Nhọc nhằn mưu sinh bằng "nghề của những vết sẹo"

(Dân trí) - Không có nghề nghiệp ổn định, hàng trăm người dân các huyện miền núi tỉnh Quảng Ngãi phải mưu sinh bằng nghề khai thác gỗ keo thuê trên những đỉnh núi cao chót vót. Họ gọi đây là nghề của những vết sẹo...

Nhọc nhằn mưu sinh trên núi cao ở Quảng Ngãi

Mưu sinh trên đỉnh núi...

Sau gần 40 phút ngược những con dốc dựng đứng, chúng tôi đến đỉnh Cà Ve (xã Trà Lâm, huyện Trà Bồng) với bạt ngàn những rừng gỗ keo mút tầm mắt. Giữa bốn bề núi cao, 40 con người đủ mọi lứa tuổi đang vật lộn với những khúc gỗ keo giữa cái nắng rát bỏng.

Hàng chục người ngày ngày nhọc nhằn mưu sinh trên những đỉnh núi cao chót vót ở Trà Bồng, Quảng Ngãi
Hàng chục người ngày ngày nhọc nhằn mưu sinh trên những đỉnh núi cao chót vót ở Trà Bồng, Quảng Ngãi

Phía cao nhất của đỉnh Cà Ve, những thân keo cứ liên tiếp đổ xuống trong tiếng máy cưa đinh tai nhức óc. Dừng tay nghỉ mệt, em Hồ Văn Thường (21 tuổi, xã Trà Lâm, Trà Bồng) lau vội khuôn mặt bằng chiếc khăn cáu bẩn, nói: "Anh làm gì ở đây, coi chừng keo ngã trúng đó".

Thường cho biết, cái nghề cưa keo giữa núi đồi này vô cùng cực khổ, nguy hiểm. Để khai thác những rừng keo trên đỉnh núi cao phải đi từ sáng sớm để đến nơi kịp giờ làm. "Mình làm nghề cưa nên phải đi sớm hơn cả, phải cưa sớm để có keo cho mọi người bóc vỏ. Nhọc nhằn lắm anh ạ", Thường bộc bạch.

Để cưa được những thân keo lớn giữa độ dốc cao, người cưa keo phải để ý độ nghiêng của thân cây, hướng gió, độ dốc... từ đó quyết định mạch cưa để thân cây đổ đúng hướng. "Cây ngã không đúng hướng là quật vào người bóc vỏ hoặc trúng vào mình. Chẳng may cưa vào tay, chân là chuyện thường. Hai tháng trước bạn em bị cưa trượt vào chân phải nghỉ việc đến bây giờ" - Thường cho biết.


Cần mẫn mưu sinh dưới cái nắng chói chang

Cần mẫn mưu sinh dưới cái nắng chói chang

Chật vật bóc vỏ một thân keo to vừa đổ xuống, em Hồ Thị Út (17 tuổi, xã Trà Lâm, Trà Bồng) nói trong tiếng thở mệt nhọc: "Em còn đi học nên chỉ xin đi làm vào cuối tuần kiếm thêm tiền phụ mẹ, còn thì mua sách vở. Mỗi ngày những người bóc vỏ như em kiếm được trên 100 ngàn đồng, còn các anh cưa hoặc vác keo thì tiền công gấp đôi".

Hồ Thị Út (áo kẻ)cuối tuần nào cũng tranh thủ lên núi phụ mẹ mưu sinh, nuôi ước mơ được đi học tới nơi tới chốn
Hồ Thị Út (áo kẻ)cuối tuần nào cũng tranh thủ lên núi phụ mẹ mưu sinh, nuôi ước mơ được đi học tới nơi tới chốn

Nói rồi Út chỉ vào cánh tay đầy vết sẹo, giọng trầm xuống: "Tuần trước em bóc vỏ một cây keo to, thân keo trơn quá nên con dao trúng vào tay, máu chảy nhiều lắm. Em còn đỡ, nhiều cô bị keo trên đỉnh dốc lăn xuống trúng người bất tỉnh".

Bữa trưa "mặn chát"...

Gần 12h trưa, khi mặt trời đã đứng trên đỉnh Cà Ve cũng là lúc những người làm keo thuê tạm nghỉ ngơi. Họ tìm vào những bóng râm lục đục sửa soạn bữa trưa. Bữa cơm của những "tiều phu" giữa đỉnh núi "mặn chát" với gói muối, lọ mắm và vài con cá khô.

4 người trong gia đình anh Hồ Văn Treo (xã Trà Tân, Trà Bồng) mệt mỏi lùa vội những miếng cơm khô khốc được nấu từ sáng. Nhà anh Treo có 6 người thì 4 người đi làm keo thuê. Anh Treo là đàn ông nên thuộc đội bốc vác, vợ và 2 con tham gia bóc vỏ. Trung bình mỗi ngày cả gia đình kiếm được 500 nghìn đồng nhưng nhìn bữa cơm vô cùng kham khổ. Thức ăn của họ chỉ vỏn vẹn một con cá chuồn khô và lọ mắm. "Cả nhà đi làm một ngày cũng được vài trăm ngàn nhưng phải để dành để mua gạo, mua mắm rồi cho mấy đứa đi học. Đâu phải lúc nào cũng làm ra tiền nên phải để dành. Ăn vầy cũng ngon rồi"- anh Treo phân bua.


Bữa cơm trưa trên đỉnh núi

Bữa cơm trưa trên đỉnh núi

Cơm trắng, con cá khô và lọ mắm của phận đời tiều phu
Cơm trắng, con cá khô và lọ mắm của phận đời tiều phu

Cách đó không xa, Út và mẹ cũng đang tranh thủ ăn vội bữa trưa để nghỉ ngơi lấy lại sức. "Nó còn đi học lại sắp thi rồi nên không cho nó đi theo. Nhưng nó năn nỉ mãi, nó bảo kiếm thêm ít tiền vì sắp tới kì thi đại học rồi, nó muốn có tiền để đi thi", chị Hồ Thị Trúc - mẹ Út tâm sự.

Những người như anh Treo, chị Trúc đều có thâm niên hàng chục năm trong nghề khai thác gỗ. Họ theo những cánh rừng từ ngọn núi này đến ngọn núi khác. Dù nguy hiểm, cực khổ nhưng cái nghề "tiều phu" này mang đến cho họ nguồn sống giữa trập trùng núi và đá. "Ở nhà ruộng ít nên thường thiếu gạo, không đi làm thêm thì lấy gì sống nên phải theo cái nghề này. Cứ hết ngày là được nhận tiền. Chi tiêu một phần, phần còn lại để dành cho những lúc mưa gió không đi làm được", chị Trúc tâm sự.

Rời đỉnh Cà Ve, bóng nắng đổ dài trên những rừng keo bạt ngàn bên kia sườn núi. Ở nơi đó, bước chân của những "tiều phu" sẽ đến để tiếp tục mưu sinh với nguy hiểm cận kề. Chỉ mong rằng, bước chân của Hồ Thị Út sẽ không in dấu ở đó mà phải ở nơi Út ươm ước mơ bước qua phận nghèo từ những con chữ.

Hà Xuyên