lưới điện quốc gia.

Ngôi làng không có đèn đường. Nguồn chiếu sáng lớn nhất đến từ tháp đốt khí của một nhà máy điện chạy bằng khí 487 megawatt gần đó.

"Cuộc sống ở đây là thách thức. Chúng tôi phải mua máy phát điện, vận hành rất đắt đỏ", ông Makosso nói.

Nếu không có điện thì TV cũng như các thiết bị điện khác chỉ là vật trang trí. Người dân trong làng rất vất vả để tìm cách bảo quản thực phẩm trong tủ lạnh.

Flodem Tchicaya, một người dân khác cho biết, khí đốt của nhà máy điện gây ô nhiễm, ảnh hưởng sức khỏe mọi người.

Bất bình đẳng

Ông Roger Dimina, 57 tuổi, cho rằng, việc phân bố nguồn điện ở Congo "không công bằng". Trên khắp đất nước, tỷ lệ điện khí hóa tại khu vực thành thị chưa đầy 40% nhà dân. Trong khi đó ở vùng nông thôn, cứ 10 ngôi nhà chưa tới một căn có điện.

Tại cuộc phỏng vấn gần đây trên "Depords de Brazzaville", tờ nhật báo duy nhất của thủ đô Brazzaville, Bộ trưởng Năng lượng Emile Ouosso cho biết, chính phủ nước này đưa ra mục tiêu phủ điện lưới đạt 50% vào năm 2030.

Sống trên mỏ vàng đen nhưng vẫn thiếu điện quanh năm, nghèo đói bủa vây - 3
Những đứa trẻ người Congo bên căn nhà sơ sài của mình (Ảnh: Reliefweb).

Trước đó, Ủy ban công lý hòa bình đang thực hiện chiến dịch "Điện lưới cho tất cả", tập trung vào những ngôi làng hẻo lánh ở khu vực Pointe-Noire.

Ông Brice Makosso, phó điều phối viên của chương trình, cho biết, chính phủ tuyên bố thặng dư ngân sách 700 tỷ franc CFA (hơn 1 tỷ USD) cho năm 2022 nhờ nguồn thu từ các công ty dầu khí. Theo ông, chỉ cần trích ra một khoản nhỏ trong số này đủ để kết nối điện lưới tới các ngôi làng. Theo ông, đây cũng là nghĩa vụ của các công ty dầu khí trong khu vực.