Rau, củ tự trồng có thực sự an toàn hơn rau mua ngoài chợ?
(Dân trí) - Theo các chuyên gia, nếu không đảm bảo về đất và nước tưới thì rau tự trồng cũng không thể coi là rau sạch.
Những năm gần đây, trào lưu làm vườn sân thượng, làm "nông dân giữa phố" nở rộ ở nhiều đô thị lớn. Giữa ma trận rau bẩn, rau "tắm" thuốc kích thích, tồn dư thuốc trừ sâu… tràn lan, nhiều người chỉ còn biết bảo vệ sức khỏe của mình bằng cách tận dụng từng khoảng đất chật chội tự trồng rau, củ quả.
Tại sân thượng của những ngôi nhà cao tầng, người dân trồng rau trong các hộp xốp, thùng sơn hay các khay tự chế làm từ tôn, bê tông. Các gia đình sống ở mặt phố thì tận dụng các khoảng đất trống ven đường hoặc quanh các gốc xà cừ, gốc sấu để trồng rau thơm, rau cải, rau đay.
Với những hộ gia đình ở chung cư, diện tích không cho phép, họ chủ yếu gieo vào các khay nhựa một vài loại rau ngắn ngày. Số rau này chỉ như "muối bỏ bể" so với nhu cầu các bữa ăn.
Nhiều gia đình ở chung cư khu vực ngoại thành thì thuê đất hoặc cải tạo các mảnh đất trống chưa sử dụng thành các vườn rau tạm.
Quanh khu vực hồ Tây (quận Tây Hồ), người dân tận dụng từng ô đất, hốc đá ở bờ kè ven hồ để gieo các loại rau muống, rau dền. Mỗi ô chỉ vừa đủ gieo một hai cây rau.
Có thể thấy ở khắp nơi những hình ảnh sinh động thể hiện nhu cầu về "cơn khát" rau sạch của dân phố thị. Tuy nhiên, nhiều người lại băn khoăn đặt câu hỏi, việc tự trồng rau như vậy có thực sự thu được nguồn rau sạch đúng nghĩa và đảm bảo an toàn?
Liên quan đến vấn đề này, trao đổi với PV Dân trí, PGS.TS. Nguyễn Duy Thịnh, nguyên Giảng viên Viện Công nghệ sinh học và Thực phẩm (Trường Đại học Bách Khoa Hà Nội) cho rằng, khi trồng rau cần quan tâm đến hai yếu tố đất và nước. Đất trồng ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng các loại rau.
Theo PGS. TS Nguyễn Duy Thịnh, thông thường ở các trang trại lớn, người chủ phải chọn đất, phân tích chất đất và xử lý, cải tạo đất trước khi trồng rau.
Ở quy mô gia đình, một số trường hợp sẽ mua đất sạch đã qua xử lý của các công ty về trồng trong các thùng, hộp hoặc mua đất ruộng đất phù sa về tự cải tạo.
Một số thì thường không nghĩ đến việc này. Họ gặp đất nào thì trồng đất ấy, trồng ở ven đường lớn, đường sắt… Nhiều nơi vốn dĩ mảnh đất từng là nơi đổ rác, chất thải, vật phẩm của người bị bệnh. Nếu rau trồng trên các khu đất này thì không thể đảm bảo an toàn.
"Khu vực đất ven đường nhựa, đường sắt, đất quanh các nhà máy xi măng, nhà máy sản xuất thép, nhà máy khai thác khoáng sản, cơ sở làm gốm, làm thủy tinh… thường có rất nhiều khói bụi. Bụi tồn tại trong không khí, khi rơi xuống đất sẽ làm cho đất nhiễm kim loại. Rau trồng trên các loại đất này sẽ dễ nhiễm kim loại, nhiễm chì...
Tôi được biết, những cánh đồng rau sạch đạt chuẩn không bao giờ ở cạnh các trục đường giao thông một cách tùy tiện. Ở những vùng rau an toàn như Bảo Lộc (Lâm Đồng) hay Sa Pa (Lào Cai), người ta còn trồng cây lớn xung quanh để chắn bụi…", PGS. TS Nguyễn Duy Thịnh nói.
