Phóng viên báo Dân trí đoạt giải Nhất giải báo chí về môi trường

Hồng Anh

(Dân trí) - Loạt bài phản ánh thói quen xấu của người Việt khi sử dụng túi nilon, hoạt động thu gom, tái chế nhựa ở những thủ phủ rác quanh Hà Nội của báo Dân trí đã đoạt giải Nhất hạng mục Báo điện tử.

Sáng 29/3, tại Hà Nội, Quỹ Vì Tầm Vóc Việt (VSF) và Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế (IUCN) đã tổ chức hội thảo "Tăng cường vai trò của báo chí trong giảm thiểu ô nhiễm rác thải nhựa" và Lễ trao giải thưởng báo chí "Nữ phóng viên tiên phong vì môi trường".

Bên cạnh việc tổng kết những kết quả đạt được của dự án "Phóng viên nữ hành động giảm thiểu rác thải nhựa và ô nhiễm nhựa", ban tổ chức đã trao 11 giải thưởng cho các nữ phóng viên và nhóm phóng viên có tác phẩm xuất sắc về chủ đề môi trường.

Loạt bài phản ánh thói quen xấu của người Việt khi sử dụng túi nilon, hoạt động thu gom, tái chế nhựa, sản xuất túi nilon ở những thủ phủ rác quanh Hà Nội  như Bắc Ninh, Hưng Yên… của hai tác giả Phạm Hồng Hạnh và Toàn Vũ,  báo Dân trí đã đoạt giải Nhất hạng mục Báo điện tử.

Loạt bài ghi nhận hình ảnh những núi nilon ngồn ngộn thải ra từ bãi rác dân sinh, rác của các công ty điện tử, may mặc, rác từ nước ngoài nhập về… qua những quy trình thô sơ bẩn thỉu, những chiếc túi nilon mới tinh lại được ra lò trở về với đời sống, phục vụ mọi nhu cầu người dùng.

Phóng viên báo Dân trí đoạt giải Nhất giải báo chí về môi trường - 1

Hình ảnh trong loạt bài đạt giải của phóng viên Dân trí (Ảnh: Toàn Vũ).

Qua loạt bài, nhóm phóng viên truyền đi thông điệp giúp người dân nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường, hạn chế sử dụng túi nilon; hiểu được sự nguy hại nếu sử dụng túi nilon bẩn đựng thực phẩm. Các tác giả cũng gợi mở những giải pháp sử dụng các sản phẩm thân thiện với môi trường giúp giảm thiểu rác thải nhựa. Loạt bài cũng đưa ra những bất cập về chính sách, quản lý làng tái chế.

Theo ban tổ chức, giải thưởng là sự ghi nhận những thành tựu, đóng góp của các nhà báo, phóng viên, biên tập viên trong sự nghiệp bảo vệ môi trường, phổ biến và khuyến khích cộng đồng thực hiện trách nhiệm của mình trong việc bảo vệ môi trường.

Tại phần tọa đàm "Tăng cường vai trò của báo chí trong giảm thiểu ô nhiễm rác thải nhựa", các đại biểu đã chỉ ra thực trạng báo động về ô nhiễm rác thải nhựa hiện nay.

Theo một báo cáo năm 2018 của Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP), mỗi năm thế giới sản xuất 400 triệu tấn nhựa. Tuy nhiên, theo ước tính khoảng 79% lượng rác thải nhựa trên thế giới đều thải ra bãi rác/chôn lấp hoặc thải ra môi trường, 12% đốt tại các lò rác và chỉ 9% được tái chế.

Với mức tiêu thụ nhựa như hiện nay và hiện trạng quản lý rác thải nhựa không được cải thiện, thì đến 2050 trên thế giới sẽ có khoảng 12 tỷ tấn rác thải nhựa bị thải ra bãi rác/chôn lấp và môi trường tự nhiên.

