Những đốm lửa thần trên đỉnh Brown

Brown là ngọn núi nằm cuối dãy Blue Ridge ở trong địa phận của Rừng cấm Quốc gia Pisgah (Mỹ). Núi Brown trở nên nổi tiếng toàn cầu bởi hiện tượng mà người ta thường gọi với cái tên Ánh sáng trên núi Brown (Brown Mountain Lights).

Từ những truyền thuyết

 

Truyền thuyết về những đốm sáng trên ngọn núi này đã có từ lâu. Chuyện rằng vào năm 1800, có một người chủ trang trại tốt bụng sống ở khu vực này. Ông ta rất thân thiện với một người nô lệ và người nô lệ cũng rất mực trung thành với ông. Một đêm, ông ta cùng với người nô lệ cầm đèn đi lên núi Brown săn cáo. Thế nhưng sau đó, họ đã không trở về. Tương truyền linh hồn của họ mãi mãi ở lại với ngọn núi Brown. Những ánh sáng lạ mà người dân nhìn thấy hàng đêm chính là ánh đèn người nô lệ đang soi cho chủ mình đi săn…

 

Nhưng truyền thuyết cổ nhất nói về hiện tượng lạ lùng này có từ thế kỷ 12 qua những câu chuyện truyền miệng của người dân bản địa. Những người thổ dân Indian gồm hai tộc người Cherokee và Catawba là những người đầu tiên chứng kiến và ghi chép về hiện tượng những đốm sáng ở núi Brown.

 

Họ đã có một truyền thuyết để giải thích hiện tượng trên. Theo truyền thuyết này, vào năm 1200, hai tộc người Indian có tên là Cherokee và Catawba xảy ra xích mích và chiến tranh đã nổ ra giữa hai bộ tộc. Sau một trận chiến đẫm máu, những chiến binh của hai bên đều bị tử thương. Khi màn đêm buông xuống, những người vợ của các chiến binh thắp đèn lần vào bãi chiến trường để tìm xác chồng.

 

Cũng có một vài câu chuyện đồn thổi xung quanh những ánh sáng kỳ lạ này khiến nó thêm phần huyền bí. Người dân địa phương kể rằng có một người đàn ông sau khi xô xát đã giết cả vợ và con rồi đem chôn trong một chiếc hang bí mật trên đỉnh Brown. Không hiểu sao từ đó những đốm sáng kỳ lạ cứ mãi bay lơ lửng ở cửa hang trên núi, người dân mới phát hiện ra xác của hai kẻ xấu số và kết tội kẻ gây án.

 

Đi tìm sự thật

 

Nhiều người dân nơi đây tin rằng dưới lòng núi Brown là một kiểu căn cứ quân sự của những "người ngoài hành tinh". Những ánh sáng lạ chính là do họ tạo ra khi thử nghiệm vũ khí và các vật thể bay.

 

Những nhà khoa học đặt tên cho những quầng sáng ở đỉnh núi Brown là ignis fatuus (những đốm lửa ngốc nghếch) vì khi bay, chúng trông rất lảo đảo và vô định.

 

Nhiều người cho rằng vì quanh núi Brown có những vạt rừng đầy những cây lá chết khô do mưa a-xít và hiện tượng ignis fatuus là do những cây mục này phát quang ra lân tinh mà có.

 

Nhiều người khác thì đặt ra giả thiết dưới lòng núi là những túi khí gas và mê-tan. Tuy nhiên với những nhà khoa học, những đốm sáng nơi đây không có hiện tượng phát quang của lân tinh và cũng không giống như do các túi khí bị cháy.

 

Được coi là một trong những hiện tượng được nhiều người đã từng nhìn thấy nhất nhưng bí ẩn về những đốm sáng này vẫn chưa được ánh sáng của khoa học soi sáng. Đã có nhiều tài liệu ghi chép tỉ mỉ về những đốm sáng ma quái này.

 

Năm 1771, Geraud de Brahm, một kỹ sư người Đức đã ghi lại những hiện tượng lạ ở khu vực này. Ông ghi nhận những tiếng động lạ ở sâu trong lòng núi vang vọng rền rĩ. Sau đó những đốm sáng ma quái dần bay lên. Ông cho rằng giữa những âm thanh và đốm sáng chắc chắn có một mối liên hệ nào đó.

 

Vào năm 1913, lần đầu tiên phóng viên tờ Charlotte Observer đã viết bài về hiện tượng này. Bài viết trên báo đã gây tiếng vang và khơi dậy sự tò mò của giới khoa học. Sau đó, Chính phủ Hoa Kỳ đã nhiều lần tổ chức nghiên cứu vùng núi Brown với sự tham gia của Trung tâm khí tượng thuỷ văn Hoa Kỳ và Hội Nghiên cứu địa chất.

 

Năm 1922, GS George Mansfield thuộc Hội Nghiên cứu địa chất đã ghi nhận nhiều lần sự xuất hiện của những đốm lửa lạ. Nhóm nghiên cứu của Phòng Nghiên cứu Quốc gia Oak Ridge (Oak Ridge National Laboratory-ORION), Tennessee đã thảo ra dự án có tên The Enigma Project.

 

Sau nhiều năm ghi chép tỉ mỉ, nhưng cuối cùng đoàn nghiên cứu vẫn không thể có kết luận thoả đáng về hiện tượng trên. Thường thì những đốm sáng xuất hiện không theo chu kỳ nhất định. Lúc thì chúng màu xanh lơ, lúc thì có màu đỏ bay chập choạng trong không gian. Nhiều đêm chúng xuất hiện rất nhiều. Vào tháng 5/1977, ORION đã chứng kiến khoảng 500.000 đốm sáng bay lập loè hư ảo trên đỉnh Brown.

 

Theo Hương Viên

Quốc tế/Brownmountainlights