Sơn La thu hẹp khoảng cách giới, nâng cao vị thế phụ nữ dân tộc thiểu số

Hồng Anh

(Dân trí) - Các cấp, ngành tỉnh Sơn La đã thực hiện một loạt biện pháp nhằm thu hẹp khoảng cách giới, nâng cao vị thế và cơ hội cho phụ nữ dân tộc thiểu số tham gia các lĩnh vực xã hội.

Một trong những nguyên nhân quan trọng ảnh hưởng đến bình đẳng giới đó là tư tưởng trọng nam khinh nữ. Nhiều cặp vợ chồng dù đã có nhiều con gái nhưng vẫn cố sinh con trai cho bằng được. Ở nhiều bản làng dân tộc, những trẻ em gái bị xem nhẹ, coi thường ngay từ khi mới lọt lòng.

Anh Giàng A Tánh, huyện Vân Hồ, Sơn La cho biết, gia đình người H'Mông nào không có con trai thì sẽ rất vất vả. Vì vậy, cặp vợ chồng nào cũng mong muốn có con trai để làm chỗ dựa và đảm đương trọng trách thờ cúng trong nhà.

Sơn La thu hẹp khoảng cách giới, nâng cao vị thế phụ nữ dân tộc thiểu số - 1

Trẻ em gái ở huyện Mộc Châu, Sơn La (Ảnh: Lê Xuân Hải).

Nhận định tư tưởng trọng nam khinh nữ, bất bình đẳng giới còn tồn tại ở địa phương, đặc biệt là các vùng bản làng dân tộc, những năm qua, tỉnh Sơn La đã tổ chức nhiều hoạt động tuyên truyền thông qua các đoàn thể như hội phụ nữ, đoàn thanh niên, hệ thống trường học...

UBND tỉnh đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo các ngành, các địa phương lồng ghép hoạt động bình đẳng giới vì sự tiến bộ của phụ nữ trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của ngành, của địa phương.

Nhiều trường học ở Sơn La đã tổ chức các buổi ngoại khóa để tuyên truyền các kiến thức về bình đẳng giới, nhằm lan tỏa các kiến thức về bảo vệ quyền phụ nữ, trẻ em gái tới các em học sinh.

Các thầy cô giáo và các cấp ban ngành kỳ vọng, từ tầng lớp học sinh, câu chuyện về bảo vệ quyền lợi phụ nữ, trẻ em gái, nâng cao tiếng nói của phụ nữ dân tộc thiểu số, quyền kinh tế của phụ nữ dân tộc… sẽ lan tỏa mạnh mẽ trong cộng đồng.

Thực hiện công tác tuyên truyền những chính sách pháp luật về bình đẳng giới cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số, thời gian qua, tỉnh Sơn La đã tổ chức 26 hội nghị tuyên truyền. Đến nay trên địa bàn tỉnh Sơn La tỷ lệ hộ gia đình dân tộc thiểu số được tiếp cận những thông tin về bình đẳng giới đạt trên 80%.

Ngành y tế tỉnh đã thực hiện đề án Kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh trên địa bàn tỉnh Sơn La giai đoạn II (2021 - 2025). Các ban ngành tỉnh này cũng tích cực phối hợp với các cơ quan thông tấn báo chí, các tổ chức đoàn thể chính trị xã hội truyền thông những kiến thức về giới, bình đẳng giới.

Sơn La có khoảng 84% dân số là người dân tộc thiểu số. Dân tộc Thái chiếm trên 50%, H'Mông 15 %; Mường 7,01... Vì vậy, các cấp, ngành tỉnh này đã thực hiện một loạt biện pháp nhằm thu hẹp khoảng cách giới, nâng cao vị thế và cơ hội cho phụ nữ dân tộc thiểu số tham gia các lĩnh vực xã hội.

Cũng như nhiều địa phương khác, tỉnh này còn thành lập nhiều mô hình, câu lạc bộ phòng chống bạo lực gia đình, câu lạc bộ gia đình phát triển bền vững, các địa chỉ tin cậy ở cộng đồng.

Mục tiêu của các mô hình này là tập trung vào công tác tuyên truyền về bình đẳng giới, đóng góp mạnh mẽ vào việc giảm thiểu, thậm chí chấm dứt tình trạng bạo lực và xâm hại đối với phụ nữ và trẻ em.

Phụ nữ dân tộc các huyện Mường La, Thuận Châu, Quỳnh Nhai, Mộc Châu... được tham gia các hoạt động truyền thông, nâng cao nhận thức về bình đẳng giới. Các chị em được cung cấp thông tin, tài liệu, sản phẩm truyền thông, hoạt động tuyên truyền kỹ năng sống về giới và bình đẳng giới…