Nữ giáo viên xinh đẹp mang công nghệ thông tin tới điểm trường vùng cao
(Dân trí) - Để học sinh là người dân tộc thiểu số có cơ hội tiếp cận công nghệ thông tin, cô Hoàng Thị Thủy không ngại mang, xách 3-4 máy tính vượt những đoạn đường dốc để tới điểm trường.
Ở các điểm trường Cao Sơn, Bắc Cương, Loòng Vài... (xã Hoành Mô, huyện Bình Liêu, Quảng Ninh), từ học sinh cho tới giáo viên cũng như người dân đã quen quen thuộc hình ảnh nữ giáo viên 9X mang theo 3-4 chiếc máy tính để đưa công nghệ thông tin tới học sinh người dân tộc thiểu số ở các điểm trường vùng sâu, vùng xa.
Nữ giáo viên ấy là Hoàng Thị Thủy (SN 1991, người dân tộc Tày, quê xã Hoành Mô).
Năm học 2022-2023, khi Tin học trở thành môn bắt buộc với học sinh lớp 3 cũng là năm đầu tiên bộ môn này được đưa tới các điểm trường. Trước đó, từ đầu năm 2020, cô Thủy đã đảm nhận môn Tin học tại trường Tiểu học Hoành Mô.
Chia sẻ lý do đến với môn học vốn được cho là khô khan, chỉ hợp với con trai, cô Thủy cho biết, năm 2012, cô theo học ngành Công nghệ thông tin tại trường Đại học Công nghiệp Hà Nội. Sau khi tốt nghiệp năm 2016, cô làm tại Hà Nội một năm rồi về quê với hy vọng đóng góp được chút gì đó cho quê hương còn nhiều khó khăn. Trước khi về quê, cô Thủy đã đi học nghiệp vụ sư phạm.
Năm 2019, cô Thủy tham gia thi tuyển viên chức trước khi được giao nhiệm vụ giảng dạy môn Tin học tại trường Tiểu học Hoành Mô.
Nữ giáo viên này chia sẻ, cô rất thích đi dạy ở các điểm trường, dù đường đi khó khăn, cơ sở vật chất thiếu thốn, dù ở đó mỗi lớp học chưa đầy 10 học sinh, thậm chí có lớp chỉ 5 học sinh.
Sự hào hứng, niềm yêu thích môn Tin của các em chính là động lực để mỗi ngày, cô Thủy mang theo máy tính xách tay, vượt qua những đoạn đường dốc, khúc cua ngoằn ngòeo... đến các điểm trường xa xôi dạy học sinh.
Với những điểm đông học sinh và đường đi thuận lợi, cô Thủy thường chuẩn bị các miếng lót rồi đặt máy tính xách tay trong thùng, chằng buộc cẩn thận phía sau rồi chở đi.
Điểm trường xa như Cao Sơn, Loòng Vài, đường đi khó, ít học sinh, nữ giáo viên ấy sử dụng ba lô đựng 3 chiếc máy tính, chiếc đeo trên vai, chiếc để ở chỗ để chân của xe máy. Số lượng máy tính cô Thủy mang tới mỗi điểm trường luôn đảm bảo 2 hoặc 3 học sinh được thực hành trên 1 máy tính.
Đến nay, sau gần 3 tháng mang công nghệ tới các điểm trường, các em học sinh từ chỗ không biết máy tính là gì, cũng chẳng biết các bộ phận, cách cầm chuột máy tính, đã có thể thuần thực từng thao tác dưới sự chỉ dạy tận tình của cô giáo Hoàng Thị Thủy.
Chia sẻ về kỷ niệm trong những ngày đi dạy học, cô Thủy bảo, đó là khi cô chứng kiến em Chìu Thị Ngọc (điểm trường Cao Sơn) cõng em gái 2 tuổi tới lớp học cùng.
"Hôm đó, bố mẹ đi làm, Ngọc phải cõng em tới lớp, vừa trông em, vừa nghe giảng. Chị gái ngồi học về máy tính, em gái ngồi bên nhưng rất ngoan, không khóc.
Ở đây, cuộc sống còn khó khăn nên dù nhỏ tuổi, các em đã làm rất nhiều việc để đỡ đần gia đình", cô Thủy kể.
Từ nhà tới điểm trường Cao Sơn, cô Thủy phải đi mất khoảng 45 phút đến 1 tiếng đồng hồ, trong đó có 15-20 phút cuốc bộ vì đường khó khăn.
Cũng theo cô Thủy, hình ảnh các em học sinh nhiều khi ăn không đủ no, mặc không đủ ấm nhưng vẫn cuốc bộ tới trường khiến cô rất xúc động.
Bố cô Thủy cũng là giáo viên. Ngày trước, mỗi khi theo bố vào các điểm trường, chứng kiến cuộc sống khó khăn của bà con vùng sâu, vùng xa cũng như các em học sinh, cô Thủy luôn muốn được làm một điều gì đó giúp các em nơi đây. Và tới nay, cô đã dùng những kiến thức mình học được cùng với sự tận tụy, tình yêu trẻ để đưa các em tới gần hơn với công nghệ thông tin.
Em Chìu A Chiều (học sinh lớp 3 tại điểm trường Bắc Cương) cho biết, em rất thích học môn tin. Các em thường gọi cô giáo là "cô Tin". Gần tới giờ được tiếp cận máy tính, các em lại ngóng cô Tin lên điểm trường.
"Về nhà, em kể cho bố mẹ nghe về máy tính, về môn Tin học. Bố mẹ cũng thích lắm", Chìu A Chiều chia sẻ.
Trong điều kiện cơ sở vật chất còn thiếu thốn, cô Hoàng Thị Thủy mong muốn, ở mỗi điểm trường sẽ có phòng học bộ môn Tin học để học sinh có nhiều cơ hội thực hành máy tính hơn.