Việt Nam là một trong những quốc gia có lượng rác thải nhựa nhiều nhất trên thế giới. Khối lượng rác thải nhựa từ Việt Nam ra biển dao động trong khoảng 0,28-0,73 triệu tấn/năm và đứng thứ 4 trên 20 quốc gia cao nhất.

Nhận thức được nguy cơ nghiêm trọng của rác thải nhựa đối với môi trường và con người, Nhà nước đã ban hành nhiều chính sách nhằm giảm thiểu ô nhiễm rác thải nhựa.

Báo chí cũng đóng một vai trò quan trọng trong việc nâng cao nhận thức, thúc đẩy các sáng kiến, giải pháp, chỉ ra những vấn đề còn tồn đọng cũng như hỗ trợ thực thi chính sách ở các cấp độ khác nhau liên quan đến ô nhiễm rác thải nhựa.

Phóng viên báo Dân trí đoạt giải Nhất giải báo chí về môi trường - 2

Phóng viên báo Dân trí đoạt giải Nhất loại hình Báo điện tử (Ảnh: Hồng Anh).

Hiện nay, chỉ với một lệnh tìm kiếm trên mạng về chủ đề ô nhiễm rác thải nhựa tại Việt Nam, có đến 1,3 triệu tin/bài/phóng sự kết quả được tìm thấy trong vòng 0,43 giây. Con số này cho thấy lượng thông tin truyền thông về ô nhiễm rác thải nhựa là lớn và dễ tiếp cận.

Tuy nhiên, vấn đề ô nhiễm rác thải nhựa tại Việt Nam vẫn còn nhiều bất cập, tác động về mặt nhận thức và thay đổi hành vi của một bộ phận cộng đồng vẫn còn hạn chế. 

Tham gia hội thảo này, đại diện các đơn vị quản lý Nhà nước về môi trường; các nhà báo và các cơ quan báo chí/ truyền thông, doanh nghiệp; các tổ chức, nhà nghiên cứu, mạng lưới hoạt động trong lĩnh vực môi trường đã cùng nhau đóng góp giải pháp cho các phóng viên trong truyền thông về rác thải nhựa.

Bên cạnh đó, các đại biểu tham gia còn nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tăng cường cơ chế hợp tác giữa các bên liên quan trong việc giảm ô nhiễm nhựa và rác thải nhựa.

Bà Trần Thị Như Trang, Giám đốc Quỹ Vì tầm Vóc Việt cho biết: "Chúng tôi mong muốn những ý kiến đóng góp và các giải pháp hiệu quả trong truyền thông về rác thải nhựa của các khách mời sẽ mở ra nhiều chủ đề khai thác cho các phóng viên.

Từ đó, việc truyền thông về môi trường được thực hiện hiệu quả hơn, từng bước thay đổi nhận thức của người dân và hình thành thói quen về lối sống phát triển bền vững".

Dự án "Phóng viên nữ hành động giảm thiểu rác thải nhựa và ô nhiễm nhựa" do VSF khởi xướng và là đại diện duy nhất của Việt Nam được nhận tài trợ từ Mạng lưới Báo chí Toàn cầu (Earth Journalism Network) năm 2022.  

Giải thưởng "Nữ phóng viên tiên phong vì môi trường" là một trong 10 hoạt động của dự án. Ngoài giải Nhất hạng mục Báo điện tử trao cho phóng viên Dân trí, Ban tổ chức đã trao giải Nhất hạng mục Báo in cho tác phẩm "Phụ nữ thu gom, phân loại và xử lý rác thải tại nguồn" của nhóm tác giả báo Phụ nữ Thủ đô; giải Nhất hạng mục Báo truyền hình cho tác phẩm "Đại dương không rác nhựa" của nhóm tác giả VTV; giải Nhì hạng mục Báo Phát thanh cho tác phẩm "Tiến sĩ Trang Nguyễn và tiếng gọi của hoang dã" của tác giả  đài VOV1... cùng nhiều giải thưởng danh giá khác.