Phản cảm trào lưu nhảy nhót "sốc, độc, hại" sống ảo trên TikTok

Tô Sa

(Dân trí) - Các trào lưu TikTok đã vượt ra khỏi những động tác vũ đạo đơn giản và nâng cấp thành những trò đùa, các tình huống trêu chọc, thậm chí những trào lưu độc hại.

Những trào lưu phản cảm trên TikTok

Thời gian qua, trào lưu (trend) "đi chợ với 5.000 đồng" đang dẫn đầu xu hướng trên TikTok. Một số TikToker thực hiện thử thách mua thịt lợn, gà,… chỉ với 5.000 đồng khiến nhiều người bán hàng khó chịu.

Trend này xuất phát từ một bà nội trợ sống tại TPHCM, khi chị này đăng tải video nấu những bữa cơm "siêu tiết kiệm" dưới 20.000 đồng, thu về hàng triệu lượt xem.

Trước đó, dàn TikToker "tấn công" sân bay, đe dọa an toàn hàng không, cũng bị dư luận lên án gay gắt.

Một Tiktoker nổi tiếng kéo tấm chắn che cửa sổ khi máy bay đang cất cánh để ghi lại khung cảnh bên ngoài trong suốt hành trình. Đoạn video "viral" chóng mặt trên nền tảng mạng xã hội này dẫn đến hệ quả là nhiều người dùng khác cũng bắt chước, khiến Cục Hàng không phải lên tiếng cảnh báo.

Phản cảm trào lưu nhảy nhót sốc, độc, hại sống ảo trên TikTok - 1

Trào lưu đi chợ 5.000 đồng đang gây phản cảm và tranh cãi trên mạng xã hội (Ảnh chụp màn hình).

Một vài ngày sau, TikTok lại xuất hiện video một cô gái nhảy múa trên đường băng sân bay khi máy bay đang di chuyển. Sự việc xảy ra vào tháng 6 tại sân bay Phú Quốc, được đánh giá rất liều lĩnh, nguy hiểm, ảnh hưởng đến tính mạng của bản thân và hàng trăm hành khách trên máy bay.

Chưa dừng lại, ngày 23/7, một nữ TikToker khác gây chú ý khi ngồi trên băng chuyền tại đảo hành lý sân bay. Hành động không chỉ phản cảm, mà có thể gây hỏng hóc thiết bị, cản trở hoạt động của sân bay, thậm chí gây nguy hiểm cho bản thân.

Thậm chí, để tránh bị các TikToker làm phiền, nhiều quán ăn, nhà hàng đã phải treo biển từ chối tiếp các "nhà làm nội dung" đến làm bài trải nghiệm để đăng tải lên mạng "câu like". 

Phản cảm trào lưu nhảy nhót sốc, độc, hại sống ảo trên TikTok - 2

Nữ TikToker nổi tiếng đặt điện thoại bên ngoài tấm che cửa sổ máy bay

Nguyễn Quỳnh, 22 tuổi, nhận xét các trào lưu gần đây trên rất phản cảm khi người trẻ lạm dụng TikTok và cố gắng "đu trend".

"Từ chuyện các TikToker 'làm loạn' sân bay, đến trào lưu đi chợ 5.000 đồng, cho thấy nền tảng này xuất hiện nhiều thông tin 'rác' mà người xem cần biết chọn lọc", Quỳnh nói.

Lê Hân, 26 tuổi, cho rằng cơ quan chức năng cần xử lý nghiêm những TikToker đe dọa an toàn hàng không. Theo Hân, việc mỗi cá nhân thể hiện cái tôi, khả năng sáng tạo và sự tự tin đều được khuyến khích. Tuy nhiên, họ cần sáng tạo một cách văn minh, phù hợp với hoàn cảnh, điều kiện thực tế và đúng quy định, pháp luật.

"Giới trẻ bây giờ đua nhau làm TikToker, bất chấp những nội dung độc hại, chỉ với mục đích câu view. Những điều vô bổ sẽ ngấm ngầm ảnh hưởng rất lớn và sâu rộng tới trẻ em, nhất là lứa tuổi thiếu niên", Hân chia sẻ.

Cần kiểm soát các video độc hại trên mạng

Trao đổi với PV Dân Trí, PGS.TS tâm lý Trần Thành Nam nhận định, Tiktok có đầy đủ các mặt tích cực và hạn chế của một mạng xã hội. Ngoài những bằng chứng về nguy cơ gây nghiện, bị theo dõi thu thập thông tin, bị bắt nạt hoặc quấy rối thì việc nở rộ những trào lưu độc hại và nhảm nhí cũng là một vấn đề lớn.

Theo ông Nam, trên thực thế, các trào lưu TikTok đã vượt ra khỏi những động tác vũ đạo đơn giản và nâng cấp thành những trò đùa, các tình huống trêu chọc. Mặc dù phần lớn các nội dung trên TikTok có tính sáng tạo cao nhưng cũng tiềm ẩn nhiều trào lưu nguy hiểm, nhảm nhí gây phiền cho người khác chỉ nhằm mục đích "câu view".

Vị chuyên gia phân tích, TikTok ở Việt Nam đang dần chiếm ưu thế so với các mạng xã hội khác. Theo số liệu đến tháng 2/2022 đã có 39,91 triệu tài khoản và việc quảng cáo trên nền tảng này đang tiếp cận đến 55,6% tổng số những người dùng Internet bất kể độ tuổi.

Do đó, việc duy trì sự chú ý của công chúng trên nền tảng này là một trong những áp lực với những TikToker để bán hàng hoặc phát triển sự nghiệp theo hướng sáng tạo nội dung.

"Nhiều trào lưu mới lạ bất kể phản cảm không phù hợp ra đời, như "đi chợ 5K", "săn mây trên máy bay" hay "nhảy nhót ở bãi đỗ sân bay"… gây phiền phức thậm chí khó chịu và mất an toàn cho những người khác.

Thế giới cũng đã ghi nhận nhiều trường hợp tử vong do bắt chước các trào lưu trên TikTok như thử thách ngất xỉu, chạy qua đường khi ô tô đang chạy…", ông Trần Thành Nam nói.

Phản cảm trào lưu nhảy nhót sốc, độc, hại sống ảo trên TikTok - 3

Một cô gái khác nhảy múa ở sân đỗ trong khi máy bay đang di chuyển

Anh Đinh Văn Nam - một người dùng TikTok cho hay, trên mạng xã hội này, số lượng video mang giá trị thông tin tồn tại song song với những video "rác". Tuy nhiên, số lượng video "rác" có vẻ áp đảo hơn hẳn.

Theo anh, những video thành "trend" thời gian này đều là những hành động nguy hiểm hoặc nhảm nhí cần phải hạn chế phát tán, nhưng đều có hàng triệu lượt xem và tiếp cận.

"Bản thân TikTok cũng có vấn đề khi dung túng cho những nội dung này. TikTok không can thiệp vào nội dung của video nhưng có toàn quyền về việc phân phối video đó. Nó tiếp cận được với nhiều người hay ít người hoàn toàn do mạng xã hội này quản lý. Thậm chí, TikTok cũng có đội ngũ kiểm duyệt (bao gồm cả người và sử dụng công nghệ) nhưng sự yếu kém đã dẫn đến việc để những nội dung 'rác' lan truyền", anh phân tích.

Anh Nam cho rằng, các TikToker thường bất chấp mọi thứ, miễn sao nội dung độc lạ và quan trọng là nhiều "view" (lượt xem). Người xem thì dễ dãi, có xu hướng bắt chước cao.

Để là người sử dụng TikTok thông minh, anh khuyến cáo, người dùng chỉ nên xem đây là công cụ giải trí, còn những thông tin tham khảo cần được kiểm tra lại. Họ cũng nên thay đổi thói quen sử dụng để tránh lạm dụng và "sa ngã" vào những nội dung không tốt.

"Với nhà sáng tạo nội dung, 'view' thường là mục tiêu cuối cùng hướng đến. Trên con đường ấy, việc 'bắt trend' là điều không thể tránh nhưng chọn lọc trend như thế nào, tiếp cận ra sao thì lại là chuyện khác. Tôi tin rằng mạng xã hội nào cũng có sự thanh lọc và kết quả là, chỉ những nội dung có chất lượng mới giữ chân được người xem.

Các nhà quảng cáo, đơn vị tài trợ cũng sẽ chỉ sẵn sàng bắt tay với những người làm nội dung 'sạch'. Khán giả, người xem cũng sẽ ngày càng khắt khe hơn", anh Nam nói.

Hiện nay tại Việt Nam, độ tuổi sử dụng TikTok rất trẻ, được quy định phải từ đủ 13 tuổi trở lên, trách nhiệm lúc này thuộc về bố mẹ và người quản lý.

PGS.TS tâm lý Trần Thành Nam cho biết, những trào lưu biến tướng trên TikTok gây hại cho trẻ em về thể chất lẫn tinh thần khi tiếp cận TikTok quá sớm. Nếu trẻ bắt chước trend, có nguy cơ bị thương hoặc tệ hơn là tử vong.

Với đặc điểm vùng vỏ não trán trước chưa phát triển đầy đủ, dẫn đến năng lực phân tích, tự kiểm soát và ức chế hành vi xung động kém, trẻ em thường dễ tin và nhanh chóng thử những gì chúng thấy trực tuyến, đặc biệt khi trẻ thấy bạn bè xung quanh cũng thử những xu hướng TikTok đó.

"Nhiều phụ huynh thì có vẻ rất lạc quan và chủ quan với các công cụ giúp họ trông con như YouTube hay TikTok. Họ cho rằng những trào lưu vui vẻ chẳng có hại gì hoặc tự tin rằng con họ ngoan, chẳng bao giờ tự đi thử các trò vô bổ đó", vị chuyên gia nói. 

Ông khuyến cáo, cha mẹ cần ý thức rằng không thể để con tự do xem TikTok, vì não bộ của trẻ chưa phát triển hoàn thiện. Trẻ thậm chí dễ bị ảnh hưởng bởi áp lực từ bạn bè khi thực hiện một thử thách TikTok mới nguy hiểm mà chúng ta không biết được.

Theo ông, nếu cha mẹ không thể luôn ở bên con giám sát 24/24 giờ thì ít nhất hãy sử dụng các ứng dụng công nghệ để đảm bảo con mình không tiếp cận với những nội dung nguy hiểm.