Phi tần, mỹ nữ thời phong kiến Trung Quốc tránh thai như thế nào?

Huy Hoàng

(Dân trí) - Sau khi được vua "lâm hạnh", tùy theo ý chỉ của Hoàng đế, nếu phải bỏ, các phi tần cần dùng những biện pháp tránh thai nhằm tránh có con ngoài ý muốn.

Theo các tài liệu cổ ghi lại, sau khi được vua "sủng ái", nhằm tránh những hậu quả khó lường về sau, hầu hết các phi tần, cung phi thời phong kiến Trung Hoa thường bị ép dùng các biện pháp tránh thai "đáng sợ".

Mỹ nhân ở hậu cung phải tránh thai

Rất nhiều nguyên nhân dẫn tới việc các phi tần trong chốn hậu cung buộc phải tránh thai.

Hậu cung là nơi có hàng trăm cung tần, phi tần. Để tranh giành sự sủng ái của Hoàng đế và thoát khỏi số phận cô quạnh trong cung, họ luôn trong "cuộc đua" kịp sinh con với vua trước khi nhan sắc bị phai nhạt.

Nếu Hoàng đế không thích hoặc cảm thấy vị phi tần có mục đích xấu sẽ yêu cầu thái giám ép buộc mỹ nhân của mình tránh thai.

Phi tần, mỹ nữ thời phong kiến Trung Quốc tránh thai như thế nào? - 1
Phi tần chốn hậu cung phải dùng nhiều biện pháp để tránh thai (Ảnh: News).

Thứ hai, nếu vị vua trong một triều đại có quá nhiều con dễ dẫn tới chuyện tranh quyền đoạt vị, giết hại lẫn nhau để giành ngôi báu. Sử sách Trung Hoa từng ghi lại những cuộc tàn sát đẫm máu Hoàng tộc, nhiều Hoàng huynh quay lưng với nhau nhằm nắm quyền cao nhất.

Trong đó, nổi cộm nhất là sự kiện tranh quyền lực Huyền Vũ Môn (618-907) giết anh em ruột để cướp ngôi. Việc tránh thai sẽ giúp Hoàng đế dễ chọn người kế vị hơn.

Và một nguyên nhân quan trọng khác đó là, các Hoàng đế luôn phải tuân theo quy tắc Hoàng gia, tránh hoang dâm vô độ để lại tai tiếng truyền cho đời sau.

Mỗi lần vua sủng ái đều được Sử quan ghi chép cẩn thận. Nếu phi tần tránh thai, Hoàng đế có thể yên tâm "hưởng lạc" mà không lo tiếng xấu "gieo rắc giống nòi bừa bãi".

Những phương pháp tránh thai phổ biến chốn hậu cung

Đây là những biện pháp tránh thai chủ yếu được sử sách ghi lại.

Bấm huyệt

Phi tần, mỹ nữ thời phong kiến Trung Quốc tránh thai như thế nào? - 2
Các phi tần phải tránh thai bằng nhiều biện pháp đáng sợ (Ảnh minh họa Sohu).

Biện pháp đầu tiên là "bấm huyệt đạo". Thời nhà Thanh (1616-1912), các Hoàng đế càng thận trọng hơn trong việc yêu cầu phi tần tránh thai.

Theo "Sử ký - Đại tông sư", khi vua ân sủng phi tần, các thái giám phải quỳ gối đợi lệnh chờ ý chỉ. Nếu Hoàng đế nói giữ, phi tần không cần tránh thai nữa và thời gian "lâm hạnh" được Sử quan ghi chép lại làm bằng chứng.

Trong trường hợp Hoàng đế bảo bỏ, thái giám sẽ bấm nhẹ vào "huyệt hậu môn" của phi tần để "long tinh - tinh trùng" chảy ra ngoài. Tuy nhiên, tài liệu cổ không ghi lại cụ thể biện pháp này hiệu quả ra sao.

Xạ hương

Phương pháp thứ 2 được nhiều phi tần sử dụng là "tránh thai bằng xạ hương", tức là nhét xạ hương vào rốn. Thời Trung Quốc cổ đại quan niệm rằng, xạ hương không chỉ giúp phụ nữ có mùi hương cơ thể hấp dẫn, mà còn là biện pháp tránh thai hiệu quả.

Phi tần, mỹ nữ thời phong kiến Trung Quốc tránh thai như thế nào? - 3
Ảnh tư liệu về các phi tần nhà Thanh (Ảnh: Zazhi).

Lịch sử Trung Hoa ghi lại, hai mỹ nhân nổi tiếng Triệu Phi Yến và Triệu Hợp Đức từng dùng phương pháp này. Nhưng việc dùng xạ hương tránh thai đã bị thất truyền. Được biết, biện pháp này cũng được các cô gái chốn lầu xanh sử dụng với mong muốn có mùi thơm quyến rũ và da dẻ mịn màng.

Dùng nhụy hoa nghệ tây

Sử sách Trung Quốc ghi chép, dùng nhụy hoa nghệ tây rửa sạch vùng kín giúp loại bỏ "long tinh" trong người. Phương pháp tránh thai này từng được áp dụng vào thời loạn lạc Ngũ Đại Thập Quốc (907-960). 

Uống độc dược

Phi tần, mỹ nữ thời phong kiến Trung Quốc tránh thai như thế nào? - 4
Tạo hình phi tần thời phong kiến trong một thước phim cổ trang Trung Quốc (Ảnh: News).

Ở nhiều nền văn minh từ Ai Cập, Hi Lạp cổ đại cho tới thời phong kiến Trung Quốc, phụ nữ được khuyên uống thủy ngân để tránh có thai.

Nước trà dùng để tránh thai cho phi tần, cung nữ thường được cho một lượng thủy ngân nhỏ. Cách này không trực tiếp gây chết người, nhưng mang lại hiệu quả. Tuy nhiên, sau một thời gian sử dụng những phi tần đó sẽ tử vong.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm