PGĐ Tân Hiệp Phát nói về việc xây tặng dân nghèo 12 cây cầu
Những ngày gần đây, dư luận nhắc nhiều đến Tân Hiệp Phát qua chiến dịch “Tết mở lời, khởi đầu mới” cũng như các thảo luận xung quanh hoạt động từ thiện xã hội của Tập đoàn này. Bà Trần Uyên Phương, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Number 1 – Tân Hiệp Phát đã trả lời báo chí một số thông tin về vấn đề này.
Xin bà cho biết, đến thời điểm này, Tân Hiệp Phát đã xây được bao nhiêu cây cầu, ở đâu và tổng giá trị bao nhiêu?
Chương trình “Nhịp cầu ước mơ” là một ý tưởng mà chúng tôi ấp ủ tâm huyết trong nhiều năm, và cho cuối năm 2015 khi điều kiện chín muồi thì chúng tôi mới bắt đầu thực hiện với sự giúp đỡ của Kênh truyền hình VTC9.
Đây là sáng kiến xây dựng cầu dây văng cho các xã nghèo ở vùng sâu vùng xa nhằm giải quyết nhu cầu đi lại cho hàng trăm ngàn người dân, giúp người dân thoát nghèo bền vững.
Hiện nay, chúng tôi đã xây xong 12 cây cầu tập trung tại các tỉnh Đồng bằng Sông Cửu Long, cụ thể như Tiền Giang, An Giang, Cần Thơ, Đồng Tháp, Long An, Bến Tre, Vĩnh Long, Kiên Giang, Hậu Giang, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau.
Tổng số tiền xây 12 cây cầu đầu tiên này khoảng 8 tỷ đồng, và chúng tôi dự kiến tiếp tục xây cầu mới cho những vùng khó khăn – nơi mà sự giúp đỡ của chúng tôi mang lại ý nghĩa thiết thực nhất.
Vì sao Tân Hiệp Phát lại chọn xây cầu mà không phải là một loại hình nào khác?
Để giúp đỡ cộng đồng thì có rất nhiều cách và nhiều ý tưởng. Đồng bằng sông Cửu Long là một vùng đất đặc biệt, gắn liền với sông nước, kênh rạch và những người dân chịu thương chịu khó. Lựa chọn cách xây cầu, ai cũng hiểu việc này không chỉ giúp dân nghèo có con đường để đi, không phải lội nước mà còn giúp họ dễ dàng buôn bán, lưu thông hàng hóa, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội các vùng đất đó. Và đó là vì sao chương trình “Nhịp cầu ước mơ” ra đời.
Tân Hiệp Phát dường như đang tập trung nỗ lực từ thiện vào chương trình Nhịp cầu ước mơ?
“Nhịp cầu ước mơ” chỉ là một trong số nhiều chương trình thể hiện trách nhiệm xã hội mà chúng tôi tham gia và tham gia từ giai đoạn đề xuất giải pháp. Từ giai đoạn đầu thành lập, THP đã hỗ trợ và đồng hành với nhiều hoạt động thể thao như các giải đua xe đạp, điền kinh, leo núi, các giải võ thuật… Bên cạnh đó, Tập đoàn tham gia tài trợ nhiều hoạt động văn hóa tinh thần, biểu diễn nghệ thuật phục vụ xã hội.
Các hoạt động hỗ trợ trực tiếp cũng được Tân Hiệp Phát quan tâm, ví dụ như đến nay đã có hàng trăm cặp bò được Tân Hiệp Phát gửi tặng đến tay người dân, chưa kể đến dự án cung cấp hàng trăm ngàn lít nước sạch mỗi ngày cho đồng bào hán hán nhiễm mặn, hay các chương trình Về Quê, Cùng Em Đến Trường, Biển Đảo Quê Hương và Trái Tim Cho Em, Tập đoàn Tân Hiệp Phát cùng Quỹ Tấm lòng Việt thực hiện ít nhất 16 hoạt động thiện nguyện mỗi tháng.
Chương trình Nhịp Cầu Ước Mơ được khởi xướng nhằm giải quyết nhu cầu đi lại của người dân, góp phần giúp họ thoát nghèo bền vững, trong đó Tân Hiệp Phát là đơn vị tài trợ toàn bộ kinh phí xây cầu.
Làm công tác từ thiện, chăm sóc cộng đồng, THP nhằm mục đích gì?
Có trách nhiệm đối với cộng đồng và xã hội là một trong những giá trị cốt lõi, là triết lý trong văn hóa kinh doanh của Tân Hiệp Phát. Khi đã coi là triết lý, là văn hóa thì nó không có tính mục đích ngắn hạn. Chúng tôi mong muốn truyền triết lý đó vào trong từng suy nghĩ, hành động của lãnh đạo và mỗi nhân viên.
Thưa bà, đang có thông tin băn khoăn từ một vài cá nhân trên mạng xã hội về việc vì sao những cây cầu được xây lại có đính kèm chữ Dr Thanh?
Các cây cầu sau khi khánh thành thì được gắn tên, trong đó có gắn kèm tên thương hiệu tài trợ cùng với tên cũ. Chẳng hạn tên cũ trước đây là Cầu Ông Dèo thì giờ được đổi thành Cầu "Dr.Thanh - Ông Dèo"; Cầu An Trạch A thì được đổi tên thành Cầu “Number 1 – An Trạch A”; Cầu Cựa Gà được đổi thành Cầu “Dr.Thanh - Cựa Gà”, Cầu Hòa Thành A được đổi lại thành Cầu “Dr.Thanh - Hòa Thành A” …
Việc đặt tên cầu là ý tưởng của ban tổ chức chương trình Nhịp cầu mơ ước, có sự đồng thuận giữa hai bên tổ chức là chính quyền huyện và kênh truyền hình VTC9.
Đối với chúng tôi, gắn thương hiệu ở một cây cầu nhỏ không quá quan trọng, chỉ đơn giản là dấu ấn trong những sự kiện ý nghĩa đối với cán bộ, nhân viên của Tập đoàn. Nếu người dân và chính quyền địa phương không muốn, thì họ có quyền rút tên tài trợ. Bản chất phải là chúng ta làm được điều gì tốt đẹp để giúp đỡ người khác, và đó là giá trị cốt lõi mà chúng tôi theo đuổi.
Có vài ý kiến trên mạng xã hội nghi ngờ xây cầu là cách để THP được lợi về thuế?
Đây là các suy diễn không có căn cứ. Việc đầu tiên một doanh nghiệp tử tế cần tuân thủ là trách nhiệm đóng thuế cho quốc gia, từ đó ngân sách được tái sử dụng cho các mục đích an sinh xã hội.
Là doanh nghiệp đi đầu trong việc thực hiện nghiêm chỉnh nghĩa vụ thuế nhà nước, Tân Hiệp Phát đóng thuế ở mức cao nhất hiện nay trong số các doanh nghiệp hoạt động trong ngành công nghiệp nước giải khát ở Việt Nam.
Xin cảm ơn bà về cuộc trao đổi!