Những sai lầm "ngớ ngẩn" tốn kém nhất trong lịch sử (P2)
(Dân trí) - Lịch sử đã chứng kiến không ít những sai lầm “ngớ ngẩn” của con người gây nên thiệt hại hàng trăm triệu USD. Trong số đó, đáng nói nhất có lẽ là vụ việc NASA để mất vệ tinh thám hiểm sao Hỏa của mình, chỉ vì các nhóm kỹ sư vận hành đã sử dụng hai hệ đo lường khác nhau.
Tòa nhà chọc trời trở thành chiếc gương khổng lồ
Walkie-Talkie là tên của một tòa nhà chọc trời tọa lạc tại thủ đô London của nước Anh. Xét về thiết kế, Walkie-Talkie không hề vuông thành sắc cạnh như các cao ốc chúng ta thường thấy, mà lại được “uốn cong” tạo hình lòng chảo.
Tuy nhiên, cũng chính bởi hình dáng đặc biệt này mà trong quá khứ, Walkie-Talkie đã gây nên một trong những sự cố hy hữu nhất trong lịch sử của xứ sở sương mù. Theo đó, với bề mặt được bao phủ hoàn toàn bằng kính kết hợp với hình dáng lòng chảo, công trình này đã vô tình trở thành một chiếc gương khổng lồ, hội tụ ánh sáng mặt trời và chiếu thẳng xuống khu vực mặt đất lân cận.
Hậu quả là những chiếc xe đậu gần đó đã bị ánh sáng phản chiếu “nướng chín”. Nhiệt độ của ánh sáng này lớn tới mức, vào thời điểm đó, người ta còn có thể rán trứng trên bề mặt của những chiếc ô tô bị ảnh hưởng. Được biết, trước những lời khiếu kiện của người dân, chủ nhân của tòa nhà đã phải bỏ ra một số tiền không hề nhỏ để phủ toàn bộ mặt kính của Walkie-Talkie bằng một lớp chắn sáng đặc biệt.
Tự tay vứt hàng triệu USD vào... thùng rác
Đồng tiền ảo bitcoin xuất hiện lần đầu tiên vào năm 2009, vì còn khá lạ lẫm với mọi người nên ở thời điểm này bitcoin có giá trị cực kỳ thấp. Với sở thích khám phá cái mới, James Howell- một thanh niên người Anh đã dùng phần tiền tiêu vặt của mình để mua 7500 bitcoin.
Lượng tài sản ảo này sau đó cũng nhanh chóng bị James quên lãng cho tới năm 2013 - thời điểm bitcoin trở thành cơn sốt và có giá trị tăng vọt. Ước tính 7500 bitcoin khi ấy có thể quy đổi thành 7,5 triệu USD.
Tuy nhiên, sau khi biết được vận may đến với mình chưa lâu, James Howell đã phải ăn quả đắng bởi anh nhận ra rằng, chính mình đã tự tay vứt ổ cứng có chứa lượng tiền ảo đó vào sọt rác trong một lần dọn nhà. Chắc hẳn, đến thời điểm hiện tại, James Howell sẽ còn cảm thấy tiếc nuối hơn nữa, bởi số tiền mà anh vô tình vứt đi năm xưa nay đã trị giá tới hơn 47 triệu USD.
Vụ sập cầu Seongsu
Ngày 21/10/1994 tại thủ đô Seoul, Hàn Quốc xảy ra thảm họa sập cầu tồi tệ nhất trong lịch sử nước này. Theo đó, vào giờ cao điểm ngày hôm ấy, cây cầu Seongsu bắc qua sông Hàn dài 1.160 mét đã không chịu được tải trọng và hệ quả là đốt cầu ở giữa - vị trí yếu nhất đã bị gãy rời và rơi xuống sông, kéo theo rất nhiều phương tiện đang lưu thông trên đó.
Theo ước tính, 31 người đã thiệt mạng sau vụ gãy cầu này. Nguyên nhân được xác định là do các nhà thi công đã sử dụng loại thép kém chất lượng để xây dựng cầu. Được biết, vì có kết cấu yếu nên chính phủ Hàn Quốc buộc phải xây dựng lại hoàn toàn cầu Seongsu. Đồng thời, một khoản phí khổng lồ khác cũng được chi ra để đền bù thiệt hại cho gia đình những người xấu số trong thảm kịch này.
Để mất vệ tinh vì dùng hệ đo lường khác nhau
NASA đã từng để mất một vệ tinh khám phá sao Hỏa có giá gần tỷ USD bởi một sai lầm “trời ơi đất hỡi” của đội ngũ kỹ thuật. Được biết, ở thời điểm đó, có hai nhóm kỹ sư cùng tham gia vào quá trình truyền phát tín hiệu tọa độ đến vệ tinh này.
Tuy nhiên, trong khi một nhóm sử dụng hệ đo lường của Anh (feet và yards) thì nhóm kia lại dùng hệ đo lường quốc tế (mét). Sự “lệch nhịp” về số liệu ở hai nhóm đã khiến vệ tinh thâm nhập vào bầu khí quyển của sao Hỏa quá chậm, và việc nó bị vỡ vụn là điều tất yếu.
Thương vụ mua bán Alaska giữa Nga và Mỹ
Vào cuối thế kỷ 19, Nga hoàng Alexander II đã quyết định bán vùng đất Alaska của mình cho Mỹ với giá chỉ 7,2 triệu USD. Thương vụ mua bán đất này cho đến nay vẫn được coi là một trong những quyết định sai lầm “đắt giá” nhất trong lịch sử, bởi chưa cần tính đến những lợi ích về chính trị hay quân sự, mà chỉ riêng lượng tài nguyên thiên nhiên dồi dào Alaska sở hữu cũng đã trị giá đến hàng tỷ USD.
Hải Phong
Theo BS