Tạo cơ hội phát triển kinh tế cho phụ nữ vùng biên, nâng cao bình đẳng giới
(Dân trí) - Nhiều năm qua, huyện Tràng Định tổ chức nhiều hoạt động hỗ trợ phụ nữ các dân tộc Tày, Nùng, Dao, Hoa, Mông… phát triển kinh tế, hướng tới nâng cao vị thế của người phụ nữ, thực hiện bình đẳng giới.
Tràng Định là một huyện miền núi biên giới của tỉnh Lạng Sơn. Huyện có 4 xã giáp biên, với đường biên giới dài trên 51km, có 2 cửa khẩu là Bình Nghi (xã Đào Viên) và Nà Nưa (xã Quốc Khánh).
Nhiều năm qua, huyện Tràng Định (Lạng Sơn) tổ chức nhiều hoạt động hỗ trợ phụ nữ các dân tộc Tày, Nùng, Dao, Hoa, Mông… phát triển kinh tế, hướng tới nâng cao vị thế của người phụ nữ, thực hiện bình đẳng giới.
Cụ thể, huyện đã tạo cơ hội để phụ nữ các dân tộc thiểu số tiếp cận với nguồn vốn vay của ngân hàng chính sách, giúp hỗ trợ sinh kế. Các ban ngành liên quan đã giải ngân nguồn vốn từ chương trình tin nhắn "Đồng hành cùng phụ nữ biên cương năm 2022".
Nguồn vốn được sử dụng để các chị em phụ nữ dân tộc thiểu số phát triển mô hình sinh kế trồng rừng với thời hạn vay là 36 tháng không tính lãi. Các trường hợp có hoàn cảnh khó khăn được tiếp cận đã thành lập được 1 tổ hợp tác trồng quế, hồi.
Huyện miền biên giới này cũng chú trọng đến công tác phát hiện và nhân rộng điển hình tiên tiến làm kinh tế giỏi, xây dựng gia đình hạnh phúc. Những tấm gương điển hình về làm kinh tế đã chia sẻ kinh nghiệm sản xuất, xây dựng gia đình tới những chị em phụ nữ dân tộc Tày, Nùng, Dao, Mông... trong vùng.
Hội phụ nữ huyện còn tạo điều kiện và giới thiệu cho phụ nữ dân tộc thiểu số tham dự các lớp tập huấn, các chương trình đào tạo ngắn ngày để nâng cao kiến thức và xây dựng ý tưởng khởi nghiệp, kinh doanh.
Ngoài những hoạt động thiết thực trên, Tràng Định còn vận động phụ nữ chuyển đổi cơ cấu kinh tế, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, phối hợp với các cơ quan liên quan mở các lớp chuyển giao khoa học kỹ thuật cho phụ nữ dân tộc. Đây là một trong những giải pháp giúp phụ nữ dân tộc cập nhật với thời cuộc.
Tại xã Vĩnh Tiến, các ban ngành phối hợp với trung tâm học tập cộng đồng xã tổ chức hướng dẫn, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật trên cây trồng…
Các xã Đào Viên, Đề Thám, Khánh Long, Tân Tiến phối hợp với trung tâm dịch vụ nông nghiệp huyện, trung tâm giáo dục thường xuyên huyện tổ chức tập huấn kỹ thuật trồng cây gỗ lớn, kỹ thuật trồng quế, hồi, trồng cây bí xanh thơm thu hút nhiều chị em phụ nữ tham gia.
Nhiều phụ nữ dân tộc đã vận dụng các chính sách và phát triển thương hiệu sản phẩm của riêng mình. Trong năm 2023, huyện có thêm 3 cơ sở kinh doanh có sản phẩm được công nhận đạt chuẩn OCOP 3 sao (sản phẩm khau nhục, sản phẩm bánh khảo nhân bí xanh, sản phẩm bánh khảo - bánh nướng). Hai trong số ba chủ cơ sở là phụ nữ dân tộc thiểu số.
Một vị lãnh đạo UBND huyện Tràng Định cho biết, việc nâng quyền kinh tế cho phụ nữ dân tộc nói riêng và phụ nữ ở Tràng Định nói chung sẽ góp phần thực hiện bình đẳng giới; tăng trách nhiệm, giảm gánh nặng chăm sóc và nội trợ của phụ nữ; thúc đẩy tiếng nói, vai trò của phụ nữ ở địa phương và cộng đồng…
Khi người phụ nữ có sự tự chủ về kinh tế, họ sẽ có tiếng nói trong gia đình, được người thân, xã hội coi trọng.
Việc phụ nữ dân tộc làm kinh tế giỏi cũng xóa bỏ định kiến giới và chứng minh một điều rằng, các chị em hoàn toàn có năng lực và có thể phát huy tốt khả năng của mình.