(Dân trí) - Chỉ còn vài giờ trước thời khắc Giao thừa, những dòng người cuối cùng vội vã rời khỏi Sài Gòn phồn hoa đô thị. Họ chất đầy quà bánh và cả những yêu thương trên các chiếc xe nhỏ để trở về nơi "chôn nhau cắt rốn". Họ trở về với những niềm vui bình dị, bên mâm cơm gia đình cùng với những người thân thương nhất.
Gần 1 tuần qua, hết dòng người này đến dòng người khác tấp nập rời khỏi Sài Gòn, nơi họ gắn bó cả năm để mưu sinh. Ai cũng vội vã để trở về nhà sớm từng phút từng giây vì Tết là thời khắc sum họp gia đình.
Nơi ấy, họ có những người thân yêu đang chờ đợi. Nhiều người có ba mẹ già ở tận miền Bắc, miền Trung đang ngóng đợi, hay những người miền Tây đang tấp nập về để sửa soạn Tết.
Nhiều người, cả năm chỉ đợi một dịp Tết để được về nhà vùi đầu vào vai mẹ cho thỏa nỗi nhớ tha phương.
Do đặc thù công việc, nhiều công nhân, người lao động phải miệt mài đến ngày 30 mới được nghỉ Tết. Bỏ lại căn phòng trọ chỉ có vài dụng cụ thô sơ, họ gói chặt bịch bánh, chai rượu được công ty thưởng Tết chất lên chiếc xe trở về quê hương.
Với họ, dù có vất vả ra sao nhưng ngày Tết vẫn phải là những ngày vui nhất, hạnh phúc nhất bên người thân. Nhiều người trong số ấy chỉ được nghỉ vài ba ngày rồi lại vội vã trở lại Sài Gòn nhưng chừng đó thời gian cũng làm họ vơi đi nỗi nhớ nhà.
"Tôi làm công nhân dọn vệ sinh, năm nào cũng tranh thủ 30 Tết mới về được. Mình cố nán lại mấy ngày về kiếm thêm đồng tiền mua thêm bộ đồ mới cho mấy đứa nhỏ, mua cho ba mẹ hộp thuốc bổ là vui rồi. Cực nhọc gì cũng chịu được.
Năm nào Tết cũng về, chứ ở lại đây nhớ nhà chịu không nổi. Có năm dự định ở lại nhưng sáng mùng 1 Tết hai vợ chồng ôm nhau khóc vì nhớ cha mẹ nên lại khăn gói về quê 1, 2 ngày rồi lên lại", chị Thu Vui (quê Sóc Trăng) cho biết.
Do quá cận Tết, những dòng người di dân không còn đông đúc như mấy ngày trước. Tuy vậy, sự hối hả hiện rõ trên gương mặt từng người.
Nhiều người chất cả gia đình 3, 4 người, kèm theo cả những ba lô vật dụng, quà cáp chật kín xe. Dẫu biết rằng lưu thông trên đường khá nguy hiểm nhưng họ vẫn cố gắng để về nhà trước thời khắc Giao thừa.
"Hai vợ chồng đều tăng ca và làm thêm đến sáng nay mới xong việc. Giờ chạy về nhà là chiều, đi mua đồ về làm mâm cơm cúng ông bà tổ tiên cho các cụ vui lòng.
Giao thừa mà không có mặt ở quê thì buồn lắm, cha mẹ không còn nhưng còn tình làng nghĩa xóm, anh em dòng họ, không gặp lại nhớ. Cả năm vất vả rồi, cực nhọc đủ rồi, về quê thôi em ạ. Chúc em ở lại làm việc vui vẻ nha", anh Bình (quê Bến Tre) chia sẻ.
Phạm Nguyễn - Xuân Hinh