Đối thoại về "khoảng trống chính sách" liên quan đến rác thải nhựa
(Dân trí) - Theo PGS. TS Nguyễn Huy Nga, thách thức lớn nhất của Việt Nam hiện nay là phải thu hẹp khoảng cách từ chính sách đến thực tế để xử lý chất thải nhựa và phát triển nền công nghiệp tái chế.
Ngày 28/2, tại Hà Nội, Quỹ Vì Tầm Vóc Việt (VSF) đã tổ chức buổi tọa đàm "Đối thoại về nhựa và rác thải nhựa - Khoảng trống chính sách cần thu hẹp".
Buổi tọa đàm tổ chức với mục đích chia sẻ thông tin về thực trạng về ô nhiễm nhựa, rác thải nhựa tại Việt Nam và ảnh hưởng của rác thải nhựa tới sức khỏe con người.
Tại buổi đối thoại, PGS. TS Nguyễn Huy Nga - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Môi trường Sức khỏe (CHERAD), nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho hay, trong những năm qua, lượng rác thải nhựa ở Việt Nam tăng rất mạnh. Lý do là bởi các đồ dùng làm từ nhựa có giá thành rẻ, tiện lợi nên được dùng phổ biến trong đời sống.
Việt Nam là một trong những quốc gia xả rác ra đại dương nhiều nhất thế giới. Ông Nga nói: "Tôi vừa đi Philippines về. Bãi biển của họ không có rác thải nhựa. Du khách tới các bãi biển của đất nước này rất nhiều. Nước ta có nhiều bãi biển đẹp. Tuy nhiên, nơi nào cũng có rác thải. Tình trạng này vừa ảnh hưởng tới môi trường, sức khỏe cộng đồng, vừa ảnh hưởng đến du lịch Việt Nam. Bãi biển dù trong, đẹp đến mấy nhưng nhìn thấy rác thải, túi nilon, chai lọ khắp nơi, chắc chắn sẽ chẳng có du khách nào muốn quay lại lần nữa".
Vị chuyên gia này cho biết, rác thải nhựa khi thải ra môi trường sẽ dễ biến thành vi nhựa và đi vào vòng dây chuyền thực phẩm: Từ đất đai lên cây trồng; từ nước ngấm vào thực phẩm như động vật, hải sản… Những chất độc từ vi nhựa qua thực phẩm ăn vào sẽ làm biến đổi hệ thống chức năng trong cơ thể, phá vỡ chức năng miễn dịch, gây ra nhiều loại bệnh về tim mạch, thận, nội tiết, đặc biệt là ung thư.
"Ở nữ là ung thư vú, nam giới là ung thư tuyến tiền liệt hay ung thư gan, thậm chí các bệnh trầm trọng khác liên quan biến đổi gen. Đó là sự nguy hại cho nhân loại và con người", ông Nga nhấn mạnh.
Cũng theo chuyên gia này, thách thức lớn nhất của Việt Nam hiện nay là phải thu hẹp khoảng cách từ chính sách đến thực tế để xử lý chất thải nhựa và phát triển nền công nghiệp tái chế. Hiện đã có nhiều quy định, chính sách về vấn đề này nhưng thực tế chưa triển khai được.
Chia sẻ tại sự kiện, bà Kim Thúy Ngọc - Trưởng phòng Kế hoạch Hợp tác Quốc tế, Viện Chiến lược chính sách tài nguyên và môi trường (ISPONRE) - Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, hệ thống chính sách, pháp luật về quản lý chất thải tiếp tục được hoàn thiện, đặc biệt sau khi Luật Bảo vệ môi trường 2020 được thông qua.
Theo bà Ngọc, trong Đề án tăng cường công tác quản lý chất thải nhựa ở Việt Nam (Quyết định số 1316/QĐ-TTg), Việt Nam phấn đấu đến năm 2025 sử dụng 100% túi nilon, bao bì thân thiện với môi trường tại các trung tâm thương mại, siêu thị phục vụ cho mục đích sinh hoạt thay thế cho túi nilon khó phân hủy; đảm bảo thu gom, tái sử dụng, tái chế, xử lý 85% lượng chất thải nhựa phát sinh; giảm thiểu 50% rác thải nhựa trên biển và đại dương.
Đề án cũng phấn đấu 100% các khu du lịch, các cơ sở lưu trú du lịch, các khách sạn không sử dụng túi nilon khó phân hủy và sản phẩm nhựa dùng một lần; giảm dần mức sản xuất và sử dụng túi nilon khó phân hủy và sản phẩm nhựa dùng một lần trong sinh hoạt.
Để thực hiện lộ trình này, Nhà nước đã có các chính sách khuyến khích, thúc đẩy hoạt động tái chế chất thải như: Ưu đãi về đất đai, ưu đãi, hỗ trợ về vốn đầu tư, ưu đãi về thuế, phí và lệ phí và trợ giá sản phẩm, dịch vụ về bảo vệ môi trường. Công cụ kinh tế cho các hoạt động bảo vệ môi trường đã được quy định trong Luật Bảo vệ Môi trường năm 2020 và Nghị định 08.
Hệ thống chính sách về rác thải nhựa liên tục được bổ sung, song bà Ngọc cũng chỉ ra những hạn chế. Đó là việc thiếu các hướng dẫn cụ thể để có thể tiếp cận đến các ưu đãi; thiếu các hướng dẫn về lựa chọn công nghệ tái chế, xử lý chất thải rắn; thiếu tiêu chuẩn, quy chuẩn đối với các sản phẩm tái chế….
Trong buổi đối thoại, các phóng viên là thành viên mạng lưới "Phóng viên nữ hành động giảm thiểu rác thải nhựa và ô nhiễm nhựa" cũng chia sẻ những câu chuyện thực tế từ các chuyến tác nghiệp về vấn đề môi trường, những khó khăn, thách thức gặp phải khi thu thập tư liệu về rác thải nhựa.
Tô Ly