Nick Út nói về bức ảnh Em bé Napalm: "Luật sư của tôi sẽ kiện đoàn phim"

Lạc Thành

(Dân trí) - Nhiếp ảnh gia Nick Út lần đầu lên tiếng khi có thông tin cho rằng ông không phải người chụp bức ảnh "Em bé Napalm".

Ngày 16/5, World Press Photo (Giải thưởng Ảnh báo chí thế giới) công bố kết quả cuộc điều tra riêng và đình chỉ ghi nhận nhiếp ảnh gia Nick Út (Huỳnh Công Út) là tác giả bức ảnh Em bé Napalm.

Quyết định liên quan đến thông tin mà bộ phim The Stringer ra mắt hồi đầu năm cung cấp. Theo bộ phim, người thực sự đã chụp bức Em bé Napalm là một tài xế tên Nguyễn Thành Nghệ.

Nick Út nói về bức ảnh Em bé Napalm: Luật sư của tôi sẽ kiện đoàn phim - 1

Bà Phan Thị Kim Phúc là cô bé xuất hiện trong bức ảnh, chụp hình cùng nhiếp ảnh gia Nick Út trong lần hội ngộ tại TPHCM năm 2022 (Ảnh: Hữu Khoa).

Tối 21/5, chia sẻ với phóng viên Dân trí, nhiếp ảnh gia Nick Út cho biết: "Luật sư của tôi đang chuẩn bị các tài liệu để kiện đoàn làm phim The Stringer".

Ông Nick Út nói rằng, quyết định tạm ngừng công nhận tác giả ảnh Em bé Napalm của World Press Photo xuất phát từ chuyện cá nhân giữa ông và Gary Knight - người sản xuất và đóng vai chính trong The Stringer.

Ông Nick Út chia sẻ thêm, ông không cần giải thưởng từ World Press Photo. Đối với ông, giải Pulitzer (là một giải thưởng của Mỹ, trao cho nhiều lĩnh vực về báo chí và văn học, được xem như một trong những giải thưởng danh giá nhất) mới quan trọng.

"Rất nhiều người ủng hộ tôi và phản đối World Press Photo. Tôi được bạn bè từ khắp nơi động viên, tôi không có gì phải lo hết", ông nói.

Trước đó, bức ảnh Em bé Napalm được nhận định là một trong những hình ảnh mang tính biểu tượng của thế kỷ 20. 

World Press Photo từng trao danh hiệu Ảnh của năm cho nhiếp ảnh gia Nick Út với bức ảnh này vào năm 1973. 

Bộ phim tài liệu The Stringer ra mắt tại Liên hoan phim Sundance vào tháng 1 vừa qua. Nội dung bộ phim tuyên bố rằng, nhiếp ảnh gia Nguyễn Thành Nghệ, chứ không phải nhiếp ảnh gia Nick Út, mới là tác giả ghi lại khoảnh khắc cô bé trốn chạy khỏi vụ tấn công bằng bom Napalm của Mỹ trong chiến tranh Việt Nam.

Ông Nghệ là một trong hơn 10 người có mặt tại hiện trường thời điểm đó. Một năm sau, ông Nick Út được trao giải Pulitzer với chính bức ảnh này.

Nhiếp ảnh gia Nick Út nhiều lần phủ nhận cáo buộc này. Trong một tuyên bố do luật sư Jim Hornstein đại diện phát ngôn, nhiếp ảnh gia gốc Việt gọi quyết định tạm ngừng ghi nhận của World Press Photo là "đáng lên án và thiếu chuyên nghiệp".

Tuyên bố cũng khẳng định thông tin ông Nguyễn Thành Nghệ "không có bằng chứng hay nhân chứng nào ủng hộ".

Nick Út nói về bức ảnh Em bé Napalm: Luật sư của tôi sẽ kiện đoàn phim - 2

Bức ảnh "Em bé Napalm" được nhận định là một trong những bức ảnh mang tính biểu tượng của thế kỷ 20 (Ảnh: AP).

Đầu tháng 5, AP công bố một báo cáo điều tra dài 96 trang liên quan tới vụ việc. Cuộc điều tra dựa theo lời kể các nhân chứng, kiểm tra máy ảnh, dựng mô hình 3D hiện trường và các âm bản còn lưu lại.

Qua những chứng cứ này, AP đưa ra kết luận rằng "không có bằng chứng xác đáng" để thay đổi việc ghi nhận tác giả.

Dù thừa nhận việc thiếu bằng chứng và thời gian trôi qua đã lâu khiến không thể xác minh hoàn toàn ai là người chụp bức ảnh, AP cho rằng việc chuyển quyền tác giả cho nhiếp ảnh gia Nguyễn Thành Nghệ là "bước nhảy vọt về niềm tin".

Xuất hiện trên các tờ báo thế giới một ngày sau khi chụp, bức Em bé Napalm đã trở thành biểu tượng phản đối cuộc chiến tranh tại Việt Nam. Nhiều thập kỷ sau đó, ông Nick Út tiếp tục vận động cho hòa bình.

Nhiều lần chia sẻ với truyền thông, nhiếp ảnh gia Nick Út cho biết, ông chụp bức ảnh nổi tiếng lúc 21 tuổi, bên ngoài làng Trảng Bàng (Tây Ninh) vào ngày 8/6/1972. 

"Khi tôi chụp ảnh em, tôi thấy cơ thể em bị bỏng rất nặng và tôi muốn giúp em ngay lập tức. Tôi đặt tất cả thiết bị máy ảnh của mình xuống đường cao tốc và dội nước lên người em", ông kể lại.

Nick Út cho biết thêm, ông đã đưa những đứa trẻ bị thương lên xe tải của mình và lái xe trong 30 phút đến một bệnh viện gần đó.

"Khi tôi quay lại văn phòng, mọi người nhìn thấy bức ảnh đều nói với tôi ngay lúc đó rằng bức ảnh gửi đi thông điệp rất mạnh mẽ và bức ảnh sẽ giành được giải Pulitzer", ông nói thêm.

Trong một tuyên bố gửi qua email cho CNN, Tổ chức xét Giải thưởng Pulitzer cũng cho biết họ "không chắc sẽ có hành động nào trong tương lai" liên quan đến giải thưởng của Nick Út hay không.

Tuy nhiên, giải Pulitzer phụ thuộc vào việc các tổ chức tin tức gửi bài dự thi và đó là căn cứ xác định tác giả của các bài dự thi. Do đó, đánh giá sâu rộng của AP đã cho thấy không có đủ bằng chứng để tước bỏ quyền tác giả hiện tại.