Quảng Nam
Ngôi làng từng bị xóa sổ bởi trận lụt kinh hoàng năm Thìn, bây giờ ra sao?
(Dân trí) - Hơn nửa thế kỷ trôi qua, "cái lụt năm Thìn" vẫn ám ảnh người già ở làng Đông An - ngôi làng có gần 1.500 người chết do thiên tai năm 1964 ở Quảng Nam.
Làng Đông An nằm nơi thượng nguồn sông Thu Bồn (xã Ninh Phước, huyện Nông Sơn, Quảng Nam) từng hứng chịu trận lụt nghìn năm hiếm gặp mà người dân vẫn luôn nhắc nhớ "cái lụt năm Thìn" xảy ra vào năm 1964.
Chỉ trong một đêm, gần 1.500 dân làng Đông An bị lụt nhấn chìm, chỉ có 19 người sống sót.
Đã 58 năm trôi qua, nhưng ký ức kinh hoàng ấy vẫn ám ảnh người ở lại. Những người thoát khỏi "thảm họa" năm ấy, người thì mất, người đã già lẩm cẩm, có người tha hương nơi xa vì không dám đối mặt đau thương. Nhưng hàng năm vào ngày mùng 5/10 (âm lịch), họ vẫn tề tựu về làng để làm "giỗ lụt".
Nỗi ám ảnh day dứt của những người ở lại
Nhắc đến trận lụt năm 1964, bà Đỗ Thị Liễu (SN 1933, làng Đông An) một trong những người may mắn sống sót, bỗng trở nên thất thần.
Bà kể năm ấy, tỉnh Quảng Nam trải qua cơn đại hạn chưa từng thấy. Cả năm trời không có một giọt mưa. Mực nước sông Thu Bồn xuống thấp chưa từng thấy. Cây lúa chết trên đồng, trâu bò ốm yếu… Cuộc sống người dân vô cùng khốn khổ.
Mùa mưa năm đó đến trễ, mưa trắng trời, mưa như trút nước đến nỗi người đứng gần còn không nhận ra mặt nhau.
Chiều mùng 6/10 (âm lịch), nước sông Thu Bồn bắt đầu dâng cao. Bà con trong làng vội đưa nhau lên chỗ cao nhất để tránh trú. Thế nhưng, nước đâu đổ xuống như thác. Tất cả các ngôi nhà trong làng đều bị nước cuốn trôi. Hàng trăm người bị dòng lũ dữ cuốn đi…
Tiếng kêu la thảm thiết vang lên khắp nơi trong màn đêm. Cả làng Đông An biến thành ngôi làng "chết". Bà Liễu cũng bị nước cuốn trôi một đoạn, rồi mắc lại gần cái cấm (ngôi miếu thờ với nhiều cây cổ thụ ngay giữa làng) nên thoát nạn.
Bà Liễu cho biết làng Đông An ngày ấy có khoảng 300 nóc nhà, với khoảng hơn 1.500 nhân khẩu. Nhưng tất cả đã bị nhấn chìm chỉ sau một đêm. Cả 6 người con của vợ chồng bà đều chết trong "lụt năm Thìn". Nỗi ám ảnh, day dứt đó vẫn theo bà đến bây giờ, mỗi khi nghe có lụt là lại rùng mình, hoảng sợ…
"Lũ rút, cả làng không còn một ngôi nhà nào, cảnh tiêu điều, xác xơ. Khắp làng là một màu trắng đục của bùn non. Thi thể người chết nằm la liệt, trương phình và bốc mùi. Nhiều gia đình, dòng họ coi như "mất gốc" từ đó. Có tất cả 19 người còn sống sót. Có người sau đó ở lại làng, nhưng có người không thể ở lại vì những nỗi ám ảnh khôn nguôi, họ bỏ xứ đi tha hương, đến ngày giỗ chung thì về thắp nhang", bà Đỗ Thị Liễu đau xót nói.
Để xoa dịu nỗi đau chết chóc, anh em ông Hồ Văn Xữ (một trong 4 người dòng họ Hồ, dòng họ đông đúc nhất làng, còn sống sót) cùng một số người nữa che chắn vội bên mé sông lập ra nhà thờ tập thể.
Không có di ảnh, không bài vị, ông Xữ chỉ có thể viết tên những nạn nhân vào chung một tờ giấy mà hương khói, lấy ngày mùng 5/10 (âm lịch) hàng năm để giỗ.
Mãi về sau, khi làng bắt đầu hồi sinh sau thảm họa, con cháu trong làng mới xây dựng được ngôi miếu thờ nhỏ. Ngôi miếu thờ để làm đám "giỗ lụt" được đặt tại ngay trên cái cấm, nơi đã từng cứu mạng nhiều người năm xưa.
Sự tàn phá của thời gian đã khiến ngôi miếu thờ cũ bị hư hỏng, năm 2020, con cháu trong làng, mạnh thường quân… đã góp sức xây dựng lại miếu thờ khang trang hơn.
Hồi sinh ở vùng đất "chết"
Đất rộng, người thưa, người làng Đông An tìm đến những ngôi làng xung quanh kêu gọi người dân đến đây lập nghiệp. Sau ngày đất nước thống nhất, những đợt di dân kinh tế mới từ Thừa Thiên Huế, Quảng Trị đưa thêm người đến làng Đông An sinh sống.
Sức sống mới đã hồi sinh trên ngôi làng "chết". Trường học, đường sá… được xây dựng, nâng cấp, mầm xanh hy vọng được thắp sáng.
58 cái "giỗ lụt" đã trôi qua, trong đó rất nhiều năm, người "chết lụt" không được giỗ vì người sống phải... chạy lụt. Trải qua bao biến cố, những người dân làng Đông An bây giờ đã biết cách "sống chung với lũ", chủ động ứng phó với những tình huống xấu nhất của thiên tai.
Ông Lê Anh Tuấn - Phó Chủ tịch xã Ninh Phước - cho biết: "Tuy thuộc xã miền núi của huyện Nông Sơn, nhưng trong xã nhà nào cũng trang bị ghe, áo phao để dùng khi cần thiết. Mọi người đều có ý thức chuẩn bị đề phòng thiên tai, trẻ em được trang bị kỹ năng học bơi, chống đuối nước…
Như những trận lụt lớn các năm, từ cấp xã cho đến thôn đều chuẩn bị kỹ càng, vận động, tuyên truyền sớm, cộng thêm sự chuẩn bị trang thiết bị "chạy lũ" chu đáo nên trên địa bàn xã Ninh Phước nói chung, thôn Đông An nói riêng đã giảm thiệt hại xuống mức thấp nhất".
Hơn nửa thế kỷ đã trôi qua, trên gương mặt những người còn sống vẫn y nguyên nỗi kinh hoàng mỗi khi nhắc lại. Dẫu biết nỗi đau sẽ không bao giờ lành, nhưng người Đông An bao năm nay vẫn sống, vẫn cứ chống chọi với thiên nhiên tàn khốc một cách "chủ động" hơn.
Trong trận lụt kinh hoàng năm Giáp Thìn 1964, gần 10.000 người ở các tỉnh Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Quảng Tín, Quảng Ngãi đã thiệt mạng. Tuy nhiên, con số thương vong cao nhất được ghi nhận là tại vùng rốn lũ nằm ở quận Đức Dụ, tỉnh Quảng Tín (nay là một phần của huyện Hiệp Đức và Nông Sơn, tỉnh Quảng Nam). Khu vực này chạy dọc theo thượng nguồn con sông Thu Bồn với 2.500 người chết.