Người thợ Hà Nội bỏ 300 triệu đồng chế tạo siêu xe mui trần nặng gần 2 tấn

Minh Nhân

(Dân trí) - Sau gần 6 tháng, người thợ cơ khí Hà Nội chế tạo thành công chiếc xe cổ mui trần dài 5,1m; trọng lượng gần 2 tấn, tổng chi phí khoảng 300 triệu đồng.

Hơn 20 năm trước, anh Tạ Đình Huy (40 tuổi) xã Thượng Vực (huyện Chương Mỹ, Hà Nội) tạm gác giấc mơ Đại học, quyết tâm theo đuổi đam mê cơ khí, sáng chế những chiếc xe "không giống ai".

Sau khi chế tạo một chiếc xe máy độc lạ, anh Huy nhận ra sản phẩm này không mang lại hiệu quả kinh tế cho xã hội, mà chỉ đơn giản thỏa mãn đam mê cá nhân.

Người thợ Hà Nội bỏ 300 triệu đồng chế tạo xe mui trần nặng gần 2 tấn.

Cùng lúc đó, chứng kiến cảnh người thân cùng bà con vất vả "bán mặt cho đất, bán lưng cho trời", chàng thanh niên ấp ủ ý định tạo ra chiếc máy thay thế sức lao động, tăng năng suất.

Với kiến thức, kinh nghiệm thực tế và lòng quyết tâm, anh Huy chế tạo thành công chiếc máy nông nghiệp có tới 15 chức năng, được nâng cấp theo từng năm, đến đầu 2016. Từ đó, mỗi năm xưởng của anh cung cấp hàng nghìn chiếc ra thị trường. 

"Dù chuyên sáng chế máy nông nghiệp, nhưng tôi vẫn luôn đau đáu với đam mê chế tạo 'siêu xe' độc nhất", anh Huy kể.

Người đàn ông từng nghĩ không bao giờ quay lại với đam mê này, cho đến tháng 4/2021, Hà Nội giãn cách xã hội do dịch Covid-19. Tận dụng thời gian rảnh rỗi khi xưởng buộc đóng cửa, anh nảy ý tưởng chế tạo ô tô từ những vật liệu vốn sẵn làm máy nông nghiệp.

Người thợ Hà Nội bỏ 300 triệu đồng chế tạo siêu xe mui trần nặng gần 2 tấn - 1

Anh Tạ Đình Huy bên con "thiên nga trắng", kiểu dáng Pháp cổ, nặng gần 2 tấn.

Người thợ Hà Nội bỏ 300 triệu đồng chế tạo siêu xe mui trần nặng gần 2 tấn - 2

Công đoạn khó nhất là tạo khung, sườn cho chiếc xe.

Nghĩ là làm, hôm sau, người thợ cơ khí bắt tay nghiên cứu. Mọi thiết kế được anh "vẽ ra" trong đầu, thay vì phác thảo lên giấy. Đó là một chiếc xe mui trần cổ kiểu Pháp, dáng dài, với đường cong mềm mại bo tròn quanh thân.

Theo nhà sáng chế, công đoạn khó nhất là tạo khung, sườn được làm hoàn toàn bằng sắt, thép, độ dày như "xe bọc thép". Từng miếng kim loại được anh uốn cong, khoét và định hình vị trí hộc đèn, nắp capo, sau tạo thành đường gân thuôn dài xuống đuôi xe. 

"Liên tục gò, hàn xì trong nhiều tháng khiến bàn tay tôi phồng rộp, đau nhức", anh nhớ lại.

Sau khi hoàn thành bước khó nhất, mọi công đoạn về sau đều trở nên dễ dàng, như lắp đặt hệ thống lái, động cơ 1.6, phanh thủy lực, đèn led,… Người thợ cố gắng cân chỉnh bộ phận lái và đầu xe ăn khớp với nhau, đảm bảo phương tiện dễ điều khiển và an toàn nhất.

Người thợ Hà Nội bỏ 300 triệu đồng chế tạo siêu xe mui trần nặng gần 2 tấn - 3

Chiếc xe mui trần phiên bản "độc nhất vô nhị" tại Việt Nam.

Người thợ Hà Nội bỏ 300 triệu đồng chế tạo siêu xe mui trần nặng gần 2 tấn - 4

Người thợ cơ khí bỏ ra 300 triệu đồng để hoàn thành "tác phẩm" để đời.

Sau gần 6 tháng, chiếc xe thành hình, với chiều dài 5,1m; trọng lượng gần 2 tấn, tổng chi phí khoảng 300 triệu đồng.

Anh Huy đánh giá chiếc ô tô tự chế của mình có chất lượng tương đương những dòng xe thông thường. Tuy nhiên, do phương tiện chưa được đăng kiểm, anh chỉ mang ra chạy quanh làng, nơi vắng người.

"Tôi không cho ai mượn chiếc xe này, kể cả người thân", anh Huy khẳng định chỉ người sáng chế mới hiểu rõ sản phẩm của mình ra sao, vận hành thế nào, tránh rủi ro và nguy hiểm đối với những người xung quanh.

Từ ngày chiếc xe mui trần xuất hiện trên các phương tiện truyền thông, một số người ngỏ ý mua về trưng bày với giá 450 - 650 triệu đồng, nhưng anh Huy không bán. Anh nói chiếc xe vừa là đam mê, vừa là kỷ niệm của cuộc đời sáng chế, nên sau này sẽ dành trưng bày trong nhà.

Người thợ Hà Nội bỏ 300 triệu đồng chế tạo siêu xe mui trần nặng gần 2 tấn - 5

Anh Huy tự hào khi tạo ra chiếc xe thỏa mãn đam mê.

Tròn hai năm chế tạo, anh Huy bày tỏ mong muốn lớn nhất là Nhà nước có chính sách mở, tạo điều kiện cho những nhà sáng chế đăng kiểm, đưa chiếc xe vào lưu hành. Biết điều này khó thực hiện, song anh vẫn luôn tự hào và hãnh diện khi tự tạo ra chiếc xe thỏa mãn đam mê.

Người đàn ông cho biết trong tương lai sẽ không sáng chế ô tô nữa, bởi không mang tính chất kinh doanh và cũng để chiếc xe trở thành sản phẩm "độc nhất vô nhị" tại Việt Nam, đánh dấu giai đoạn Covid-19 khó khăn.

"Tôi sẽ quay lại chế tạo các loại máy nông nghiệp, phục vụ đời sống và công việc của bà con nông dân", anh Huy nói.

Năm 2016, anh Tạ Đình Huy là một trong những nông dân tiêu biểu được Bộ Nông nghiệp tôn vinh nhờ có sáng kiến cải tiến công nghệ, kỹ thuật, máy móc ứng dụng rộng rãi vào sản xuất, thay thế sức lao động. 

Năm 2017, anh nhận bằng khen và tuyên dương của T.Ư Đoàn TNCS Hồ Chí Minh và Quỹ hỗ trợ tài năng trẻ.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm