Nơi chật vật xử lý loài chuột nặng 9kg sinh sản nhanh xâm hại môi trường

Huy Hoàng

(Dân trí) - Loài chuột hải ly có thể nặng tới 9kg đang có dấu hiệu sinh sản nhanh, phá hủy môi trường ở Mỹ khiến chính quyền nhiều bang đang chật vật tìm cách đối phó.

Chuột hải ly trông giống loài lai giữa hải ly và chuột cống khổng lồ. Chúng có thể dài tới 60cm, trọng lượng lên đến 9kg. Loài chuột hải ly này nổi bật nhất với đặc điểm hàm răng màu cam, lông màu nâu và ria mép trắng. Nhưng khác với hải ly - loài chuột lớn nhất Bắc Mỹ, chuột hải ly sở hữu đuôi tròn không lông, nhìn khá giống đuôi chuột.

Chuột hải ly có nguồn gốc từ Nam Mỹ. Theo Bộ Nông nghiệp Mỹ, chúng lần đầu tiên được đưa vào nước này khoảng năm 1890 dưới hình thức hoạt động buôn bán lông thú.

Nơi chật vật xử lý loài chuột nặng 9kg sinh sản nhanh xâm hại môi trường - 1
Chuột hải ly là loài xâm hại đe dọa tới môi trường nhiều bang của Mỹ (Ảnh: News).

Tuy nhiên, đến những năm 1940, khi thị trường lông thú chuột hải ly sụp đổ, hàng nghìn con đã trốn thoát khỏi trang trại hoặc bị những nông dân không còn khả năng chăm sóc thả ra ngoài môi trường tự nhiên.

Kể từ đó đến nay, loài xâm lấn này đã lan rộng ra ít nhất 20 bang, chủ yếu ở những bang dọc theo duyên hải vịnh Mexico như Louisiana và Florida.

Tại Texas, theo Cục công viên và động vật hoang dã, chuột hải ly nằm trong nhóm "những loài thực vật và động vật xâm lấn gây ra nhiều tàn phá môi trường nhất". Thiệt hại môi trường do chuột hải ly gây ra còn được ghi nhận ở khu vực tây bắc Thái Bình Dương và trên bờ biển Đại Tây Dương.

Một số đặc điểm khiến chúng trở thành loài phá hoại đó là gặm nhấm lượng thực vật nặng tới 25% trọng lượng cơ thể mỗi ngày. Đặc biệt khi chúng đào hang sẽ khiến khoảng 10% lượng thực vật bị lãng phí.

Nơi chật vật xử lý loài chuột nặng 9kg sinh sản nhanh xâm hại môi trường - 2
Chính quyền nhiều nơi đang áp dụng mức thưởng để khuyến khích tiêu diệt loài xâm hại này (Ảnh: WFTV).

Khi đào hang, chuột hải ly tạo ra những chiếc hang sâu gần 6m, rộng 50m bên bờ sông, khiến đất đai bị phá hủy, ảnh hưởng tới quần thể thực vật bản xứ và mùa màng nông nghiệp, gây thiệt hại cơ sở hạ tầng ngăn lũ lụt.

Do chuột hải ly có xu hướng sống gần môi trường nước nên gây ra mối đe dọa đặc biệt nghiêm trọng với loài bản địa có nguy cơ tuyệt chủng sống dựa vào vùng đất ngập nước. Loài gặm nhấm này thường mang mầm bệnh, ký sinh trùng, có thể làm ô nhiễm nguồn nước và khả năng lây lan sang người.

Từ năm 2002, Cơ quan quản lý cá và động vật hoang dã Louisiana đã khởi động chương trình kiểm soát chuột hải ly trên bờ biển bằng cách chi tiền, khuyến khích người dân tham gia.

Khi đó, mỗi con bị bắt sẽ nhận được tiền công là 5 USD. Tới năm 2019, chính phủ liên bang cũng nâng số tiền thưởng cho việc giết mỗi con lên để tăng sự nhiệt tình của thợ săn.

Đến nay, chính quyền nhiều bang ở Mỹ đang nỗ lực thúc đẩy tiêu diệt quần thể chuột hải ly trong độ tuổi sinh sản trước khi chúng vượt khỏi tầm kiểm soát. Tính tới tháng 11/2022, tại California, thông qua việc đặt bẫy, khoảng 3.300 con đã bị tiêu diệt.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm