Quảng Nam:
Những câu chuyện ly kỳ về bà Thu Bồn, người Mẹ xứ Quảng
(Dân trí) - Sông Thu Bồn - dân gian gọi là sông Mẹ - gắn với những câu chuyện ly kỳ về bà Thu Bồn được người dân Quảng Nam truyền tụng qua nhiều thế hệ.
Nhiều câu chuyện thoại sử về bà Thu Bồn
Theo tài liệu để đề nghị đưa lễ hội bà Thu Bồn vào danh sách di sản văn hóa phi vật thể quốc gia của Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Quảng Nam, dân gian truyền rằng bà Thu Bồn vốn là một nữ tướng dòng thế phiệt trâm anh.
Có nhiều truyền thuyết, huyền tích, giai thoại đề cập đến sự hiển linh của bà Thu Bồn. Đó là hóa thân của vợ, hay con gái đồng trinh của một vị tướng hay vua Mây, vua Lồi, vua Chàm, vua Việt.
Bà có mái tóc đẹp, rất dài, trong một cuộc chiến, quân của bà thất thế phải rút lui, trên đường đi, tóc của bà vướng vào cây cối bên đường làm bà ngã ngựa tử trận và gieo mình xuống sông Thu Bồn. Đến làng Thu Bồn, thi hài bà tràn ngập hương thơm và dừng lại, không chịu rời làng theo dòng nước.
Nhân dân kính phục đức hy sinh cao cả và sự linh hiển, phò trợ của bà nên làm lễ an táng và thiết trí lăng mộ, miếu đền thờ tự bà một cách quy mô, trang trọng, với đầy đủ y phục, voi, ngựa, người hầu, nghi trượng, pháp khí... Tuy nhiên, các hiện vật đến nay đã bị thất tán nhiều.
Có nhiều truyền thuyết về bà Thu Bồn, song tất cả đều hội tụ và toát lên chân vẻ đẹp của người phụ nữ đa tài, đức độ. Là người Mẹ quê hương, xứ sở mang màu sắc thần bí, là biểu tượng của khát vọng đất nước thái bình.
Vào những năm hạn hán, lụt lội, người dân trong vùng đói khổ, bà đều linh ứng cứu giúp khôi phục mùa màng.
Dưới thời triều Nguyễn, các vua Minh Mạng, Tự Đức, Khải Định đều ban sắc phong tặng bà là "Hồng nhân Phổ tế Linh ứng Thượng đẳng thần".
Lăng bà Thu Bồn nằm ở thôn Thu Bồn Đông (xã Duy Tân, huyện Duy Xuyên, Quảng Nam). Trước đây lăng bà được xây dựng phía ngoài gần mép sông, nay do đất sạt lở nên đã được di chuyển vào vị trí mới bây giờ.
Lăng Bà được trùng tu mới hoàn toàn năm 2003, được trùng tu lại năm 2016 theo kiến trúc hiện đại gồm có tiền đường và hậu tẩm.
Với những giá trị quý báu về lịch sử văn hóa, Lăng bà Thu Bồn tại huyện Duy Xuyên được UBND tỉnh Quảng Nam xếp hạng di tích cấp tỉnh năm 2005; và Dinh bà Thu Bồn tại Phường Rạnh, làng Trung An (xã Quế Trung, huyện Quế Sơn) được UBND tỉnh xếp hạng di tích cấp tỉnh năm 2008.
Tháng 9/2020, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch cũng đã công nhận Lễ hội bà Thu Bồn là Di sản phi vật thể cấp Quốc gia.
Hơn hai thập kỷ giữ sắc phong
Men theo con đường cạnh dòng sông Thu Bồn, chúng tôi tìm đến nhà cụ ông Thái Văn Lịch (92 tuổi, thôn Thu Bồn Đông, xã Duy Tân, huyện Duy Xuyên), người đang giữ một sắc phong dành cho bà Thu Bồn dưới triều Nguyễn.
Sau khi thắp hương khấn vái, xin phép bà, cụ Lịch nhẹ nhàng lấy sắc phong được đặt ngay ngắn trên bàn thờ.
Tờ sắc phong có màu vàng, được vẽ họa tiết rồng và mây màu bạc. Trên tờ sắc phong là các dòng chữ hán và con dấu của vua. Sắc phong có dòng chữ dịch "Hồng nhân Phổ tế Linh ứng Thượng đẳng thần" được ban từ đời vua Minh Mạng, và được dân làng gìn giữ đến hôm nay.
Cụ Lịch cho biết, sắc phong này được cụ giữ gìn và thờ cúng từ năm 2001. Người giữ sắc phong được nhân dân bầu lên, có uy tín trong làng.
"Người được chọn làm thủ tịch phải có uy tín lớn, bên cạnh đó, phải hội đủ các yếu tố "phước, lộc, thọ" mới được bầu chọn; tức là con cháu đuề huề, nhân phẩm tốt, sống thọ", cụ Lịch tự hào nói.
Ngày 12/2 Âm lịch hàng năm, Lễ hội Thu Bồn được tổ chức thu hút hàng vạn người từ nhiều nơi trong và ngoài tỉnh tề tựu, chiêm ngưỡng những nét đặc sắc văn hóa dân gian, trải lòng mình với miền quê của những truyền thuyết đẹp.
Lễ hội bà Thu Bồn là một hình thái văn hóa phi vật thể tín ngưỡng thờ mẫu có quy mô lớn nhất Quảng Nam.
Ông Nguyễn Thế Đức - Phó Chủ tịch huyện Duy Xuyên - cho hay những năm qua, Lăng bà Thu Bồn được chính quyền huyện Duy Xuyên quan tâm trùng tu, tôn tạo và đang mở rộng về quy mô lễ hội, làm phong phú và sinh động hơn về nội dung và hình thức. Từ đó, thu hút du khách khắp nơi tìm về.
Sông Thu Bồn là một trong những con sông nội địa có lưu vực thuộc loại lớn ở Việt Nam. Sông bắt nguồn từ đỉnh núi Ngọc Linh (tỉnh Kon Tum) chảy qua địa phận Quảng Nam, bồi đắp phù sa cho các huyện Quế Sơn, Đại Lộc, Duy Xuyên trước khi chảy qua địa phận Hội An và đổ ra biển Cửa Đại.
Người Quảng Nam vẫn gọi Thu Bồn là "sông Mẹ". Sông mẹ Thu Bồn không chỉ ban phát cá tôm, phù sa đầy ắp, mà hạ nguồn dòng sông này còn là cái nôi của nhiều làng nghề nức tiếng như gốm Thanh Hà (TP Hội An), lụa Mã Châu (huyện Duy Xuyên).