Tương tự như vậy, nếu người dân sử dụng nguồn nước ô nhiễm như nước rãnh ven đường, nước quanh các khu công nghiệp, nước từ ao tù… để tưới thì rau tự trồng cũng không thể coi là sạch.
TS Từ Ngữ, Phó Chủ tịch, Tổng thư ký Hội dinh dưỡng Việt Nam thì cho rằng, hiện nay, người dân chỉ hiểu đơn thuần rau sạch là rau không tồn dư hóa chất. Cách hiểu đó chưa thật sự đầy đủ.
Theo TS Từ Ngữ, rau sạch phải được hiểu là rau không có vi khuẩn, ký sinh trùng; không có hóa chất, chất bảo quản thực phẩm.
Nếu rau có vi khuẩn, ký sinh trùng ăn vào sẽ gây tiêu chảy cấp tính. Dấu hiệu rất dễ phát hiện ra. Tuy nhiên, rau tồn dư thuốc trừ sâu, diệt cỏ lượng thấp thì không gây ngộ độc cấp nên người tiêu dùng khó có thể phát hiện ra ngay.
Nếu thường xuyên ăn những loại rau này thì việc tích lũy các chất có hại về lâu dài có thể làm tăng nguy cơ gây căn bệnh ung thư và các bệnh tật khác…
Trước thực trạng người dân nhiều nơi tận dụng đất ven đường, đất bỏ hoang để trồng rau, TS Từ Ngữ cho biết: "Nếu trồng rau ở ven đường nơi có đất tốt, không có xe cộ đi lại, nguồn nước sạch thì rau đó có thể coi là rau ăn được. Ngược lại nếu rau trồng ở ven đường xe đi lại nhiều, dùng nước cống rãnh tưới thì chắc rau đó không sạch", vị chuyên gia này nói.
Theo quan điểm cá nhân, vị tiến sĩ này cho rằng, rau sạch cần phải đảm bảo các tiêu chí: Trồng trọt chính vụ; canh tác bằng phương pháp hữu cơ và chú ý cả khâu thu hoạch, vận chuyển, bảo quản, chế biến; không dùng giống đã biến đổi gen...
Theo tìm hiểu của PV, hiện nay, để chăm sóc cho các vườn rau xanh tốt, tránh được sâu bệnh và đảm bảo sản lượng bán ra thị trường, nhiều nơi, người nông dân không thể không dùng tới các loại thuốc bảo vệ thực vật, phân bón.
Tuy nhiên việc sử dụng ra sao, hàm lượng tồn dư trong rau ở mức cho phép thế nào để không gây hại cho sức khỏe đều đã được quy định rõ.
Nói rõ hơn về điều này, TS Từ Ngữ phân tích: "Việc dùng chất hóa học trong canh tác sẽ không bao giờ gây hại cho sức khỏe nếu như tuân thủ đúng quy trình, theo khuyến cáo của nhà sản xuất (ví dụ sau phun thuốc 15 ngày mới được thu hoạch rau). Đây cũng là quãng thời gian để các chất hóa học bị phân rã, không gây hại cho sức khỏe".
Có thể thấy, những nỗ lực mà người dân đang thực hiện chỉ là giải pháp tạm thời trong "cơn khát" rau sạch. Đó không thể là giải pháp khả quan cho số đông các gia đình hiện nay.
Chính vì vậy, theo PGS. TS Nguyễn Duy Thịnh, các cơ quan quản lý Nhà nước cần quyết liệt hơn trong công cuộc bảo vệ sức khỏe người dân, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, kiểm soát gắt gao để không còn tình trạng rau trôi nổi gắn mác VietGAP vào siêu thị như vừa qua…
Đưa ra lời khuyên tới các gia đình đang tự trồng rau giữa phố, vị chuyên gia này nhắn nhủ: Nếu trồng rau ở quy mô nhỏ, quy mô gia đình, người dân có thể tính đến phương án mua đất sạch, đất mùn từ các công ty thu mua giống cây trồng. Nếu rau được tưới nước sạch nữa thì có thể tương đối an tâm sử dụng vì đảm bảo hai yếu tố về đất và nước.